Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 11/04/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”
“CHƯƠNG II : NÓI RÕ PHƯƠNG PHÁP NIỆM PHẬT” (PHẦN MƯỜI MỘT)
Hòa Thượng: “Biểu hiện của công phu có lực là phiền não, vọng tưởng, phân biệt chấp trước của chúng ta ngày một giảm, trí tuệ ngày một thêm lớn, tâm địa ngày một thanh tịnh cho nên tự nhiên chúng ta có thể buông xả được mọi thứ”. Nếu chúng ta tu hành có lực thì hiện tượng rõ ràng nhất là phiền não, vọng tưởng, phân biệt của chúng ta ngày một giảm đi từ đó trí tuệ của chúng ta ngày càng thêm lớn. Công phu có lực là hôm nay, phiền não, vọng tưởng của chúng ta giảm một phần, ngày mai lại tiếp tục giảm thêm một phần nữa. Nếu phiền não, vọng tưởng của chúng ta hôm nay giảm mà ngày mai phiền não, vọng tưởng của chúng ta lại tăng thì công phu của chúng ta đã mất. Điều này giống như chúng ta mang đèn vào một hang động, dù hang động đã hàng ngàn năm không có ánh sáng nhưng ánh đèn lan tỏa đến đâu thì màn đêm sẽ bị xua tan đến đó.
Mấy ngày hôm nay tôi mệt vì tôi đi lại quá nhiều, khi về miền Tây, tôi gần như không ngủ được nhưng đến giờ học tôi vẫn dạy một cách tỉnh táo. Sáng nay, khi chuông đồng hồ chuẩn bị reo vào lúc 3 giờ 40 phút thì tôi đã chủ động dậy tắt đồng hồ. Đây là chúng ta khắc chế tập khí của mình. Chúng ta chỉ mới khắc chế được tập khí nếu chúng ta buông lung thì tập khí sẽ trỗi dậy. Điều này giống như bèo ở trong ao, chúng ta muốn lấy nước trong ao thì chúng ta phải dùng tay đẩy bèo ra, nếu tay chúng ta ngừng đẩy thì bèo trong ao lại trở về như cũ.
Nếu chúng ta tu hành chánh pháp thì phiền não, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chúng ta ngày càng ít đi. Nếu chúng ta tu theo tà pháp thì phiền não, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chúng ta ngày càng thêm lớn. Chúng ta tu hành chánh pháp thì chúng ta phải luôn đối trị phiền não, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Nếu chúng ta tu theo tà pháp thì họ vẫn cho phép chúng ta có phiền não, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước.
Có một người đã niệm Phật, nghe Hòa Thượng giảng được hơn 10 năm, sau đó cô bỏ nghe Hòa Thượng vì cô cho rằng tu theo phương pháp Hòa Thượng dạy không thể vãng sanh. Cô vừa đọc được một quyển sách, quyển sách cho rằng niệm Phật không cần diệt vọng tưởng, không cần giữ giới vẫn có thể vãng sanh. Cô cho rằng mình có công phu rồi nên mình chắc chắn sẽ được vãng sanh. Họ mê lầm đến đáng thương! Hàng ngày, họ vẫn còn phiền não, khổ đau nên chắc chắn họ sẽ không thể vãng sanh.
Nhà Phật nói: “Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai” hay “Nhất niệm sân tâm khởi, tiên đọa luân hồi”. Một niệm sân khởi lên thì trăm vạn chướng ngại đến hay một niệm sân khởi thì sẽ liền đọa luân hồi. Chỉ có yêu ma, quỷ quái mới nói người niệm Phật không cần phải giữ giới. Chúng ta phạm giới là chúng ta đã làm việc trái với luân thường, đạo lý. Ở thế gian, một người có chuẩn mực thì họ cũng đã sống có quy tắc, có đạo đức. Thí dụ như các cụ già ở dưới quê luôn có hành động, đối nhân xử thế chuẩn mực, hợp tình, hợp lý. Luật pháp quy định khi đi ra đường phải đội mũ bảo hiểm, phải lái xe đúng làn đường. Đây là những chuẩn mực, phép tắc chúng ta phải noi theo.
Hòa Thượng nói: “Chúng sanh ngày nay thích nghe gạt không thích nghe khuyên”. Chúng ta nói những điều tùy thuận theo tập khí, phiền não của họ thì họ thích, họ tán tụng. Chúng ta nói những điều không tùy thuận tập khí, phiền não của họ thì họ mắng, chê bai, thậm chí nhục mạ. Đại nguyện của Bồ Tát Địa Tạng quá vĩ đại, Ngài nói: “Địa ngục chưa trống không, ta thề không thành Phật. Chúng sanh độ hết, ta mới chứng Bồ Đề ”. Ngài có thể vĩnh viễn không bao giờ thành Phật, Ngài mãi mãi hòa hoan hồng trần, hòa mình với tất cả chúng sanh đau khổ để tìm cơ hội để độ chúng sanh.
Chúng sanh ngày nay không thích nghe những lời khuyên chân thật. Chúng ta khuyên họ giữ gìn giáo dục chuẩn mực Thánh Hiền, giữ gìn chuẩn mực trong năm mối quan hệ thì họ cho rằng đó là tư tưởng phong kiến. Tuy nhiên, người nào đi chọn vợ, chọn chồng cho con cũng muốn tìm gia đình có đạo đức tốt, có gia phong, nề nếp.
Hôm trước, tôi có tham dự một buổi lễ thành hôn, trong buổi lễ có rất nhiều người đứng lên nói những điều trống rỗng. Tôi nhắc cô dâu, chú rể phải lạy tạ Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ đã thành toàn cho mình. Nếu thế hệ này chỉ cúi đầu xá Tổ Tiên, Ông Bà, Bố Mẹ, thì thế hệ sau họ sẽ chỉ còn gật đầu, đến thế hệ sau thì sẽ chỉ nói suông. Tôi nói với cô dâu, chú rể, hôm nay hội trường rất chật nên họ chỉ cần lạy ba lạy, lạy đầu tiên là để cảm ơn Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ; lạy thứ hai là mong Ông Bà, Bố Mẹ dạy dỗ, bao dung; lạy thứ ba là cô dâu chú rể hứa sống hạnh phúc, tốt đẹp để làm rạng rỡ gia phong. Chúng ta phải tiếp tục truyền thừa những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chú rể là người có phong cách cũng rất hiện đại nhưng khi nghe tôi nói xong anh cũng đến cảm ơn tôi hai lần. Khi tôi ngồi cùng mâm với người mẹ chồng, bà cũng gọi tôi là Thầy và xưng là con. Họ không biết tôi là ai nhưng lần đầu gặp mặt họ cũng có sự kính trọng. Chánh pháp dạy chúng ta, ở thế gian, chúng ta sống phải theo quy chuẩn của người xưa; còn đối với pháp tu, chúng ta phải làm theo đúng yêu cầu mà Phật Bồ Tát đã dạy.