Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 24/08/2023
****************************
PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC
Phần 3 Chương 3
NÓI RÕ CÁCH ĐỐI TRỊ PHIỀN NÃO
Nhiều người nói rằng, khi họ chưa tu hành thì họ không cảm thấy phiền não, khi họ bắt đầu tu thì họ cảm thấy phiền não càng lúc càng nhiều. Khi chúng ta chưa tu, chúng ta không kiểm soát, chúng ta tùy thuận theo phiền não nên chúng ta không thấy có phiền não. Khi chúng ta bắt đầu kiểm thì chúng ta cảm thấy phiền não rất nhiều, chúng ta càng kiểm soát thì phiền não càng nhiều. Có người nói, trước đây họ không vọng tưởng nhưng khi họ ngồi tụng Kinh, niệm Phật thì phiền não ùn ùn kéo về. Đáng sợ nhất là những việc sai trái họ làm trong quá khứ hiện về. Nhiều người không dám ngồi tụng Kinh, niệm Phật, tĩnh tâm vì khi đó, những tội lỗi của họ hiện về một cách rõ ràng, như vừa xảy ra ngày hôm qua. Đây là ý nghĩ sai lầm! Chúng ta không đối trị, kiểm soát phiền não thì phiền não sẽ ngày càng nhiều. Chúng ta còn thấy, còn nhận ra phiền não thì chúng ta còn có cách để đối trị.
Chúng ta tu tập thì chúng ta sẽ dần dần kiểm soát được tập khí, phiền não, từ đó dần loại bỏ, hạn chế phiền não. Chúng ta phải dụng tâm để đối trị thì chúng ta sẽ dần làm được điều này. Những người tùy thuận theo tập khí, phiền não thì sẽ không thể loại bỏ được phiền não. Thí dụ, có người thích ăn thịt nên khi ngửi thấy mùi thịt thì mắt họ “sáng trưng”. Nhiều loài động vật như voi, ngựa, trâu, bò, chỉ ăn thực vật nhưng chúng vẫn to khỏe. Các loài chồn, cáo, sư tử, hổ báo, thích ăn thịt vì chúng không thể kiểm soát tập khí từ nhiều đời, nhiều kiếp. Chúng ta thường tùy thuận mà không tìm cách để đối trị tập khí. Những người thích uống cafe, khi ngửi thấy mùi cafe mà không được uống thì họ sẽ run tay. Chúng ta tự tạo cho mình thói quen thích uống cafe, rượu bia, hút thuốc lá.
Hàng ngày, chúng ta vẫn bị tập khí sai sự. Công cuộc đối trị phiền não là một câu chuyện rất dài! Từ vô lượng kiếp đến nay chúng ta đã hoàn toàn thất bại đối với việc đối trị tập khí, phiền não. Đời này, kiếp này, nếu chúng ta tiếp tục thất bại thì chúng ta vẫn phải đi vào luân hồi sinh tử. Trong Kinh nói: “Vô kỳ xuất ly”. Chúng ta không có kỳ hạn để có thể ra khỏi luân hồi. Người tù chung thân, tù nhiều năm thì họ vẫn có kỳ hạn nhưng chúng ta ở trong vòng sinh tử không có kỳ hạn.
Hòa Thượng nói: “Người xưa ngày ngày đọc sách, tham cứu Phật Kinh, sách Thánh Hiền, nếu ba ngày chúng ta không đọc sách thì diện mạo của chúng ta đã khác!”. Chúng ta không đọc sách thì tập khí từ vô lượng kiếp sẽ khởi hiện hành. Tập khí của chúng ta đã có từ nhiều đời, chúng nhiều đến vô lượng, vô biên. Chúng ta thường có những tập khí như lười biếng, tham ăn, buông lung, phóng túng, hoang phí. Có những tập khí đã hiện ra một cách rõ ràng nhưng có những tập khí ẩn nấp ở những hình thức khác, nếu không có giáo huấn của Phật, của Cổ Thánh Tiên Hiền thì chúng ta không thể nhận ra chúng. Phật nói với các đệ tử: “Bao giờ các ông là A-la-hán thì các ông mới tin vào chính mình!”. A-la-hán là các bậc đã chứng lậu tận thông, không còn sinh tử, luân hồi. Chúng ta là phàm phu, chúng ta rời Phật Kinh, rời giáo huấn của Cổ Thánh Tiên Hiền, rời sự dẫn đạo minh bạch của người sáng suốt thì chúng ta chỉ làm theo tập khí phiền não.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta không có trí tuệ của Phật Bồ Tát, của Cổ Thánh Tiên Hiền, của những bậc Thầy sáng suốt thì chúng ta mượn nhờ trí tuệ của các Ngài”. Chúng ta mượn nhờ trí tuệ của các Ngài bằng cách chúng ta nghe lời, làm theo lời dạy của các Ngài. Nếu chúng ta làm mọi việc đều thưa hỏi thì việc làm của chúng ta sẽ không có sai sót. Chúng ta thường ngông cuồng, ngạo mạn, “tự dĩ vi thị”, tự cho mình là biết nên chúng ta luôn gây ra hư hại. Ở thế gian, mỗi lĩnh vực đều có chuyên gia, chúng ta chỉ cần hỏi họ thì chúng ta sẽ tránh được sai sót. Thí dụ, khi chúng ta làm bể chứa nước thì chúng ta phải học hỏi các chuyên gia cách để chống thấm.
Nhà Phật dạy chúng ta: “Y giáo phụng hành”. Chúng ta nghe lời dạy và làm theo thì chắc chắn chúng ta không mắc phải sai lầm. Hàng ngày, từ việc nhỏ đến việc lớn chúng ta đều muốn tự làm theo ý mình. Từ vô lượng kiếp đến nay chúng ta đữ ngông cuồng không nghe theo lời của Phật Bồ Tát. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thường không chịu thưa hỏi, tham vấn những người có kinh nghiệm. Người xưa nói: “Cha Mẹ ăn muối nhiều hơn chúng ta ăn cơm. Cha mẹ đi trên cầu còn nhiều hơn chúng đi trên đường”. Người trước có sự từng trải, thấu hiểu cuộc đời hơn chúng ta rất nhiều. Chúng ta có thể sai sót trong khoảng thời gian ngắn vài tháng nhưng nếu chúng ta sai sót trong nhiều năm thì chúng ta không thể tha thứ!