66Thứ Tư, 12/07/2023, 19:54
102 · Nói Rõ Giáo Dục Của Phật Đà - 11

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 12/07/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“PHẦN II - CHƯƠNG VI – NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ” (BÀI MƯỜI MỘT)

Hòa Thượng nói: “Năm xưa Đại sư Thái Hư đề xướng thành lập Bồ Tát học xứ là nơi để học tập, đào tạo. Ngày này, chúng ta đề xướng Di Đà đệ tử, thôn Di Đà là nơi để đào tạo ra đệ tử của Phật A Di Đà”. Là thôn Di Đà nơi để mọi người chuyên tâm học tập để có đủ tư cách vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc làm đệ tử Di Đà. Ngày nay, chúng ta đề xướng học giáo dục Thánh Hiền, chúng ta là học trò của Thánh Hiền. Chúng ta thật học, thật làm thì chúng ta sẽ thành Thánh Hiền, thành Phật Bồ Tát.

Ngày nay, nhiều người lợi dụng Phật pháp, giáo dục Thánh Hiền để trục lợi. Người có trí tuệ sẽ không dám làm điều này vì nếu làm như vậy thì chúng ta có thể có được một chút lợi nhỏ nhưng chúng ta sẽ làm hư đi hình ảnh của Phật Bồ Tát. Chúng ta làm mất đi hình ảnh của Phật Bồ Tát thì nhân quả của chúng ta không nhỏ, chúng ta sẽ đời đời không có nhân duyên gặp được giáo dục của các Ngài. Chúng ta khởi đầu tốt thì chúng ta sẽ có kết quả tốt. Chúng ta không có khởi đầu tốt thì đời này và vạn đời sau chúng ta không có kết quả tốt. Người thế gian không hiểu điều này nên họ thắc mắc tại sao chúng ta chỉ luôn tặng quà cho mọi người. Những gì chúng ta bỏ ra mà chúng ta không nhận bằng tiền thì chúng ta sẽ nhận bằng phước báu. Chúng ta ở cõi nào thì chúng ta cũng dùng được phước báu, còn tiền chỉ sử dụng được ở trong kiếp này. Nếu chúng ta nhận bằng tiền mà tiền đó là hoạnh tài thì chúng ta không những không được dùng tiền đó mà chúng ta còn mang họa.

Gần đây, tòa án xét xử những người liên quan đến vụ án chuyến bay giải cứu người từ nước ngoài về Việt Nam trong đại dịch Covid, nhiều người trục lợi là vì họ không biết rằng đó là hoạnh tài. Hiện tại, chúng ta dùng các cụm từ khác để chỉ nơi học tập giáo dục Thánh Hiền, giáo huấn của Phật nhưng mục đích của những nơi này vẫn là dạy con người trở thành người tốt, dạy con người làm đúng vai trò, trách nhiệm của mình.

Hòa Thượng từng nói: “Tất cả các tôn giáo chính thống trên thế gian đều phải biết hiện đại hoá, toàn cầu hoá, không thể khô cứng ở một hình thái”. Chúng ta cho rằng chúng ta là người học Phật thì chúng ta phải mặc trang phục, lễ lạy theo một cách cố định thì đó là chúng ta đã sai. Ở đây, chúng ta quỳ lạy Phật nhưng ở một số nơi, mọi người nằm xuống lạy. Nhà Phật nói: “Phật pháp là bất định pháp”. Trong Phật pháp hình thức bên ngoài có thể khác nhưng nền tảng căn bản, nguyên lý, nguyên tắc tu hành thì không thay đổi. Khổng Tử nói một câu rất hay: “Tư vô tà”. Tư tưởng của chúng ta không bị ô nhiễm bởi “danh vọng lợi dưỡng”, tất cả những việc chúng ta làm cho cho chúng sanh phải “tư vô tà”. Phật dạy chúng ta phải giữ tâm thanh tịnh. Chúng ta làm tất cả mọi việc nhưng chúng ta không vướng bận, dính mắc, chấp trước.

Trước đây, Phật pháp chỉ giảng dạy ở đạo tràng, học trò ở các nơi phải tập trung về một nơi để học. Hòa Thượng đã đề xướng các lớp học Online, đưa các bài giảng Phật pháp lên trên các website, các kênh mạng xã hội. Hiện tại, trên mạng Internet chúng ta đưa những hình ảnh đẹp, những đoạn văn hay, những tấm gương đức hạnh để nhắc nhở mọi người hướng đến những tấm gương thuần tịnh, thuần thiện. Từ lâu, lớp chúng ta cũng học Online, chúng ta học xong thì chúng ta chỉ cần tắt đường truyền, không mất thời gian, công sức di chuyển.

Giáo dục của Phật, của Thánh Hiền không cố định ở hình thái hay hình thức nào mà hướng đến mục đích để mọi người tiếp nhận, mọi người có thể tốt hơn. Trước đây, mọi người thường thảo luận về Phật pháp trên núi hay một nơi thanh vắng, hiện tại, nhiều người có thể vào quán cà-phê, nơi có khoảng không gian hữu tình để bàn Phật pháp. Chúng ta tổ chức Lễ tri ân, chúng ta thuê những nơi rất sang trọng, chúng ta làm như vậy thì mọi người mới thích đến. Nếu chúng ta tổ chức Lễ tri ân ở chùa thì chỉ có những người học Phật đến tham gia, người không học Phật, học tôn giáo khác sẽ không đến. Ở Huế, chúng ta tổ chức Lễ tri ân ở nhà hát chèo, nơi đó kiến trúc rất có tính nghệ thuật. Ở Quảng Trị, chúng ta tổ chức Lễ tri ân tại nhà hát, ở ngay trung tâm thành phố. Đây là chúng ta biết hiện đại hoá. Mục đích của chúng ta là mọi người có thể tiếp nhận văn hoá truyền thống. Chúng ta không chấp trước, khô cứng ở hình thức. Hòa Thượng từng nói: “Nếu chúng ta mang cách của mình để yêu cầu người khác phải làm theo thì đó là chúng ta bắt chúng sanh phục vụ mình chứ không phải chúng ta phục vụ chúng sanh”. Điều này giống như, chúng ta mang chén trà của chúng ta để yêu cầu người khác uống nhưng có nhiều người thích uống bằng những kiểu chén khác. Thánh Hiền thế gian và xuất thế gian đều mong muốn chúng ta làm Thánh, làm Hiền, làm những bậc quân vương như Nghiêu, Thuấn.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook