Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Thứ Bảy ngày 19/08/2023
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC
Phần 3 chương 1
MỤC “TÁN THÁN TỊNH ĐỘ SIÊU THẮNG”
Mỗi một phần cũng có “Tán thán Tịnh Độ siêu thắng”. Phần thứ hai, Hòa Thượng cũng có “Tán thán Tịnh Độ siêu thắng” và hôm nay đến phần thứ ba cũng có “Tán thán Tịnh Độ siêu thắng”. Vì sao phải lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy? Hòa Thượng muốn nhấn mạnh cho chúng ta biết, thời kỳ mạt pháp này nếu không nương vào Tịnh Độ thì sẽ không thể có thành tựu. Và nếu Tịnh Độ mà không thuần chánh thì Tịnh Độ bị xen tạp rồi, cũng không thể có thành tựu. Tịnh Độ thuần chánh là phải có một sự truyền thừa, sự truyền thừa ở đây chính là từ Tổ sư Tịnh Độ đến các bậc Thầy chuyên tu Tịnh Độ, như chúng ta hiện tại học theo Hòa Thượng. Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam là thầy của Hòa Thượng, cả đời chuyên tu, chuyên hoằng Tịnh Độ. Thầy của lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam là Tổ sư Ấn Quan - vị Tổ thứ 13 của Tịnh Độ.
Ngày nay, người ta mượn danh Tịnh Độ theo cách này cách kia, rất nhiều cách. Và chúng ta phải nhớ rằng, cách nào mà Tổ sư Đại đức có khuyên bảo, có khuyến khích làm thì chúng ta hãy tin. Nếu như đời sau này mà tự xưng Tổ thì chúng ta phải hết sức cẩn thận! Nếu bây giờ chúng ta nói thẳng ra thì trở thành ở đây bài xích nơi kia, cũng có thể người ta cho rằng mình nói lỗi của người. Nhưng Phật pháp thuần chánh, nhất là Tịnh độ thuần chánh thì ai có duyên người ta được nghe, còn người không có duyên chúng ta thử nghĩ xem, Phật còn không có năng lực để độ huống chi là chúng ta. Thế cho nên chúng ta cũng không cần phải bài bác hay là phải công kích.
Mình không công kích họ nhưng họ lại đi công kích mình. Họ nói tôi là người xen tạp, họ nói tôi là người không nên gần gũi vì họ cho rằng tôi xen tạp, tôi học Phật, tu Tịnh Độ mà sao mình lại đi đề xướng chuẩn mực Thánh Hiền, học Đệ Tử Quy, học phép tắc để làm người. Họ cho rằng không cần phải làm người, đi làm Bồ Tát bất thối ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc cho nhanh. Mọi người nghĩ sao? Có thể làm được Bồ Tát bất thối ở Thế giới Cực Lạc không, khi mà tư cách làm người còn không có, những vai trò, những bổn phận thì quá thiếu kém? Bây giờ họ nói chúng ta xen tạp, từ tám năm trước họ đã nói tôi xen tạp. Họ đi đảnh lễ mọi người, van xin mọi người đừng bao giờ mời Thầy Vọng Tây đi giảng, để Thầy niệm Phật vãng sanh, như vậy tốt hơn. Muời năm trước chúng ta chưa có một trường học văn hóa truyền thống nào ra đời, chỉ có một vài lễ tri ân được tổ chức, nhưng có thể nói là rất cảm xúc, đều là rất long trọng. Nơi tổ chức Lễ Tri ân Cha Mẹ đầu tiên ở Hà Nội chính là một đạo tràng niệm Phật, và tiếp theo là Lễ Tri Ân Vợ Chồng cũng ở ngay chính đạo tràng đó, ai cũng cảm xúc trào dâng. Thế mà bây giờ họ là những người đi bài xích, chướng ngại. Tôi nhớ rất rõ tại buổi Lễ Tri ân đó, một cặp vợ chồng đã ly thân có ba người con, khi người vợ nói lời xin lỗi chồng thì người chồng giang hồ đã run lên vì xúc động, sau đó hai vợ chồng đã hòa thuận. Từ đó, các Lễ Tri Ân cứ tiếp nối tiếp nối, và đến bây giờ, những chuẩn mực văn hóa truyền thống đã lan truyền.
Tôi quay về học 1200 chuyên đề của Hòa Thượng Tịnh Không. 1200 chuyên đề đã đi qua và tôi không trễ một phút nào. Và đến bây giờ chúng ta học “Tịnh Không Pháp Sư Gia Ngôn Lục”, chúng ta đã học được hình như sắp được 150 buổi học rồi. Thời gian học của chúng ta có thể tính bằng trăm chứ không phải là chục, và thậm chí là có thể tính bằng ngàn. Mọi người thử nghĩ xem, với độ thẩm thấu như vậy thì mới có thể thay đổi được cốt cách “Bạch Cốt Tinh” nhiều đời của chúng ta. Thật ra, đã nhiều thời gian như vậy rồi mà chúng ta đã thay đổi được cốt cách “Bạch Cốt Tinh” này chưa? Chúng ta đã học như vậy nhiều ngày tháng rồi mà vẫn chưa thay đổi được, thì những người không nhờ những ngày tháng tôi luyện thì làm sao đây?
Bây giờ họ nói tu hành xen tạp không vãng sanh. Chính xác! Chúng ta “xen tạp” nhưng cái “xen tạp” này là đang vì lợi ích chúng sanh, đang cứu giúp chúng sanh. Như Chủ nhật vừa rồi, chúng ta tổ chức một ngày “Làm Con Phải Hiếu” ở Sóc Trăng, hơn năm mươi người tham dự. Các con được học chuẩn mực làm người, và đa phần các con hướng đến Phật, niệm Phật. Đấy! Chúng ta không đề xướng, không chuyên giảng dạy niệm Phật nhưng các con ở gần ngôi chùa chuyên niệm Phật nên các con cũng được hưởng lây. Đấy! “Xen tạp” là vì lợi ích chúng sanh mà “xen tạp”, xen tạp mà xem nó có gắn trong tâm chúng ta hay không, đó mới là việc cần phải xem lại. Ta xen tạp mà chìm đắm, thỏa mãn trong danh vọng lợi dưỡng thì đó mới là cái đáng sợ, còn “xen tạp” mà ngoài niệm Phật ra là để làm những việc thúc đẩy chuẩn mực làm người, dạy người biết hiếu thảo cha mẹ kính trọng thầy cô, làm người phải biết bổn phận làm người, vậy thì chư Phật Bồ Tát, Tổ sư Đại đức nhiều đời, từ thời Thích Ca Mâu Ni Phật cho đến ngày nay từ xưa đều đã làm cái việc mà người ta gọi là “xen tạp” này. Nếu không có những sự truyền thừa tiếp nối của bao đời Tổ sư Đại đức thì ngày nay chúng ta làm gì mà tiếp nhận được Tịnh Độ thuần chánh, chuẩn mực của Thánh Hiền thuần chánh!