Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 08/08/2023
****************************
PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC
Phần 2 Chương 9
ĐẤU TRANH
Con người luôn ở trong trạng thái đấu tranh vì “cái ta”, vì quyền lợi, vì thỏa mãn ham muốn. Cao trào của đấu tranh là chiến tranh. Hòa Thượng nói: “Một chủng tộc không thể bao dung một chủng tộc khác, một quốc gia không thể bao dung một quốc gia khác thì sẽ dẫn đến đấu tranh và chiến tranh. Chúng ta muốn giải quyết vấn đề này thì chúng ta phải mở rộng tâm lượng, chúng ta phải nghĩ đến tất cả chúng sanh. Chúng ta tôn trọng, kính yêu lẫn nhau thì chúng ta mới có thể hoá giải hiểu lầm, chướng ngại, thế giới mới có thể an vui, hoà bình”.
Ngay trong nội tâm của mỗi chúng ta cũng đang có sự đấu tranh giữa được mất, hơn thua, tốt xấu. Chúng ta quán sát xem nội tâm chúng ta có an định, hoà bình không? Những người có tâm hy sinh phụng hiến, chí công vô tư thì nội tâm của họ sẽ an bình, tự tại. Chúng ta luôn ở trạng thái đấu tranh khốc liệt giữa thiện ác, tốt xấu, hơn thua nên tâm chúng ta không yên ổn, thanh tịnh. Nếu tâm chúng ta ở trong trạng thái đấu tranh thì chúng ta sẽ gây tổn thất cho chính mình và những người xung quanh. Chúng ta mở rộng được tâm lượng thì những tập khí như ích kỷ, “tự tư tự lợi” sẽ tự mất.
Người thế gian cho rằng phải đấu tranh, tranh giành thì họ mới có được quyền lợi. Có những người học Phật, học đạo đức Thánh Hiền nhưng vẫn không hiểu vấn đề này! Thánh Hiền ở thế gian cũng đã nói: “Nhất ẩm, nhất trác, mạc phi tiền định”. Một bữa ăn, một ngụm nước đều do phước báu trong vận mạng của chúng ta đã định. Người sống ở thế gian là nhờ phước. Người tạo nhiều phước lành cho thế gian thì chắc chắn đời sống của họ sẽ rất tốt. Hòa Thượng đã từng nói: “Chúng ta không cần phải bận tâm về việc cơm ăn, áo mặc”. Người thế gian luôn bận tâm về đời sống, về tương lai.
Người biết hy sinh phụng hiến, “chí công vô tư” chính là người đang tích cực tạo phước. Hòa Thượng nói: “Chúng ta ta bận tâm lo cho mình thì Phật Bồ Tát sẽ không lo cho chúng ta. Chúng ta chỉ bận tâm lo cho tất cả chúng sanh thì Phật Bồ Tát sẽ lo cho chúng ta”. Chúng ta lo cho mình tốt hơn hay Phật Bồ Tát lo cho chúng ta sẽ tốt hơn? Thay vì chúng ta lo lắng cho mình thì chúng ta nên lo lắng cho tất cả chúng sanh.
Hòa Thượng nói: “ Chúng ta mỗi niệm vì lợi ích của mình, xem thường lợi ích của đối phương, của nhân loại thì chúng ta kêu gọi vì thế giới hoà bình cũng chỉ là chúng ta đang hô khẩu hiệu suông. Tất cả mọi người, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều mở rộng tâm lượng, mỗi niệm vì người khác lo nghĩ thì thế giới sẽ an định, hoà bình”. Tâm lượng của chúng ta nhỏ hẹp thì chúng ta không thể giải quyết được vấn đề. Chúng ta thường bảo người khác phải trung thực, phải “một lòng, một dạ” nhưng chính chúng ta lại không làm. Chúng ta tưởng rằng chúng ta có thể lừa gạt được người nhưng Hòa Thượng đã từng nói: “Chúng ta đừng nghĩ là chúng ta có thể lừa gạt được ai! Chúng ta chỉ lừa được những người tâm ý qua loa, chỉ cần người tâm có một chút se se thanh tịnh thì họ sẽ nhận ra rất rõ ràng!”. Chỉ cần chúng ta khởi lên ý niệm “tự tư tự lợi” thì trên mặt chúng ta cũng đã hiện lên ý niệm này, điều này dù rất vi tế nhưng sẽ có người nhận ra.
Nếu tâm chúng ta chân thành thì chúng ta cũng sẽ khơi dậy được tâm chân thành của người khác. Chúng ta có độ được người hay không là do chính chúng ta. Những năm gần đây, chúng ta tổ chức rất nhiều sự kiện, các buổi lễ tri ân, những buổi Gala chia sẻ tâm đắc học tập giáo dục Thánh Hiền, những trại hè, thông qua các chương trình này chúng ta đã hoán đổi được tâm của rất nhiều người. Chúng ta đã giúp những mảnh tâm khô cằn, sỏi đá trở thành những đồng bằng phì nhiêu.
Tâm chúng ta thật sự chuyển thì tâm những người xung quanh chắc chắn sẽ chuyển. Nhà Phật nói: “Cảnh tùy tâm chuyển” hay “Y báo tùy theo chánh báo mà chuyển”. “Y báo” là hoàn cảnh xung quanh chúng ta. “Chánh báo” là tâm của chúng ta. Phật Bồ Tát, Thánh Hiền nhân đều dạy chúng ta phải chuyển đổi từ ngay chính mình. Chính mình thật chuyển đổi thì đối phương không thể không chuyển đổi. Quá trình giúp người chuyển đổi không thể nhanh, chúng ta chân thành nhiều năm tháng thì họ sẽ cảm động mà quay đầu, hồi tâm chuyển ý. Thậm chí, đến khi chúng ta mất họ mới nhận ra là chúng ta chân thành thì họ cũng sẽ hồi tâm, chuyển ý.