Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 31/07/2023
****************************
PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC
Phần 2 Chương 9
NHẬP ĐỊNH
Hòa Thượng nói: “Trước khi Thích Ca Mâu Ni Phật vì chúng sanh nói pháp thì Ngài thị hiện nhập định”. Những lời Thích Ca Mâu Ni Phật nói ra là từ ở trong định. Khi chúng ta làm việc vì chúng sanh, chúng ta làm bằng tâm định tĩnh hay tâm mong cầu, háo danh? Những việc này diễn ra trong tâm chúng ta rất vi tế, chúng ta quán sát tỉ mỉ thì chúng ta mới nhận ra. Phật Bồ Tát đến thế gian độ chúng sanh, các Ngài không cảm thấy mệt mỏi vì các Ngài làm mọi việc ở trong định. Chúng ta thường làm việc bằng vọng tâm nên chúng ta cảm thấy mệt mỏi. Chúng ta thường làm việc bằng vọng tâm, việc thành công thì chúng ta vui mừng, việc không thành công thì chúng ta buồn khổ. Nếu chúng ta làm bằng tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi thì mọi việc chắc chắn sẽ thành công. Nếu chúng ta làm bằng vọng tâm thì việc làm của chúng ta chắc chắn sẽ có chướng ngại.
Có người hỏi Hòa Thượng, trong suốt mấy mươi năm giảng Kinh nói pháp, hoằng pháp lợi sanh Ngài có gặp chướng ngại nào không. Hòa Thượng suy nghĩ một lát rồi Ngài nói, Ngài làm mọi việc đều “thuận buồm xuôi gió”, mọi việc đều là “tâm nghĩ sự thành”. Điều này là do Hoà Thượng làm mọi việc bằng chân tâm. Khi chúng ta khởi tâm động niệm, hành động tạo tác chúng ta thường định tâm hay tâm chúng ta thường bao chao, xao động? Trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói: “Pháp thân đại sĩ thường ở trong định”. Phật Bồ Tát đều luôn ở trong định.
Hòa Thượng nói: “Phật đã chứng được tự tánh thanh tịnh mà Ngài còn phải nhập định nữa hay sao! Phật thị hiện nhập định chính là nói rõ, khi chúng ta nói pháp, độ sanh thì chúng ta phải lấy tam muội làm căn bản”. “Tam muội” chính là chánh định. Phật thị hiện nhập định chính là nói rõ, nói pháp, độ sanh phải lấy tam muội làm căn bản đây chính là điều cốt lõi của nhà Phật, Ma không thể làm được điều này. Đây cũng là cách để chúng ta phân biệt giữa Phật và Ma, tà và chánh. Trong phim “Tây Du Ký”, nhân vật Sư phụ Đường Tam Tạng có thể ngồi trong thời gian dài rất ung dung. Khi nhân vật Tôn Ngộ Không biến hóa thành Đường Tam Tạng để đánh lừa yêu quái, mặc dù nhân vật Tôn Ngộ Không có hình dạng bên ngoài giống Sư phụ của mình nhưng tâm của Tôn Ngộ Không không thể định được như Sư phụ. Phật đã ở trong định nhưng Ngài vẫn thị hiện nhập định để nhắc chúng sanh, phải luôn giữ định tâm. Tâm chúng ta định thì chúng ta làm mọi việc đều thành công. Tâm chúng ta bao chao, xao động thì chúng ta nhất định sẽ có chướng ngại.
Hòa Thượng từng nói, tâm chúng ta định thì chúng ta mới có thể làm được Phật sự, tâm chúng ta vọng thì việc chúng ta làm sẽ là Ma sự. “Vọng” là tâm được mất, hơn thua, thành bại, tốt xấu. Khi đứng trước một đám đông, nếu chúng ta dùng vọng tâm, tâm phân biệt, chúng ta muốn gây ấn tượng với mọi người thì lời nói và hành động của chúng ta sẽ dư thừa. Nếu lời nói, việc làm của chúng ta lưu xuất từ tâm thanh tịnh thì lời nói, việc làm của chúng ta sẽ phù hợp, vừa vặn. Hòa Thượng từng nói: “Chúng ta muốn làm một việc chân thật lợi ích chúng sanh thì chúng ta phải làm bằng định tâm. Nếu chúng ta làm bằng vọng tâm thì việc đó không lợi ích chúng sanh mà cũng không lợi ích cho chúng ta”.
Hòa Thượng nói: “Tất cả lời nói, việc làm của Phật Bồ Tát đều từ trong định lưu xuất ra”. Hành động, lời nói, việc làm của chúng ta đều lưu xuất từ vọng nên hành động, lời nói, việc làm của chúng bị chi phối, hạn chế. Mỗi lần Phật nói pháp, trước tiên Ngài thể hiện nhập định, dặn bảo mọi người khi làm việc thế gian hay xuất thế gian đều phải định. Chúng ta có định thì lời nói, việc làm của chúng ta có sự kiểm soát, có sự chuẩn mực. Nếu chúng ta không có định thì lời nói, việc làm của chúng ta sẽ không thực tế, lan man.
Thí dụ như chúng ta mang cuốc ra vườn nhưng chúng ta không cuống đất, chúng ta cầm nhiều đồ nhưng những đồ này không liên quan đến việc chúng ta cần làm lúc đó. Khi chúng ta tổ chức sự kiện, tôi nhìn thấy hai người cầm hai chiếc máy quay phim đứng cạnh nhau để cùng quay một cảnh vậy thì đó là họ đang phiêu, họ không biết mình đang làm gì. Chúng ta không có định thì chúng ta sẽ không biết mình đang làm gì. Tất cả hành động, việc làm của chúng ta đều phải có định. Một cô giáo bước vào lớp mà không nhận ra đồ đạc đang để lộn xộn không đúng vị trí, một người quản lý mà không nhận ra có rất nhiều việc chưa được xử lý thì đó là do tâm họ không có định. Tôi đang cuốc đất ở Đà Lạt nhưng khi tôi nhìn Camera thì tôi có thể nhìn thấy những hành động nhỏ nhất và tôi nhìn thấy cả tâm của mọi người.