Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 17/7/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”
“PHẦN II - CHƯƠNG VII – THIỆN TÍN TẠI GIA” (BÀI MỘT)
“Thiện tín tại gia” là nói về người tin Phật tại gia nói chung không phân biệt nam nữ.
Hòa Thượng nói: “Đồng tu học Phật chúng ta đa phần dùng pháp môn niệm Phật để dẫn dắt thân bằng quyến thuộc. Nếu chúng ta gặp người nhà phản đối, cản trở, không tiếp nhận thì chúng ta cần có lòng nhẫn nại, kiên nhẫn, cần thời gian để cảm hóa họ. Chúng ta phải tinh tấn niệm Phật, tạo ra công đức lợi ích, thù thắng của niệm Phật để người nhà có niềm tin vào chúng ta, từ đó họ đích thân thể hội”.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta cần cố gắng, chăm chỉ nỗ lực để tạo ra công đức và lợi ích thù thắng của niệm Phật thì sẽ cảm hóa được người nhà”.
Những năm qua hệ thống đã tổ chức những chương trình tri ân, các lớp học văn hóa truyền thống cho cộng đồng xã hội đã ảnh hưởng tích cực rất nhiều người. Những người xung quanh nhìn thấy sự chuyển đổi của những người học tập vô hình chung họ bị cảm hóa.
Hòa Thượng nói: “Tất cả chúng sanh đều có thể thay đổi độ nếu họ nhìn thấy tấm gương, nhìn thấy biểu pháp chân thật của người học Phật. Chúng ta cần tạo ra công đức thù thắng lợi ích của niệm Phật đây là việc quan trọng”. Phật, Bồ Tát ở nơi đâu thì nơi đó chúng sanh đều quy ngưỡng, hướng vọng để học tập vì cả đời các Ngài đều làm ra tấm gương, biểu pháp về sự hi sinh phụng hiến, chí công vô tư. Nếu chúng ta toàn tâm toàn lực hi sinh phụng hiến, chí công vô tư thì sỏi đá cũng được cảm hóa. Hằng ngày chúng ta niệm Phật, ăn chay phải buông bỏ tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, dùng thân giáo để độ chúng sanh sẽ có lợi ích.
Thế giới hội nhập ngày nay là thế giới thu nhỏ, mọi khởi tâm động niệm, hành động việc làm của chúng ta ở mọi lúc mọi nơi đều được quan sát. Nếu chúng ta tự tư tự lợi, chìm đắm trong danh vọng lợi dưỡng thì không làm ra biểu pháp tốt cho chúng sanh.
Hòa Thượng nói: “Một lời nói thiện, hành động thiện, lời nói ác, hành động ác ngay tức thì châu biến pháp giới nhận được”. Mọi lúc mọi nơi chúng ta phải luôn quán chiếu ý niệm, hành vi, lời nói của mình để làm biểu pháp độ chúng sanh. Mọi lĩnh vực, chuyên môn mình làm tốt sẽ cảm hóa được chúng sanh ở những lĩnh vực đó. Muốn hoàn thiện năng lực cá nhân chúng ta phải chăm chỉ, thấu đáo tường tận, cẩn thận, tỉ mỉ để hoàn thành tốt nhất công việc đạt chuẩn mực. Bên cạnh đó, chúng ta dùng tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi thì chắc chắn sẽ thành công trên mọi lĩnh vực, phương diện công việc. Ngược lại nếu chúng ta làm với tâm mong cầu vượt trội tức là tài năng của mình chưa tới mà mong muốn vượt hơn thì dễ thất bại. Ví dụ: Hòa Thượng Hải Hiền có 95 năm niệm Phật, đời sống của Ngài rất bình dị, dễ gần. Ngài dành cả cuộc đời làm ra nhiều tấn ngũ cốc để cúng dường chúng sanh. Chư Phật Bồ Tát đến thế gian này phải dùng tất cả các phương tiện khéo léo nhất để tiếp độ chúng sanh, chúng ta muốn cảm hóa chúng sanh cũng phải học tập Phật, Bồ Tát làm như vậy.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta không nên dùng hình thức của mình để yêu cầu chúng sanh làm theo. Chúng ta khuyên người khác niệm Phật mà họ không tiếp nhận là do biểu hiện, cách thức làm của mình không phù hợp với xã hội hiện đại. Chúng ta phải đặt mục tiêu đầu tiên là lợi ích chúng sanh, chuyển đổi ý niệm, hành vi của con người. Giúp chúng sanh biết làm thiện, biết hiếu thảo, biết làm học trò tốt, làm công dân tốt. Chúng ta muốn độ chúng sanh thì học tập tinh thần của Phật Bồ Tát phụng hiến vô điều kiện, không có ý niệm khống chế, chiếm hữu”
Hòa Thượng nói: “Chúng sanh ở mỗi thời đại khác nhau thì phương pháp giáo hóa cũng khác nhau, không nên áp dụng phương pháp giáo hóa chúng sanh thời đại Phật Thích Ca Mâu Ni cho thời đại của chúng ta. Chúng ta cần biết đến hiện đại hóa, bổn thổ hóa cách thức giáo hóa chúng sanh, hình thức thay đổi nhưng căn bản không được thay đổi, quan trọng nhất là chúng sanh đạt được lợi ích chân thật của giáo dục của Phật Đà, còn hình thức phương pháp thay đổi theo thời gian, không gian và cách chúng sanh thể hội”. Trước đây, khi mới học Phật chúng ta áp dụng cứng nhắc, thiếu trí tuệ. Đi ăn cưới, đi họp, đi chơi đều mặc áo nâu sòng. Đó chỉ là biểu hiện bên ngoài, quan trọng nhất là nội tâm chúng ta chuyển hóa để làm biểu pháp, làm ảnh hưởng chúng sanh.