Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 18/08/2023
****************************
PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC
Phần 2 Chương 9
PHÁP MƯỜI NIỆM TINH YẾU
Pháp Mười niệm là mỗi lần chúng ta niệm mười niệm, phương pháp này tinh yếu, giản lược, dễ hành trì, mỗi lần chúng ta niệm mười niệm, mỗi ngày chúng ta niệm chín lần. Phương pháp này dễ hành trì như vậy nhưng chúng ta cũng vẫn thường quên niệm!
Hòa Thượng nói: “Phương pháp Mười niệm này chúng ta có thể tự tu hoặc cộng tu. Trong ngày chúng ta niệm chín lần, mỗi lần mười niệm. Buổi sáng, khi chúng ta vừa thức dậy chúng ta niệm một lần; trong ngày, trước khi chúng ta ăn ba bữa cơm thì chúng ta niệm mười câu Phật hiệu ba lần; trước khi đi làm, giờ nghỉ trưa, trước khi bắt đầu giờ làm việc buổi chiều và khi kết thúc giờ làm là chúng ta niệm bốn lần. Buổi tối trước khi đi ngủ chúng ta niệm mười câu Phật hiệu một lần nữa”. Buổi sáng, khi vừa thức dậy chúng ta có định tĩnh đề khởi mười câu Phật hiệu không? Việc này người có công phu cao mới có thể làm được. Khi thức dậy, tôi vẫn thỉnh thoảng quên niệm mười câu Phật hiệu.
Có người cho rằng, pháp Mười niệm là pháp tu dành cho những người già nhưng chúng ta có thể mỗi ngày niệm chín lần, liên tục trong nhiều ngày cũng không đơn giản. Trước khi vào ba bữa cơm, trước khi đi ngủ chúng ta đều đã nhớ niệm mười câu Phật hiệu nhưng buổi sáng khi vừa tỉnh dậy, chỉ có khoảng 20% đến 30% người nhớ niệm, trước khi đi làm, giờ nghỉ trưa, trước giờ làm buổi chiều và trước khi đi làm về chỉ có 40% đến 50% người có thể nhớ niệm. Pháp mười niệm này thật sự không dễ làm! Hoà Thượng nhắc nhở chúng ta để chúng ta khởi tín tâm kiên cố hơn, dũng mãnh, miên mật hành trì hơn.
Chúng ta có thể dùng cách bổ khuyết khi hành trì pháp Mười niệm, buổi sáng thức dậy chúng ta quên không niệm Phật thì trước khi ăn sáng chúng ta niệm 30 lần; nếu trước khi đi làm chúng ta không nhớ niệm thì giờ ăn cơm trưa chúng ta niệm 90 lần để chúng ta nhớ. Có người nói “Tôi không có gì tốt, chỉ có thù dai, nhớ vặt, dễ quên”. Câu nói này cũng phản ánh căn tánh của mỗi chúng ta. Chúng ta mượn tiền người, ơn sâu nghĩa nặng của người thì chúng ta thường không nhớ!
Hòa Thượng nói: “Pháp Mười niệm phù hợp với căn tánh của chúng sanh thời hiện đại”. Người hiện đại lúc nào cũng ở trạng thái “mau mau”. Thần chết cũng nói với chúng ta “mau mau để chết!”. Gần đây, có rất nhiều người chết vì đột quỵ, họ mới chỉ khoảng 30, 40 tuổi, nguyên nhân của việc này là do người ngày nay không định tĩnh, luôn ở trạng thái khẩn trương. Chúng ta phải quán sát tâm nếu không chúng ta cũng sẽ ở trạng thái “mau mau” như mọi người.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta mỗi lần xưng niệm mười câu, chúng ta có thể niệm bốn chữ hoặc sáu chữ hồng danh của “A Di Đà Phật”. Chúng ta căn cứ vào định khoá này mà làm hàng ngày!”. Chúng ta đã nghe pháp Mười niệm nhiều năm nhưng chúng ta đã làm được 100% chưa? Chúng ta làm định khoá này làm hàng ngày thì đây chính là chúng ta tự tu.
Chúng ta cộng tu bằng phương pháp Mười niệm bằng cách, mỗi lần chúng ta giảng Kinh, hội họp, cùng nhau ăn cơm chúng ta có thể làm nghi thức niệm Mười niệm. Xã hội hiện đại, mọi người đều có rất nhiều việc, các cuộc họp thường diễn ra thường xuyên, trước khi họp chúng ta cũng nên có thời gian tĩnh tâm hoặc niệm mười niệm. Nếu chúng ta vọng tưởng, nghĩ đến việc sẽ nói như thế nào để mọi người thấy chúng ta có hiểu biết thì chúng ta đã sai.
Hòa Thượng nói: “Khi bắt đầu làm việc thì chúng ta nên có ước định là cùng nhau niệm mười câu Phật hiệu”. Ở công sở, ở trường học chúng ta có thể dùng các phương pháp khác nhau để giúp chúng ta tĩnh tâm. Một số nơi dùng phương pháp “thiền” để tĩnh tâm nhưng chúng ta rất khó chân thật đạt được trạng thái này. “Thiền” là nội không khởi, ngoài không nhiễm nghĩa là bên trong không khởi phiền não, vọng tưởng, bên ngoài không nhiễm năm dục sáu trần.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta an định theo pháp Mười niệm này để tự tu hay cộng tu thì chúng ta sẽ có lợi ích đặc biệt thù thắng”. Một giấc ngủ an định, một bữa ăn thanh tịnh sẽ vô cùng tốt cho sức khoẻ của chúng ta. Người thế gian thường thích ồn ào, náo nhiệt. Ngày trước, tôi đến thăm một vị Thầy, mỗi bữa ăn của Thầy kéo dài gần một giờ, Thầy nhai đến khi thức ăn nát ra như nước, khi nhai thức ăn Thầy không nói chuyện. Chúng ta thường ăn nhanh chóng, nhai thức ăn không kỹ nên thức ăn rất khó nuốt. Có một bữa ăn an tĩnh cũng không dễ dàng! Hàng ngày, chúng ta có được mấy bữa ăn an tĩnh?