Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 01/08/2023
****************************
PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC
Phần 2 Chương 9
DUY TÂM SỞ HIỆN, DUY THỨC SỞ BIẾN
Tất cả mọi thứ đều do tâm chúng ta biến hiện ra. Những cảm xúc buồn vui, thương ghét, giận hờn đều do chúng ta tự mang đến chứ không phải ai tạo ra cho chúng ta. Thí dụ, chúng ta đang rất tức giận một người, nếu họ đến xin lỗi chúng ta một cách thành khẩn thì chúng ta sẽ rất vui, cơn giận sẽ tan biến; nếu họ không đến xin lỗi chúng ta thì chúng ta sẽ chấp trước việc đó trong lòng, chúng ta vẫn sẽ rất giận. Cảm xúc tức giận hay vui sướng không phải do ai ban cho chúng ta mà chúng ta tự tạo ra.
Hàng ngày, chúng ta luôn phân biệt người dễ thương, người đáng ghét, người thường giúp đỡ chúng ta, người đối xử không tốt với chúng ta, lời khen ngợi hay lời nói gây tổn hại cho chúng ta. Chúng ta tự khởi phân biệt, chấp trước thì chúng ta tự rước lấy phiền não. Nếu chúng ta còn tâm phân biệt, chấp trước thì chúng ta đến sống ở một hoang đảo không có người thì chúng ta vẫn sẽ buồn phiền. Nếu tâm chúng ta không còn chấp chước thì chúng ta tự khắc sẽ an.
Hòa Thượng nói: “Cảnh giới bên ngoài, chân thật là “mộng huyễn bào ảnh” như Phật đã nói. Tất cả đều tùy theo ý niệm của chúng ta mà biến hiện ra. Đây cũng đúng như trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói: “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Phật cũng đã nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Tâm chúng ta là năng sanh, tất cả đều do tâm chính chúng ta sinh ra. Những thứ được biến hiện ra là sở sanh. Những thứ “sở sanh” như cảm xúc như ý, bất như ý, vui buồn đều do chính chúng ta tạo ra. Thí dụ, hai người cùng được tặng một món đồ, người thích món đồ đó thì họ sẽ vui, người không thích thứ đó thì họ sẽ không cảm thấy vui.
Hòa Thượng nói: “Khi chúng ta tiếp nhận một thứ mà chúng ta cảm thấy không như ý thì tâm của chúng ta đã không tương ưng với tự tánh thanh tịnh”. Tự tánh thanh tịnh của chúng ta vốn rất tự tại, an vui. Tâm vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chúng ta trái nghịch với tự tánh thanh tịnh. Chúng ta khống chế tâm vọng tưởng, phân biệt, chấp trước bằng cách khởi câu “A Di Đà Phật”. Nếu chúng ta thường xuyên khởi câu Phật hiệu thì những thứ biến hiện trong tâm chúng ta sẽ dần ít đi. Những lời nói khiến chúng ta không vui cũng giống như “mộng huyễn bào ảnh”, khi chúng ta tỉnh dậy thì giấc mộng đã tan biến. Nếu chúng ta chấp chặt những lời nói đó thì chúng ta sẽ giận người khác nhiều ngày thậm chí là giận cả một đời. Có những người cả đời giận nhau chỉ vì một câu nói. Điều này giống như, chúng ta đóng một chiếc tủ sắt kiên cố trong tâm, sau đó chúng ta để những lời nói làm chúng ta không vui lên đó và chúng ta buồn phiền cả một đời.
Người xưa kể câu chuyện, khi Triệu Thấu và Ngài Ngộ Đạt cùng làm quan trong triều, Triệu Thấu vì tức giận Ngài Ngộ Đạt nên đã tự sát, sau đó oan hồn của Triệu Thấu đã đi theo Ngài Ngộ Đạt đến mười kiếp để báo thù. Sự chấp trước của con người rất đáng sợ. Sự chấp trước của chúng ta cũng rất nặng nề! Chúng ta tưởng rằng chúng ta đã tha thứ cho một người nhưng khi chúng ta gặp lại họ thì chúng ta vẫn nhớ như in những điều họ đã làm. Có những câu chuyện đã diễn ra nhiều chục năm, chúng ta tưởng mình đã quên nhưng khi gặp mặt người đó thì chúng ta vẫn nhớ như in. Đây là chúng ta đã ghi “thâm thù đại hận” với người, nếu vậy thì chúng ta không thể vượt thoát sinh tử mà chúng ta sẽ tiếp tục “oan oan tương báo” với người. Chúng ta vẫn nhớ là họ đã làm chúng ta đau khổ, phiền lòng thì chúng ta nhất định sẽ tìm gặp họ để thanh toán món nợ.
Chúng ta phải cố gắng xoá sạch sành sanh những món nợ, nhất là nợ tiền. Nếu ai nợ tôi tiền thì tôi sẽ xoá hết món nợ đó. Tôi áp dụng lời Hoà Thượng dạy, ai mượn tiền tôi thì tôi sẽ cho họ luôn. Thí dụ, họ hỏi mượn tôi mười triệu thì tôi nói, tôi có ba triệu và tôi sẽ tặng cho họ số tiền đó. Gần đây, tôi tìm lại được một người chú, sau khi tôi qua thăm hỏi gia đình chú, một người con của chú đã liên lạc với tôi để mượn tiền. Tôi nói, tôi không có số tiền nhiều như vậy nhưng tôi sẽ tặng cho họ một số tiền nhỏ. Nếu chúng ta cho người khác mượn một số tiền lớn, chúng ta muốn họ trả, chúng ta vướng bận trong lòng thì chúng ta sẽ phiền não. Chúng ta nên giải quyết xong ngay trong một lần bằng cách chúng ta tặng họ một số tiền nhỏ. Người thân của chúng ta mượn tiền thì chúng ta cũng giải quyết như vậy để tránh phiền phức.