55Thứ Sáu, 11/08/2023, 07:44
126 · Nhiều Văn Hóa Khác Biệt - 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 10/08/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 2 Chương 9

NHIỀU VĂN HÓA KHÁC BIỆT

Trên thế giới có rất nhiều văn hóa và tôn giáo khác biệt, muốn xã hội hòa bình thì giữa các tôn giáo phải cùng sống hòa thuận, cùng tồn tại phát triển và quan trọng nhất phải có sự kính trọng lễ nhường lẫn nhau. Ở cõi ta bà chúng ta phải thực hành kính trọng và lễ nhường mới tương ưng với thế giới đại đồng Tây Phương Cực Lạc. Đó là thế giới của sự bình đẳng, thanh tịnh. Nếu không làm được sự bình đẳng, hòa thuận thì không đủ tư cách về thế giới Tây Phương Cực Lạc của đức Phật A Di Đà.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải hợp tác cùng hòa đồng với tất cả các tôn giáo, sáng tạo một đời sống hạnh phúc mỹ mãn cho toàn nhân loại. Chúng ta phải làm công tác giáo dục xã hội không công. Khi chúng ta làm được điều này là chân thật làm Phật sự”.

Hòa Thượng nói: “Những người có tầm ảnh hưởng lan rộng sẽ làm nhiều người trong xã hội tin tưởng. Những người lãnh đạo, người quản lí xí nghiệp, giám đốc doanh nghiệp lớn, diễn viên nổi tiếng, người làm truyền hình. Nếu một diễn viên nổi tiếng ăn chay thì nhiều người sẽ suy nghĩ đến việc ăn chay. Người nổi tiếng làm việc lợi ích chúng sinh thì nhiều người học tập để làm”

Ngày nay chúng ta phát tâm mang giáo dục Phật Đà, giáo dục văn hóa truyền thống phải thật tâm, thật làm theo lời dạy và thực hành của người xưa làm tấm gương tốt cho thế gian hiện tại và thế hệ sau có sự tiếp nối. Chúng ta làm sai khác sự truyền thừa sẽ làm chúng sinh hiểu nhầm cương lĩnh, giáo dục của nhà Phật và giáo dục của người xưa.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta mang giáo dục Phật Đà, giáo dục cổ Thánh Tiên Hiền để những người có sức ảnh hưởng lớn học tập, thực hành, giác ngộ thì sự lan tỏa từ sức ảnh hưởng của họ sẽ rất lớn. Chúng ta day tốt một cô giáo thì cô giáo sẽ ảnh hưởng lớn đến nhiều học sinh”

Chúng ta mở trại hè tại những nơi có tổ chức lớn, quy mô lớn sẽ có sức ảnh hưởng, sự lan tỏa rộng rãi hơn tổ chức tại một gia đình, một tập thể nhỏ.

Chúng ta làm giáo dục Phật Đà phải theo xu hướng phát triển của xã hội, cần có sự uyển chuyển để phù hợp với thời đại. Sự hình thành và phát triển của Phật giáo ở mỗi thời đại đều chuyển mình, phải bổn thổ hóa, hiện đại hóa không khô cứng để chúng sinh dễ dàng tiếp nhận. Mục đích của giáo dục là dùng phương tiện khéo léo giáo dục chúng sinh hướng thiện, bỏ ác làm thiện, cải tà quy chính, chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm thành Thánh.

Theo giới luật của nhà Phật dùng phương thức khéo léo vì lòng từ bi để độ chúng sinh không dựa vào lợi ích của chúng sinh. Chúng ta làm việc chân thật vì lợi ích chúng sinh trên nền tảng tâm từ bi đó là việc làm đúng.

Hòa Thượng nói: “Có một lần tôi và mọi người đi thăm viện dưỡng lào, cô nhi viện của các tôn giáo bạn thì thấy thái độ, phương pháp quản lí, thái độ làm việc của họ rất thành khẩn khiến người bội phục”. Giống như giáo dục của Phật giáo tất cả các tôn giáo khác đều có thái độ rất chân thành, thành khẩn để phục vụ chúng sinh. Chúng ta làm mọi việc chân thành đó là đã làm gương để độ chúng sinh.

Hòa Thượng nói: “Trong Tam Tự Quy Y – Quy Y tăng chúng trung tôn, “chúng” là đoàn thể, “tăng đoàn” là một đoàn thể trong tất cả các đoàn thể của thế gian và xuất thế gian, rất được người tôn kính vì họ làm được sáu phép hòa. Các tôn giáo khác họ không biết đến lí giải của sáu phép hòa nhưng sự đoàn kết, hợp tác của họ rất phù hợp với lục hòa kính. Điều này rất đáng được chúng ta sâu sắc phản tỉnh.”

Hòa Thượng nói: “Lần trước chúng ta đi thăm giáo hội của Cơ Đốc Giáo, mỗi người ở đây đều khát vọng xây dựng xã hội an định phồn vinh, thế giới hòa bình. Việc làm của họ không phân biệt chủng tộc, biên giới, tôn giáo, tín ngưỡng. Chúng ta cần tinh tấn nỗ lực để nhiều tôn giáo khác nhau vào một tên là đa nguyên văn hóa để cùng nhau hợp tác, cùng nhau kính yêu, cùng nhau tồn tại và phát triển”.

Từ ngày Hòa Thượng bắt đầu đề xướng giáo dục đến khi Ngài vãng sanh đều trên tinh thần đoàn kết các văn hóa. Làm được điều này phải là người hi sinh phụng hiến, chí công vô tư.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook