200Thứ Tư, 09/08/2023, 16:33
125 · Nhiều Văn Hoá Khác Biệt

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 09/08/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 2 Chương 9

NHIỀU VĂN HOÁ KHÁC BIỆT

Hòa Thượng nói: “Chúng ta đang sống trong thế giới có nhiều chủng tộc, văn hoá, tôn giáo, phong tục tập quán khác nhau, nếu chúng ta tôn trọng, hợp tác, kính yêu lẫn nhau thì chúng ta có thể thúc đẩy xã hội an định, sáng tạo một đời sống hạnh phúc mỹ mãn. Quan niệm, lý luận và nguyện vọng này là mục tiêu mà tất cả các lãnh đạo các tôn giáo đều mong muốn đạt đến”. Chúng ta phải sáng tạo một đời sống để nhân loại đạt đến hạnh phúc mỹ mãn. Đây cũng chính là đại nguyện của chư Phật Bồ Tát. Đời sống của chúng ta còn có mâu thuẫn, đối đầu, chướng ngại thì chúng ta không thể về được thế giới Tây Phương Cực Lạc. Các lãnh đạo tôn giáo đến thế gian này đều mong muốn mọi người đạt đến hạnh phúc ở hiện đời, đời sau thì được giải thoát. Con người thường “tự tư ích kỷ”, họ mong có được nhiều hơn người khác nên giáo lý của người xưa càng ngày càng bị bóp méo.

Hòa Thượng nói: “Thế gian này chỉ có một vị chánh thần, vị chánh thần này có thể hiện thân ở tất cả chủng tộc, tôn giáo. Ở Phật giáo, vị chánh thần đó hiện thân là Thích Ca Mâu Ni Phật, ở Thiên Chúa Giáo, vị chánh thần hiện thân là Chúa Giê-su, vị chánh thần này cũng hiện thân ở cả các tôn giáo khác”. Phật A Di Đà của chúng ta cũng giống như là chúa Giê-su của những người theo Thiên Chúa Giáo và ngược lại. Chúng ta có cái nhìn như vậy thì chúng ta có thể dễ dàng tôn trọng, kính yêu, hợp tác lẫn nhau, từ đó chúng ta có thể xây dựng phương thức đời sống hạnh phúc mỹ mãn cho nhân loại. Chúng ta có cái nhìn khác biệt thì có nhiều mâu thuẫn sẽ sinh ra.

Khi Hòa Thượng đến Úc Châu, các đồng tu mua lại một nhà Thờ của Thiên Chúa Giáo để làm nơi sinh hoạt cho các Phật tử, đến ngày Giáng sinh, mọi người vẫn trang hoàng đón Giáng sinh, ở ngoài sân vẫn để tượng Đức Mẹ, trong nhà thờ vẫn giữ nguyên cây Thánh giá và kính pha lê trang trí. Nhiều người thắc mắc hỏi thì Hòa Thượng nói: “Chúng tôi đến đây để làm đẹp hơn những gì các vị đã có chứ không phải để thay đổi!”. Chúng ta phải mở tâm rộng lớn như vậy thì chúng ta mới có thể đến thế giới Tây Phương Cực Lạc. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là thế giới đa nguyên văn hoá, nhiều chủng tộc, tôn giáo khác nhau. Những người đạt đủ tiêu chuẩn và hướng về thế giới Tây Phương Cực Lạc thì đều có thể được vãng sanh.

Nhiều người già ở thôn quê lão thật niệm Phật, tâm của họ chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi nên họ có thể tự tại vãng sanh. Nếu chúng ta hỏi họ sức khoẻ của họ như thế nào, họ ăn ngủ có tốt không thì họ cũng trả lời bằng câu “A Di Đà Phật”. Chúng ta có nhiều hiểu biết hơn nên tâm chúng ta vướng bận hơn tâm của họ, trong tâm chúng ta có sự phân biệt ta người, tốt xấu, hơn thua. Những người lão thật, chất phác, nghe lời, thật làm thì trong tâm họ không có phân biệt, chấp trước. Chúng ta còn phân biệt, chấp trước thì tâm thanh tịnh của chúng ta sẽ bị chướng ngại. Chúng ta không có tâm phân biệt thì chúng ta không thấy sự khác biệt giữa Đức mẹ Maria và Bồ Tát Quán Thế Âm. Hoà Thượng không có cái nhìn phân biệt nên những đồng tu đến nhà Thờ cũng không có tâm phân biệt. Những người theo Thiên Chúa Giáo đứng trước tượng Đức Mẹ để niệm Đức Mẹ Maria, chúng ta đứng trước tượng Đức Mẹ niệm danh hiệu “Quán Thế Âm Bồ Tát”, hai việc này không có sự khác biệt. Hiện tại, ngay những người niệm Phật cũng đối đầu, chướng ngại, thậm chí huỷ báng lẫn nhau, đây là nguyên nhân người niệm Phật rất đông nhưng người vãng sanh rất ít. Ngài Lý Bỉnh Nam có hơn 300.000 học trò nhưng chỉ có hoan 30 người có thể vãng sanh. Thời Ngài Lý Bỉnh Nam đã cách đây gần 100 năm, khi đó chưa có Internet, mạng xã hội, ngày nay, tâm người còn bị nhiễu loạn nhiều hơn.

Hòa Thượng nói: “Tại các trường đại học ở Úc Châu, chính phủ đã đề xuất tổ chức các buổi luận đàm đa nguyên văn hoá, mỗi tháng một lần, nhà trường sẽ mời các vị lãnh tụ tôn giáo, các học giả nổi tiếng đến để cùng nghiên cứu, thảo luận, thực tập cách để xây dựng một thế giới đại đồng. Trong trường học có nhiều người thuộc những nền văn hoá khác nhau thì sẽ có thể bồi dưỡng ra những chuyên gia, nhân tài, những người sẽ hoá giải xung đột về văn hoá, giúp tất cả chúng sanh có thể cùng hợp tác, cùng sống hoà thuận”. “Nghiên” là nghiên cứu, “Thực tập” là thật làm. Nhà Phật gọi đây là: “Giải hành tương ưng”. Hiểu và làm phải như nhau. Người xưa gọi đây là: “Tri, hành hợp nhất”. Cái biết và cái làm phải phù hợp với nhau.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook