138Thứ Sáu, 25/08/2023, 08:01

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’,sáng Chủ Nhật ngày 20/08/2023.

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC

Phần 3 chương 2

KHUYÊN THẬT TIN THẬT NGUYỆN

Tịnh Độ bắt đầu từ chữ Tín, tín là tin, “Tin sâu nguyện thiết hành miên mật”. Tin sâu có thế giới Tây Phương Cực Lạc, tin sâu chính bản thân mình có năng lực vãng sanh, đấy là tin sâu. Ngày nay, có một số người giải thích Tín Nguyện Hạnh theo cách của họ, dám thay đổi lời của Tổ Sư Tịnh Độ, đời nay thích thì sửa một vài câu, đời sau thích thì sửa một vài câu, vậy 1000 năm sau sẽ trở thành cái gì? Tam sao thất bản rồi!

Cho nên chúng ta nghe cho kỹ, tin Tịnh Độ tin Thế giới Tây Phương Cực Lạc là có thật, vì sao vậy? Vì Thích Ca Mâu Ni Phật đã giới thiệu cho chúng ta, cái tin thứ hai: tin tha là tin Phật, tin tự là tin chính mình, chính mình có đủ năng lực để vãng sanh. Đã thật tin rồi thì mới thật nguyện, nguyện vãng sanh Tịnh Độ, ngoài việc vãng sanh ra thì mọi việc chỉ là thứ yếu, không quan trọng. Ta làm việc lợi ích chúng sanh, giáo hóa chúng sanh, giúp đỡ chúng sanh, đó chỉ là việc để tích công bồi đức. Phát tâm Bồ Đề tiếp độ chúng sanh để tích công bồi đức nhưng đó là việc thứ yếu, còn việc trọng yếu chính là việc vãng sanh Tịnh Độ. Đó mới là thiết nguyện: “Tin sâu nguyện thiết hành miên mật”, một câu A Di Đà Phật niệm đến cùng.

Trước đây tôi đến Tịnh Tông Học Hội ở Bắc Mỹ, tôi có đề nghị với mọi người là “Ở đây là Tịnh Độ mà sao thấy có nhiều người đến vậy” (vì quá rộng cho nên người ta mượn lán trại, cắm cờ này cờ kia, tông phái này tông phái nọ), quá xen tạp. Tôi nói: “Không nên như vậy! Mình làm Tịnh Tông Học Hội thì chỉ để người của Tịnh Tông Học Hội”, không phải mình tự tư ích kỷ, mà mình giữ cho tâm mọi người được thanh tịnh. Mình phải để cái bảng ba thứ ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hoa: “Một câu A Di Đà Phật niệm đến cùng, một bộ Kinh Vô Lượng Thọ để học tập, một vị thầy dẫn đạo - Hòa Thượng Tịnh Không, một hướng Tây Phương để đi”. Đấy mới gọi là hành miên mật!

Thật ra mà nói, trước đây tôi thuộc cũng rất nhiều Kinh, bây giờ thì Đại Bi, Bát Nhã tôi cũng quên, thậm chí bài Tán Phật cũng quên luôn. Hôm nào có ai mời đến để làm một cái lễ gì đó thì không nhớ gì để đọc, chỉ nhớ một câu A Di Đà Phật. Mình chưa phải đạt đến sự chuyên nhất nhưng bây giờ thì tạm thời mình chỉ có một. Đọc bài Tán Phật, xưng tán Phật rồi đảnh lễ Phật, gì cũng thuộc. Trước đây tôi rất thuộc chú Đại Bi, Kinh Bát Nhã cũng thuộc, rồi hồi hướng cũng thuộc, giờ tôi quên hết không nhớ bài nào. Mình chưa được chuyên nhất, vậy mình phải dọn đường cho chuyên nhất, có một cái để nương tựa, có một cái để quay về, vậy thì không có thứ khác. Nếu đến lúc cần mà không nhớ thì đáng đời, không có thứ khác để chọn; còn chúng ta có nhiều thứ để chọn quá thì chắc chắn là sẽ chọn thứ khác. Vì sao vậy? Con người ta ai mà không sợ chết. Khi cái chết đến thì họ lo sợ, thế là họ không niệm Phật, vì họ cho rằng niệm Phật thì chết, niệm thứ khác để tăng phước tăng thọ, để khỏe mạnh sống lâu.

Cho nên bài này Hòa Thượng khuyên thật tín, thật nguyện. Thật tin, tin có Thế giới Tây Phương Cực Lạc, tin Phật Thích Ca Mâu Ni. Phật Thích Ca Mâu Ni là người có thật chứ không phải trong truyền thuyết. Phật giới thiệu với chúng ta về Thế giới Tây Phương Cực Lạc, là ta tin có thế giới Tây Phương Cực Lạc và ta tin mình có đủ năng lực để vãng sanh. Cũng giống như trong cuộc sống hằng ngày, ta tin mình có thể làm được tất cả mọi việc. Chúng ta phải nhớ chữ “tin” này! Chữ “tin” ở nơi chúng ta là sự nỗ lực, là sự tự cường chứ không phải tin vào sự ủy thác, chúng ta tin vào sự ủy thác của bề trên là sai, không phải niềm tin của người tu Tịnh Độ. Người tu Tịnh Độ chúng ta là tin mà tự cường, tin Phật là thật, có Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, tin tha và tin tự, tin chính mình có năng lực vãng sanh. Mà đã tin mình có thể có năng lực vãng sanh thành Phật, thật tin thì phải thật nguyện, chỉ có một hướng Thế giới Tây Phương Cực Lạc, còn thật hành thì chỉ có một câu A Di Đà Phật.

Thật ra thế gian này chúng ta thấy, ở ngoài đời ông bà nhà ta cũng dạy “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, một nghề thì cái nghề đó mới đạt đến chỗ tinh túy của nó, mới đạt được đến đỉnh cao nhất của nó, hai nghề ba nghề thì các nghề đó làm cho mình bị tạp loạn, còn một nghề thì nhất định sẽ đạt được đến đỉnh cao. Lục Tổ Huệ Năng cũng đã nói với chúng ta: “Nào ngờ tự tánh năng sanh vạn pháp”, năng lực của chúng ta đầy đủ tất cả, vậy thì việc gì mà ta làm không được. Tại sao ta làm không được? Vì thiếu niềm tin!

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook