Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Chủ nhật, ngày 27/08/2023
****************************
PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC
Phần 3 Chương 3
NÓI RÕ PHƯƠNG PHÁP NIỆM PHẬT
(BÀI BỐN)
Hòa Thượng nói: “Mỗi chúng ta đều có đầy đủ “kiến tư phiền não”, đây là tâm luân hồi nên sẽ tạo tác nghiệp luân hồi. Chúng ta có tâm luân hồi, nghiệp luân hồi mà chúng ta gặp Phật pháp thì chúng ta luôn luôn chướng ngại Phật pháp. Việc này không chỉ diễn ra ở thời hiện đại mà ngay ở thời cổ đại cũng không ngoại lệ!”. “Kiến tư phiền não” là trong cuộc sống thường ngày chúng ta vẫn phân biệt phải trái, tốt xấu, việc của ta, việc của người, “tham, sân, si, mạn”. Nhà Phật nói: “Năng thuyết bất năng hành”. Người có thể nói nhưng không thể làm thì họ cũng đang chướng ngại Phật pháp. Khi Đức Phật còn tại thế cũng có những người chướng ngại, huỷ hoại Phật pháp. Hòa Thượng dạy: “Chúng ta phải bỏ đi cách nghĩ, cách thấy, cách làm của chính mình”. Cách nghĩ, cách thấy, cách làm của chúng ta đều là tùy thuận theo tập khí nên chắc chắn cách nghĩ, cách thấy, cách làm đó là sai. Chúng ta học theo tấm gương của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền thì chắc chắn cách nghĩ, cách thấy, cách làm của chúng ta sẽ không sai.
Hòa Thượng nói: “Người giác ngộ nhất định không có ý niệm “tự tư tự lợi”, không có ý niệm, hành vi khống chế mọi sự việc, sự vật. Người giác ngộ là người chân thật tường tận “tam tâm bất khả đắc”, “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không” nên họ không khởi lên ý niệm ác, không có những hành vi sai lầm, khởi tâm động niệm, hành động tạo tác của họ tương ưng với pháp tánh. Phật pháp gọi đây là “xứng tánh”. “Xứng tánh” là tương ưng với tự tánh. Tự tánh của chúng sanh là thuần tịnh, thuần thiện. Người xưa cũng nói: “Nhân chi sơ, tính bổn thiện” hay “Tính tương cận, tập tương viễn”. Con người vốn dĩ thuần tịnh, thuần thiện. “Tập tương viễn” là những tập tánh ô nhiễm chỉ ở bên ngoài nên chúng ta có thể dễ dàng cạo rửa, loại trừ những tập tánh này.
Chúng ta chưa giác ngộ nên chúng ta phải không ngừng kiểm soát những ý niệm “tự tư tự lợi” của mình. Hàng ngày, chúng ta khởi tâm động niệm vẫn là ác, ý niệm tư lợi, ý niệm phải trái tốt xấu chính là ý niệm ác. Tâm chúng ta phải đạt đến một mảng tâm chân thành, một mảng tâm thuần tịnh, thuần thiện. Hàng ngày, chúng ta vẫn nghĩ rằng chúng ta làm đúng, người khác làm sai, chúng ta vẫn thấy đúng sai thì chúng ta vẫn đang còn dư thời gian. Ngài Lục Tổ Huệ Năng nói: “Nhược chân tu hành nhân, bất kiến thế gian quá”. Người chân thật tu hành thì không thấy lỗi của người thế gian. Hòa Thượng nói: “Ngày ngày, chúng ta không có đủ thời gian kiểm soát mình, làm sao chúng ta có thời gian kiểm soát người!”. Có những người hiểu lầm câu nói này, khi họ thấy có người chỉ lỗi, nhắc nhở họ thì họ cho rằng người đó vẫn còn nhìn thấy lỗi của người khác. Phật Bồ Tát cũng vẫn phải thị hiện quát mắng, quở trách người. Người chân thật giác ngộ sẽ hiểu được “Tam tâm bất khả đắc”, “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không”. Chúng ta tạo nhân ác chúng ta phải nhận quả ác, tạo nhân thiện thì chúng ta nhất định có quả thiện.
Hòa Thượng nói: “Xứng tánh” chính là Phật tri, Phật kiến, Phật ngôn, Phật hạnh, thành tựu vô lượng vô biên công đức, dùng công đức này để trang nghiêm pháp giới, trang nghiêm chúng sanh. Đây gọi là tác chư Phật Bồ Tát, cách làm của chư Phật Bồ Tát”. “Phật tri”, “Phật kiến” nghĩa là cái thấy, cái biết của Phật. “Phật ngôn”, “Phật hạnh” nghĩa là lời nói, việc làm của Phật. “Xứng tánh” là chúng ta có cách nói, cách nghĩ, lời nói, việc làm giống như Phật. “Tác” là làm. Hàng ngày, chúng ta dùng giáo huấn của Phật Bồ Tát kiểm soát tập khí khí, phiền não thì đây chính là chúng ta tu hành, chúng ta thay đổi tự làm mới. Điều này giống như khi đoàn tàu chạy chệch đường ray thì chúng ta phải điều chỉnh lại con tàu cho nó quay trở lại đường ray. Một con tàu chạy trên biển, người lái tàu phải dùng đến la bàn để xác định phương hướng. Có người cho rằng tu hành là hàng ngày gõ mõ, tụng Kinh, nếu tâm chúng ta vẫn “tự tư tự lợi”, phải trái tốt xấu thì chúng ta không thể “xứng tánh” mà chúng ta càng ngày càng xa với tự tánh, xa với chư Phật Bồ Tát. Hòa Thượng từng nói: “Một người cả ngày làm việc lợi ích cho chúng sanh thì đó cũng là họ đang niệm Phật”. Người làm việc lợi ích chúng sanh thì đó là người xứng tánh.