117Thứ Bảy, 26/08/2023, 20:01
141 · Nói Rõ Cách Đối Trị Phiền Não - 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 25/08/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 3

NÓI RÕ CÁCH ĐỐI TRỊ PHIỀN NÃO

 (BÀI HAI)

Hiện nay, các đạo tràng thường có cách tu trì riêng, đây là do sự cố chấp, kiến chấp của mọi người. Điều này sẽ chướng ngại sự giải thoát chúng ta. Nhiều đời Tổ Sư Đại Đức đã dạy chúng ta, chúng ta tuân theo cách của các Ngài thì chúng ta chắc chắn sẽ không sai. Chúng ta tự làm theo cách của mình thì chắc chắn chúng ta sẽ sai. Chúng ta còn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước rất nặng, Tổ Sư Đại Đức đã xa lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Trong cuộc sống thường ngày cũng vậy, nếu vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chúng ta còn nặng thì cách làm của chúng ta sẽ sai, chúng ta giảm được vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì sai sót của chúng ta sẽ ít. Chúng ta phải “y giáo phụng hành”, nghe lời dạy và làm theo.

Hòa Thượng nói: “Người “tự tư tự lợi” là người mê hoặc điên đảo. Chúng ta “tự tư tự lợi” thì chắc chắn chúng ta sẽ phải đi vào ba đường ác. Do đó, người chân thật giác ngộ là người mỗi niệm chỉ lo nghĩ cho chúng sanh. Chúng ta muốn siêu thoát sáu cõi luân hồi, siêu thoát cả mười pháp giới thì chúng ta phải buông bỏ lợi ích riêng tư”. Ban đầu chúng ta nghĩ cho người 20%, cho ta 80%, dần dần chúng ta nghĩ cho người 30%, cho ta 70%, rồi đến cho người 40%, cho ta 60%, cho người 50%, cho ta 50%, sau cùng, chúng ta nghĩ cho người 70%, cho ta 30%, cho người 80%, cho ta 20%. Chúng ta cố gắng thì chúng ta sẽ làm được! Chúng ta đừng bao giờ có ý niệm một ngày nào đó chúng ta sẽ “phát dương quang đại”, chúng ta sẽ tự nhiên sẽ làm được 90%, 100% cho người. Nếu chúng ta có ý niệm này thì chúng ta gạt người và tự gạt mình.

Nhà Phật gọi những người gạt người và tự gạt mình là “Lân mẫn giả”, kẻ đáng thương. Có rất nhiều người đang gạt người và tự gạt mình. Chính chúng ta hàng ngày cũng đang gạt người và tự gạt mình. Chúng biết những tập khí, phiền não sẽ dẫn đến hậu quả rất đáng sợ nhưng chúng ta vẫn để chúng khởi hiện hành. Tập khí khởi thì chúng ta sẽ chắc chắn đi vào tam ác đạo.

Hòa Thượng nói: “Tài, sắc, danh, thực, thuỳ Địa ngục ngũ điều căn”. Tài, sắc, danh, thực, thuỳ, năm thứ này là căn gốc đưa chúng ta vào tam ác đạo. Hàng ngày, chúng ta vẫn để chúng lôi kéo, sai sự. Chúng ta tập dần thì chúng ta sẽ khởi tâm động niệm chỉ nghĩ đến lợi ích của người, không có lợi ích riêng tư. Khi chúng ta làm được 80% cho người, 20% cho ta thì con số này cũng không bền lâu mà phụ thuộc vào công phu quán chiếu của chúng ta. Ý niệm “vì ta” sẽ luôn chiếm thượng phong vì đây là thói quen của chúng ta từ nhiều đời. Nhiều người đã phát tâm hành Bồ Tát Đạo nhưng tâm Bồ Đề của họ mới đâm chồi thì đã mất, thậm chí ý niệm trước chúng ta “vì người” nhưng ý niệm sau chúng ta đã “vì ta”. Chúng ta thường quán chiếu thì chúng ta mới nhận ra. Hòa Thượng nói: “Chúng ta muốn có năng lực quán chiếu thì chúng ta phải thường xuyên học tập, không ngừng nhắc nhở mình”.

Hòa Thượng nói: “Hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức là chúng ta triệt để buông bỏ dục niệm khống chế, chiếm hữu đối với tất cả mọi sự, mọi việc, buông bỏ đi thành kiến của chính mình”. Nếu chúng ta không buông bỏ thì chúng ta sẽ luôn muốn người khác làm theo cách của chúng ta. Chúng ta muốn mọi người làm theo giáo huấn của Phật Bồ Tát, của Cổ Thánh Tiên Hiền, không phải làm theo cách của chúng ta thì đây không phải ý niệm khống chế, chiếm hữu. Điều này giống như chúng ta yêu cầu mọi người tuân thủ pháp luật vì đây là yêu cầu của quốc gia. Trong một tập thể, nếu mọi người không làm theo quy chuẩn thì tập thể có thể tùy theo mức độ mà khiển trách hay loại bỏ họ ra khỏi tập thể. Điều quan trọng là trước khi chúng ta bảo người khác làm thì chúng ta phải làm.

Quy chuẩn của Cổ Thánh Tiên Hiền, giới luật của nhà Phật không phải bắt buộc mà đây là tâm từ bi của các Ngài. Chúng ta giữ được điều trong lời dạy của Phật thì chúng ta sẽ được “biệt giải thoát”. Thí dụ, chúng ta không nói dối, chúng ta chỉ nói lời thành thật thì chúng ta sẽ được rất nhiều lợi ích. Nếu chúng ta nói dối thì chính chúng ta sẽ thiệt thòi. Chúng ta cho rằng quy chuẩn của Phật Bồ Tát là ràng buộc thì chúng ta chưa phải là người học Phật, chúng ta chưa thật sự thể hội được lời dạy của các Ngài. Chúng ta mong muốn người khác làm theo lời dạy của Phật Bồ Tát, của Cổ Thánh Tiên Hiền không phải vì chúng ta mà là để tốt cho bản thân họ, để chúng sanh được lợi ích.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook