208Thứ Năm, 13/07/2023, 17:17
103 · Nói Rõ Giáo Dục Của Phật Đà - 12

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 13/07/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“PHẦN II - CHƯƠNG VI – NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ” (BÀI MƯỜI HAI)

Chư Phật Bồ Tát luôn dõi theo chúng sanh, dùng những phương tiện khéo léo nhất để có thể dẫn đạo chúng sanh. Trong nhà Phật có tám vạn bốn ngàn pháp môn, chúng sanh có căn tánh phù hợp với pháp môn nào thì sẽ chọn pháp môn đó. Hòa Thượng nói: “Trong những năm gần đây, chúng ta đã mở các lớp học qua đường truyền Internet để đưa Phật pháp đến với mọi nơi. Trong xã hội hiện đại, mọi người chú ý đến quyền tự do, quyền riêng tư, trong gia đình mỗi người tự giữ tiền; con cái, vợ, chồng đều có những quan điểm riêng; trong xã hội, mọi người được tự do ngôn luận, được quyền nói, được quyền phê bình người khác”. Ở các nước phương Tây, người dân có quyền phê bình, mắng cả lãnh đạo quốc gia. Trong “Kinh An Lạc” dạy đệ tử tại gia: “Bất lậu quốc thuế, bất phạm quốc chế”. Không được trốn thuế, không được vi phạm pháp luật. Trong “Kinh Phạm Võng” dành cho người xuất gia dạy người xuất gia không được nói xấu lãnh đạo quốc gia, không được làm giặc quốc gia. Nhà Nho và nhà Phật đều dạy chúng ta khuôn phép, chuẩn mực làm người.

Hòa Thượng nói: “Ngày nay, sách báo được in một cách tùy tiện nên nhiều người mang tà tri, tà kiến của mình viết trong sách, báo. Chúng ta chỉ có thể giới thiệu giáo huấn của Như Lai, giáo huấn của Cổ Thánh Tiên Hiền với thế nhân để mọi người có thể so sánh và chọn lựa. Trong xã hội ngày nay, chúng ta chỉ có thể dùng cách làm này. Chúng ta không thể dùng mệnh lệnh bắt buộc với mọi người vì ngày nay, Cha với con, Lão sư với học trò xem nhau như bạn bè. Ngày xưa, trưởng bối có quyền ra mệnh lệnh, hậu bối phải tiếp nhận lời dạy bảo, bằng cách dạy này thì người căn tánh trung hạ sẽ có được lợi ích”.

Xã hội ngày xưa, con phải nghe lời Cha, học trò phải nghe lời Thầy Cô, cấp dưới nghe lời cấp trên, mối quan hệ ngũ luân rất rõ ràng nên chúng ta có thể dùng mệnh lệnh. Trong “Đệ Tử Quy” dạy: “Cha Mẹ dạy phải kính nghe, Cha Mẹ bảo chớ làm biếng”. Trong xã hội tự do hiện nay, quyền uy của trưởng bối đã bị mất, mọi người đều đề xướng bình đẳng nam nữ, bình đẳng giữa Cha Mẹ và con cái, bình đẳng giữa vợ và chồng nhưng mọi người đã giải thích hai chữ “bình đẳng” sai. Bình đẳng không có nghĩa là phải bằng quyền nhau vì trong gia đình cha có vai trò của Cha, con có vai trò của con, vợ có vai trò của vợ, chồng có vai trò của chồng. Thầy Thái từng nói: “Vợ là đất, chồng là trời”. Đất mà muốn làm trời, Trời mà muốn làm đất thì mọi thứ sẽ bị đảo lộn. Mưa thuận gió hoà thì vạn vật sinh sôi nảy nở. Gia đình êm ấm thì mâm cơm luôn đầy đủ, không khí gia đình ấm cúng, gia đình bất hoà thì không khí trong gia đình luôn lạnh lẽo. Ngày nay, có những người vợ không muốn làm đất mà muốn làm trời nhưng người xưa nói: “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Nếu họ được học thì họ cũng sẽ biết quay về với đúng bổn phận của mình.

Hòa Thượng nói: “Trong xã hội hiện đại, mọi người luôn phải bàn luận, trao đổi ý kiến do vậy chúng ta muốn áp dụng giáo học của Phật, của Thánh Hiền sẽ vô cùng khó. Ngày nay, mỗi người có ý kiến, sở thích cá nhân khác nhau nên Phật pháp phải điều chỉnh, hòa mình để tương thích hay đây chính là Phật pháp phải “đa nguyên văn hoá”. Thích Ca Mâu Ni Phật nói với chúng ta thế giới Tây Phương Cực Lạc là thế giới do Phật A Di Đà lập ra, ở đó cũng đề xướng dân chủ, hoan nghênh tất cả chúng sanh “chí đồng đạo hợp” ở bốn phương, tám hướng về đó cùng tu tập. Nơi đó, chúng sanh khác nhau về chủng tộc, màu da nhưng họ có điểm chung là tâm họ đều đạt đến sự thanh tịnh nhất định. Chúng sanh ở đó cùng tán thán, kính trọng, hợp tác để cùng khai mở thế giới Cực Lạc”.

Hiện tại, nếu chúng ta muốn có đời sống hạnh phúc chân thật thì chúng ta phải cùng tán thán, kính trọng, hợp tác với nhau. Chúng ta cùng tiếp nhận, cùng làm như lời Phật, lời Thánh Hiền dạy thì chúng ta sẽ là những người “chí đồng đạo hợp”. Có những người cũng tiếp nhận giáo huấn của Phật, của Thánh Hiền nhưng họ không thật làm mà họ dùng những hiểu biết đó để trục lợi do vậy họ không thể tạo ra những gia đình, đoàn thể, môi trường chân thật hạnh phúc.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook