Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ nhật, ngày 30/07/2023
****************************
PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC
Phần 2 Chương 9
CHÁNH TRI, CHÁNH KIẾN
Hòa Thượng nói: “Chúng ta đạt được trạng thái tam muội thì chúng ta có thể có được chánh tri, chánh kiến”. “Tam muội” là chánh định. Người đạt đến trạng thái tam muội, người có định thì họ mới có thể có chánh tri, chánh kiến. Chúng ta phải định ở nơi giáo huấn của Phật. Người thế gian nói: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Chúng ta kiên trì tu học một pháp môn thì chúng ta mới có thể có định. Chúng ta không tu học theo một pháp nhất định thì tâm chúng ta không thể định. Trong cuộc sống, trong công việc, nếu chúng ta chọn nghề giáo viên, chúng ta “một lòng một dạ” với nghề thì chúng ta không bao chao, dao động.
Hòa Thượng nói: “Một người tu hành có công phu tương đối thì họ vẫn chưa biết rằng họ đã có chánh định hay họ vẫn là tà định. Do vậy chúng sanh ở chín pháp giới khi tu học đều không thể rời khỏi Kinh điển”. Người có phu tương đối là người có thể khắc phục được tương đối tập khí, phiền não của mình. Hàng ngày, nếu chúng ta tụng Kinh, niệm Phật ba thời nhưng tập khí, phiền não của chúng ta vẫn còn nguyên thì chúng ta cũng không được coi là có công phu. Chín pháp giới là Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, Người, Trời, Atula, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát. “Kinh điển” ở đây là chỉ giáo huấn của Phật. Phàm phu chúng ta nếu rời khỏi giáo huấn của Phật thì chúng ta sẽ phạm phải sai lầm. Thanh văn là bậc A-la-hán đã chứng lậu tận thông, không còn đọa lạc nhưng các Ngài cũng không được rời Kinh điển.
Ngày nay, nhiều người dám tự ý bớt đi hoặc thêm vào Kinh điển. Hòa Thượng từng nói: “Ngày nay, tà sư nói pháp nhiều như cát sông Hằng”. Chúng ta tu học pháp môn Tịnh Độ, những câu nói nào trong Tịnh Độ Ngũ Kinh không nói thì chúng ta phải loại bỏ. Khi chúng ta học với Hòa Thượng Tịnh Không, Ngài nói, chúng ta phải hướng đến Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, Tổ Ấn Quang để học tập. Khi chúng ta học với Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam thì Ngài nói chúng ta phải hướng đến Tổ Ấn Quang học tập. Ngày nay, nhiều người dạy người khác tu pháp môn Tịnh Độ nhưng mọi người chỉ được nghe theo lời của họ. Họ không dựa theo lời Tổ Sư mà chỉ mượn nhờ một vài lời của Tổ sư để khiến người khác tin theo họ.
Chúng sanh thời Mạt pháp rất khó để phân biệt giữa chánh pháp, tà pháp. Nhà Phật nói: “Phật cao một thước, Ma cao một trượng”. Ngài Lý Bỉnh Nam nói: “Phật pháp thuần chánh thì phải 100% là chánh pháp. Nếu có 99% là chánh pháp, 1% là tà pháp thì chánh pháp cũng trở thành tà pháp”. Ngài Lý Bỉnh Nam đưa thí dụ, một cốc đề hồ tinh sạch, một món ăn giống sữa chua, chỉ cần một giọt độc nhỏ vào cốc đề hồ thì người ăn cốc sữa đó có thể chết. Chúng ta ăn phải chất độc thì chúng ta chỉ chết sinh mạng này nhưng chúng ta tu học theo tà pháp thì chúng ta mất đi huệ mạng của mình. Khi chúng ta học Phật, chúng ta phải xem pháp môn đó có sự truyền thừa chánh mạch hay không. Thích Ca Mâu Ni Phật nói: “Ta chỉ nói lại lời bảy đời chư Phật nói”. Khổng Lão Phu Tử cũng nói: “Thuật nhi bất tác”. Ta chỉ nói lại lời của người xưa đã nói.
Ngài Lý Bỉnh Nam luôn tán thán Tổ sư Ấn Quang, khuyên mọi người hướng đến Tổ sư để học tập, để quy y. Ngài lấy lời của Phật, của Tổ sư dạy người chứ không dùng lời của mình. Hòa Thượng Tịnh Không khuyên mọi người hướng đến Lão sư Lý Bỉnh Nam, Tổ Ấn Quang để học, còn Ngài chỉ giống như một người bạn đồng học với mọi người. Ngày nay, nhiều người tự đề xướng một cách tu mới, không giống như cách Tổ Sư Đại Đức đã tu hành. Có người tự tán thán là họ đang tu hành pháp môn Tịnh Độ cao cấp. Kinh điển phải có sự truyền thừa, có sự chứng nhận của Tổ Sư Đại Đức. Thí dụ, Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam khuyên chúng ta hướng tới Tổ Ấn Quang học tập, Hòa Thượng Tịnh Không khuyên chúng ta hướng tới Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam học tập.
Thầy Thái đã giảng bộ đĩa “Con đường đạt đến nhân sinh hạnh phúc”, trong đó giảng giải chi tiết về “Đệ Tử Quy”, Hòa Thượng Tịnh Không đã nghe bộ đĩa 10 lần, một bộ Thầy Thái giảng trong khoảng 40 giờ vậy thì Hoà Thượng đã nghe trong 400 giờ. Hòa Thượng nghe bản giảng giải của Thầy Thái 10 lần vì Ngài vô cùng xem trọng việc giáo dục phép tắc, chuẩn mực làm người. Trong “Kinh Vô Lượng Thọ”, phước đầu tiên trong “Tịnh Nghiệp Tam Phước” là: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu Thập Thiện Nghiệp”. Nhiều người tu pháp môn Tịnh Độ nhưng họ cho rằng “Tịnh Nghiệp Tam Phước” là xen tạp. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là thế giới của Phổ Hiền, thế giới của Phổ Hiền là thế giới của hiếu và kính, người không hành hạnh hiếu kính thì không thể về được thế giới Tây Phương Cực Lạc!