59Thứ Năm, 17/08/2023, 16:53

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 17/08/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 2 Chương 9

HOẠ VÀ PHƯỚC

Rất nhiều người không chú ý đến hoạ, phước. Chúng ta không biết cách hưởng phước, tạo phước thì phước sẽ biến thành hoạ. Nếu chúng ta chỉ hưởng phước cho riêng mình thì phước sẽ biến thành hoạ. Trong chữ Hán, chữ phước và chữ hoạ nhìn thoáng qua rất giống nhau, chữ phước ở trên là bộ nhất, ở dưới bộ khẩu, bộ điền, bên phải là bộ y; chữ hoạ ở phía bên trái là bộ y, ở phía dưới là bộ khẩu. Họa và phước rất gần nhau.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta có phước báu mà chúng ta cùng hưởng phước với mọi người thì đó là phước báu chân thật, chúng ta chỉ hưởng phước cho riêng mình thì phước báu đó sẽ biến thành hoạ hại”. Thí dụ, chúng ta có một nồi bánh chưng, chúng ta mang biếu tặng mọi người thì phước sẽ được chia đều cho nhau. Người xưa biết rất rõ về hoạ, phước. Dân gian nói: “Bánh ít đi thì bánh quy lại” hay “Người ta ăn thì còn, con ăn thì hết”. Phật dạy chúng ta bố thí Tam Luân Không Tịch: “Bố thí không thấy người bố thí, không thấy vật bố thí và không thấy vật bố thí”. Chúng ta bố thí Tam Luân Không Tịch thì chúng ta sẽ có công đức. Người học Phật phải chú trọng đến công đức chứ không chú trọng đến phước báu vì trong công đức có phước báu nhưng trong phước báu không có công đức. Chúng ta làm việc chân thật lợi ích chúng sanh mà chúng ta không có tâm mong cầu thì chúng ta có công đức.

Hòa Thượng nói: “Người xưa tạo chữ rất dụng tâm, hai chữ hoạ, phước rất giống nhau. Đây là người xưa nhắc nhở chúng ta phải cảnh giác để phước không biến thành hoạ”. Người ngày nay cho rằng tiền tài là do tài năng, địa vị của họ mang lại, nếu họ bất chấp thủ đoạn để có được tiền tài thì tiền tài này sẽ biến thành hoạ. Người xưa nói: “Lộc tận thì nhân vong”. Phước hết thì mạng còn không giữ được.

Hòa Thượng nói: “Cổ Thánh Tiên Hiền nhắc nhở, cảnh báo chúng ta rất nhiều về hoạ phước, nhưng trong quá khứ và hiện tại có vô số trường hợp phước đã biến thành hoạ. Chúng sanh có tâm tham cầu nên họ luôn thiếu cảnh giác về việc này”. Có những người sau khi trúng số độc đắc thì họ có thói quen tiêu xài hoang phí, khi không còn tiền thì cuộc sống của họ còn khổ hơn trước. Ngày trước, khi những công nhân xây cầu Cần Thơ gặp nạn thì người thân của họ được đền bù khoản tiền rất lớn, con cái của họ tiêu xài số tiền này rất hoang phí, sau đó những người con này cũng phiêu bạt sang về nơi khác. Những người được nhà nước đền bù một khoản tiền lớn do giải phóng mặt bằng làm đường cũng thường nhanh chóng tán gia bại sản. Chúng ta phải hết sức cảnh giác về điều này!

Ngày trước, khi tôi còn bán hàng ở chợ, tôi biết một người bán vé số, sau khi anh trúng vé số anh tiêu xài hoang phí, ruồng bỏ gia đình. Gần hai năm sau, sau khi đã tiêu hết tiền, sức khoẻ bị huỷ hoại, anh phải chống gậy đi bán vé số, vợ con cũng đã bỏ đi. Chúng ta có phước mà chúng ta chỉ hưởng cho riêng mình thì phước đó sẽ biến thành hoạ. Những việc này trong dân gian diễn ra nhiều vô số kể nhưng người có tâm cảnh giác rất ít. Khi chúng ta có một chút tiền hay món ăn ngon thì chúng ta phải dâng lên Ông Bà, Cha Mẹ. Người có tâm hiếu, tâm cung kính như vậy thì sẽ không tiêu xài một cách hoang phí. Phật dạy: “Chúng ta có phước thì chúng ta để chúng sanh hưởng”.

Khi tôi cần di chuyển bằng máy bay, tôi luôn đi vào thứ ba, thứ tư, thứ năm những ngày giá vé máy bay rẻ nhất. Tôi từng thấy người mặc quần áo nâu tu hành nhưng đi vào phòng Vip, phòng dành cho người mua vé máy bay hạng thương gia. Có một vị tỉ phú, ông thường đi vé máy bay hạng phổ thông nhưng con của ông lại đi vé máy bay hạng thương gia, một hôm, ông hỏi người con: “Con đi vé máy bay hạng thương gia thì con có đến nơi đó trước Cha không? Hay con chỉ nhận được sự phục vụ tốt hơn và vẫn đến nơi cùng lúc!”. Một lần, tôi nhìn thấy một số thiếu niên đi máy bay hạng thương gia, những đứa trẻ này chưa chắc đã biết tự nấu cơm, tương lai, nếu Bố Mẹ của những thiếu niên này không còn tiền cung phụng chúng thì tai hoạ sẽ đến. Những thiếu niên đó không không thể tự làm ra cơm gạo thì chúng cũng sẽ không thể làm việc để đóng góp cho xã hội. Giá vé hạng thương gia đắt hơn giá vé hạng phổ thông ba bốn lần nhưng người mua vé hạng thương gia cũng chỉ được ngồi một chiếc ghế rộng hơn, được ăn một bữa ăn sang trọng hơn. Tôi cũng thường nói: “Hơn ⅔ cuộc đời chúng ta sống trong ảo danh, ảo vọng, để chúng ta làm đẹp cho cái nhìn của người khác, thoả mãn cái ta của mình”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook