Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 26/08/2023
****************************
PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC
Phần 3 Chương 3
NÓI RÕ CÁCH ĐỐI TRỊ PHIỀN NÃO
(BÀI BA)
Trong bài học hôm qua, Hoà Thượng nhắc chúng ta: “Người như thế nào là người giác ngộ? Người có thể giác ngộ là người triệt để hy sinh lợi ích của chính mình. Nếu như chúng ta không thể buông xả “danh vọng lợi dưỡng”, ý niệm hưởng thụ “năm dục sáu trần” thì chúng ta không thể giác ngộ”. Chúng ta phải thường phản tỉnh chính mình, chúng ta đã là người giác ngộ hay chúng ta vẫn là người mê muội?
Hòa Thượng nói: “Nhiều đời, nhiều kiếp chúng ta đã từng học Phật pháp, được gặp, được cúng dường chư Phật Bồ Tát, trồng được thiện căn sâu dày mà vì sao chúng ta vẫn chưa được khai ngộ? Gốc bệnh của chúng ta chính là chúng ta chưa triệt để buông bỏ tình chấp”. Tình chấp của chúng ta rất nặng. Chúng ta luôn quan tâm đến những việc liên quan đến lợi ích của chúng ta như vợ chồng, con cái, thân bằng quyến thuộc, công việc của chúng ta. Thí dụ, nếu con cái chúng ta hành hạ, mắng chửi chúng ta thì chúng ta không giận, không buồn nhưng người lạ chỉ làm một việc nhỏ trái với ý của chúng ta thì chúng ta có thể giận họ suốt mấy ngày, mấy tháng, thậm chí giận cả một đời. Khi con cái chúng ta leo lên đầu, lên cổ chúng ta thì chúng ta cảm thấy vui nhưng người khác làm như vậy thì chúng ta tức giận.
Hòa Thượng nói: “Người buông bỏ tình chấp một cách triệt để thì trong lòng họ chỉ có ý niệm vì tất cả chúng sanh phục vụ, nhất định không có ý niệm vì chính mình và họ biết được tận hư không khắp pháp giới tất cả chúng sanh là chính mình. Chúng ta vì tất cả chúng sanh phục vụ chính là chúng ta vì chính mình phục vụ. Đạo lý này rất sâu, rất ít người thể hội được!”. Nếu không có sự khải thị của Hòa Thượng chúng ta cũng vĩnh viễn không biết rằng chúng ta “phục vụ chúng sanh chính là phục vụ chính mình”. Trước đây, khi chúng ta làm những việc giúp ích cho chúng sanh, chúng ta thường cho rằng chúng ta là bề trên, chúng ta đang ban phước cho chúng sanh. Chúng ta không biết rằng, chúng ta phục vụ chúng sanh, giúp chúng sanh giác ngộ chính là chúng ta phục vụ, giúp chính mình giác ngộ. Chúng ta càng suy nghĩ về đạo lý này thì chúng ta càng thấu hiểu tường tận.
Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta chỉ vì chính mình không vì chúng sanh thì đây là chúng ta mê hoặc điên đảo, mê mất đi tự tánh rồi! Chúng ta vẫn đang hại chính mình nhiều đời nhiều kiếp sinh tử luân hồi, vĩnh viễn không thể thoát khỏi tam ác đạo”. Chúng ta đang làm cho chính mình vĩnh viễn không thể thoát khỏi luân hồi. Chúng ta không thể oán trách ai mà chỉ có thể oán trách chính mình vì mình cam đọa lạc. Có người có gia đình rồi nhưng họ vẫn qua lại với người phụ nữ khác, khi mọi người khuyên thì người đó nói: “Anh biết Địa ngục là đáng sợ nhưng anh không thể cưỡng lại!”. Chúng ta thuận theo tập khí của chính mình thì đây là chúng ta cam đọa lạc. Rất nhiều việc chúng ta không thể cưỡng lại chính mình, chúng ta không vượt qua được sự sai sự của tập khí.
Nhà Phật nói: “Chúng ta muốn độ chúng sanh thì trước tiên chúng ta phải độ chính mình”. Nhiều người hiểu sai câu nói này nên họ chỉ nghĩ đến việc vãng sanh của mình, không nghĩ đến việc lợi ích chúng sanh. Nếu chúng ta đợi chúng ta thành tựu rồi sau đó, chúng ta mới đi độ người khác thì rất nhiều chúng sanh sẽ không được độ. “Độ chính mình” chính là chúng ta hàng phục tập khí của chính mình. Chúng ta muốn hàng phục tập khí thì chúng ta phải nghe lời dạy của Phật Bồ Tát, của Cổ Thánh Tiên Hiền. Chúng ta làm theo tập khí của mình thì chúng ta đang mê hoặc, điên đảo. Chúng ta nghe lời, làm theo lời của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền thì rất nhiều chúng sanh sẽ được độ.
Nhiều người hỏi tôi, vì sao người của chúng ta đi đến đâu cũng không nhận tiền thù lao, không nhận quà dù chúng ta phải trả tiền vé máy bay và nhiều chi phí khác. Chúng ta làm được như vậy thì chúng ta đã hạn chế được tập khí, phiền não của chính mình và giúp ích được cho nhiều chúng sanh. Chúng ta tùy tiện nhận tiền thì các tập khí “tự tư tự lợi”, “tham, sân, si, mạn” của chúng ta sẽ nổi lên. Nếu chúng ta cảm thấy chỗ nào hậu đãi nhiều chúng ta vui thì chúng ta đã không còn tâm phục vụ chúng sanh. Nếu chờ đến khi chúng ta thành tựu, chúng ta mới làm việc lợi ích chúng sanh thì chúng sanh vĩnh viễn không có cơ may được độ.