67Thứ Bảy, 22/07/2023, 11:25
107 · Nói Về Chữ Nghiệp

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 18/7/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“PHẦN II - CHƯƠNG IX – NÓI VỀ CHỮ NGHIỆP” (BÀI MỘT)

Nghiệp là khởi tâm động niệm, hành động tạo tác của tâm ý mỗi chúng sanh. “Nghiệp”, có ác nghiệp, thiện nghiệp và vô ký nghiệp. Nghiệp được tạo do ý nghiệp, khẩu nghiệp và thân nghiệp.

Hòa Thượng nói: “Chỉ có người chân thật giác ngộ mới dẫn dắt, day bảo chúng ta hiểu được ý nghĩa sâu xa để thực hành đúng chữ “Nghiệp”. Nghe lời Phật, Bồ Tát, Cổ Thánh Tiên Hiền mới làm đúng, nếu nghe theo tập khí phiền nào của chính bản thân và người khác để làm thì chắc chắn sẽ sai”.

 Người tu hành phải hết sức phản tỉnh, chúng ta đôi khi làm sai mà không hề biết mình sai. Chúng ta thường tạo ý nghiệp, khẩu nghiệp, thân nghiệp, thường nghĩ đơn giản bản thân sửa được những thói quen xấu, vượt qua cám dỗ, vượt qua thị hiếu thường tình đơn giản nhưng chỉ cần buông lung không kiểm soát thì tâm danh vọng lợi dưỡng, tư lợi, thích hưởng thụ năm dục sáu trần, tham sân si mạn sẽ trỗi dậy tạo nghiệp rất lớn mà chính mình không biết.

Trong Kinh Kim Cang Phật dạy chúng ta: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bảo ảnh như lộ diệc như điện”.

Trong Kinh Địa Tạng Phật dạy: “Chúng sanh diêm phù để khởi tâm động niệm đều tạo nghiệp ác. Chúng sanh tạo nghiệp rất nhiều, từ sáng đến chiều khởi tâm động niệm đều vì tư lợi của bản thân. Nếu Nghiệp có hình tướng thì tam thiên đại thiên thế giới không đủ chỗ để chứa đủ nghiệp mà chúng sanh tạo ra.

Hòa Thượng nói: “Muốn thoát khỏi luân hồi phải dừng tạo nghiệp, không tạo nghiệp ác, không tạo nghiệp thiện, chỉ tạo tịnh nghiệp. Tạo nghiệp ác thì đầu thai vào ba đường ác, thì đi vài ba đường ác, tạo nghiệp thiện thì đầu thai vào các đường thiện hưởng phước thiện. Tạo tịnh nghiệp là dùng tâm thanh tịnh để nghĩ, để nói, để hành động đây là tu công đức để vượt thoát sanh tử”

Hòa Thượng thường nói: “Xã hội thời xưa lúc tôi còn nhỏ mỗi tháng chỉ được ăn thịt một lần, mà mỗi lần ăn cũng chỉ rất ít còn ngày nay con người ngày nào cũng ăn sơn hảo hải vị. sát hại chúng sanh. Xã hội hiện nay tạo nghiệp ác thật là đáng sợ”.

Chúng ta tạo thiện nghiệp là đang tạo oán kết cho đời thứ ba, đời sau sẽ hưởng phước nhờ quả đời này gieo, lúc hưởng phước thì chủ yếu là tạo ác nghiệp. Quan trọng hơn nữa chúng ta tạo thiện nghiệp mà trong tâm vẫn phiền não thì đó là sai. Luôn giữ tâm thanh tịnh để tạo tịnh nghiệp, công đức lớn nhất của tu hành giải thoát chính là ở điểm này.

Người xưa nói: “Nhiều việc không bằng ít việc, ít việc không bằng không việc gì, việc tốt mà bắt đầu từ tâm hư danh thì đa số sinh ra phiền não. Nhiều việc nhiều phiền não, ít việc ít phiền não, không việc không phiền não. Đây là trạng thái chung của giai đoạn mới học tập. Chúng ta muốn tiến bộ phải hằng tâm cố gắng vượt qua, buông xả tham, sân, si mạn, luôn cảnh tỉnh kiểm soát cảm xúc, kiểm soát khởi tâm động niệm, kiểm soát hành vi của bản thân mình”.

Thời đại ngày nay tập khí phiền não của chúng ta tương đối nặng, tập khí này không tập hợp từ một đời mà được tập hợp từ vô lượng kiếp đến nay. Nếu chúng ta xem thường không thường xuyên đối trị tập khí thì rất khó đạt được lợi ích trong việc tu học của mình.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta từ sáng đến chiều đều vì bản thân mà lo nghĩ, cho dù vì người cũng trước là vì lợi ích cho mình lo nghĩ. Đó là tạo nghiệp ác, nghiệp luân hồi. Muốn thoát khỏi luân hồi phải dừng nghiệp này lại”

Phật trong Kinh dạy mỗi giây mỗi phút trôi qua chúng ta phải quán sát, sửa đổi ý niệm, lời nói, hành động ba nghiệp của mình không được buông lỏng để nghiệp xấu không hiện tiền. Chúng ta không để bị ô nhiễm khi bản thân tiếp xúc với hoàn cảnh bên ngoài. Việc không chuẩn mực, việc trái pháp luật, việc trái với lời dạy của cổ Thánh Tiên Hiền thì không được làm, khi tiếp xúc với ngoại cảnh không khởi tâm phân biệt, không khởi phiền não. Đây là chúng ta đang tự bảo vệ tâm thanh tịnh của bản thân.

Đối với ngoại cảnh bản thân chúng ta phải có cảnh báo sớm, điều nguy hại nhất là đa số chúng ta đều không có chế độ cảnh báo sớm, chúng ta chìm trong danh vọng lợi dưỡng nhưng không nhận ra điều này làm mất cơ hội vãng sanh, đọa lạc ba đường ác. Khi còn mang thân người thì vẫn còn cơ hội để giải thoát sanh tử, vãng sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook