82Thứ Ba, 11/07/2023, 22:28
101 · Nói Rõ Giáo Dục Của Phật Đà - 10

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 11/07/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“PHẦN II - CHƯƠNG VI – NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ” (BÀI MƯỜI)

Hòa Thượng nói: “Học Phật chính là học làm người, học làm một người đạt đến “Chí thiện viên mãn”. Trong nhà Nho cũng nói, chúng ta phải học để làm một người đạt đến “chỉ ư chí thiện”, một người đạt đến thiện tột cùng”. Nhiều người học Phật để mong được bình an, mạnh giỏi, phát tài. Nhà Phật và nhà Nho có điểm tương đồng là học để làm người đạt đến “chí thiện viên mãn”. Người học Phật phải giống như những chiến binh phải luôn nỗ lực vượt qua tập khí, phiền não của mình. Chúng ta có phước báu thì vận mạng của chúng ta sẽ được an bài một cách chu đáo. Trong quá trình học Phật, chúng ta sẽ trải qua nhiều mức độ như sơ quả, nhị quả, tam quả và cuối cùng, khi chúng ta đạt đến chí thiện viên mãn thì chúng ta sẽ thành Phật. Chúng ta thành Phật là chúng ta hoàn thành học nghiệp, chúng ta thực hiện công cuộc độ sanh thì đó mới là việc làm cứu cánh viên mãn. Buổi sáng, nếu chúng ta không dũng mãnh, mạnh mẽ thì chúng ta cũng sẽ không thể dậy học đúng giờ. Nếu chúng ta dậy sớm liên tục trong hơn 3000 ngày thì chúng ta đã giống như những chiến binh.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải làm được đến chí thiện là cái thiện đạt đến cùng tột, đạt đến cứu cánh viên mãn. Nhà Nho và nhà Phật đều có chung những phương pháp nền tảng để đạt đến chí thiện, trong nhà Nho là “Tam Cương”, “Bát Đức”, trong nhà Phật là “Tứ Hoằng Thệ Nguyện”, “Lục Độ”. “Bát đức” là “Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ”. “Tứ Hoằng Thệ Nguyện” là “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”. Bốn thệ nguyện này là tinh thần của Bồ Tát Đạo, của Phật pháp Đại Thừa. Chúng ta muốn độ sanh thì chúng ta phải đoạn phiền não. Chúng ta đoạn tập khí, phiền não để việc phục vụ chúng sanh của chúng ta tốt hơn, viên mãn hơn.

Chúng ta vừa hoàn thành những giấy tờ, thủ tục cần thiết để sắp tới, chúng ta mở khoá trải nghiệm hè trong ba ngày ở Đà Nẵng. Chúng ta muốn phục vụ xã hội, cộng đồng thì chúng ta phải đủ tư cách pháp nhân. Chúng ta muốn làm được thì chúng ta phải có đại nguyện “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Chúng ta muốn phát được đại nguyện “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” thì chúng ta phải “phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”. Phiền não là tâm sợ được mất, hơn thua, tốt xấu. Chúng ta đoạn hết phiền não thì việc phục vụ chúng sanh của chúng ta mới đạt đến cứu cánh viên mãn.

Nhiều người học Phật nhưng tâm lượng của họ vẫn nhỏ hẹp. Điều này giống như một con heo đi giữa bầy sư tử, con heo cũng bắt chước dáng đi của con sư tử nhưng khi con sư tử gầm lên dũng mãnh thì con heo kêu éc éc! Chúng ta quán sát xem chúng ta đang giống sư tử hay giống heo? Phật là đấng pháp vương, người học Phật là con của đấng pháp vương, nếu chúng ta không được nhắc nhở thì chúng ta sẽ quên đi điều này! Phật đã nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Trong chúng ta đã có sẵn năng lực thành Phật. Chúng ta vốn có đầy đủ trí tuệ, đức năng, tướng hảo của Như Lai. Trí tuệ, đức năng, tướng hảo của chúng ta đã bị vô lượng phiền não che mất. Hiện tại, chúng ta không đủ dũng mãnh tinh tấn đoạn trừ phiền não, đây là những điều chướng ngại công cuộc độ sanh của chúng ta. Nhiều người tu hành đã bị “tài, sắc, danh, thực, thuỳ” dụ dỗ. Một chút tiền tài, danh lợi cũng có thể khiến chúng ta mất đi đạo tâm. Hòa Thượng nói: “tài, sắc, danh, thực, thuỳ Địa ngục ngũ điều căn”. Chúng ta nhiễm một trong năm thứ thì chúng ta đã mở ra một đại lộ dẫn chúng ta đi thẳng vào Địa ngục.

Lục độ” là “Sáu phép tu của Bồ Tát gồm bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ”. Hàng ngày, trong khởi tâm động niệm, hành động tạo tác chúng ta phải luôn thực tiễn sáu phép tu của Bồ Tát. Chúng ta thường bố thí tiền nhưng đây chỉ là một phương diện rất nhỏ của bố thí. Chúng ta lo nghĩ cho người, dùng phương tiện thiện xảo giúp cho người thì đó cũng là chúng ta bố thí. “Trì giới” là chúng ta tuân thủ chuẩn mực, phép tắc. Khi chúng ta đỗ xe mà chúng ta đỗ đè lên vạch thì chúng ta cũng đã không tuân thủ chuẩn mực. Chúng ta tuân thủ chuẩn mực, khởi tâm động niệm, hành vi của chúng ta giống Bồ Tát thì chúng ta đã trở thành Bồ Tát. Có những người mong rằng, tự nhiên một ngày mình sẽ hóa thành Bồ Tát. Khi chúng ta đối nhân xử thế chính là chúng ta đang hành Bồ Tát hạnh.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook