93Thứ Ba, 11/07/2023, 22:27
100 · Nói Rõ Giáo Dục Của Phật Đà - 9

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 08/07/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“PHẦN II - CHƯƠNG VI – NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ” (BÀI CHÍN)

Phật pháp đến thế gian để phá mê khai ngộ. Chúng ta đã tu hành nhiều kiếp nhưng chúng ta vẫn mê vì chúng ta không thật làm. Trong quá trình hoằng pháp lợi sanh, Hòa Thượng chú trọng đến việc giảng dạy trực tuyến vì nếu mọi người gặp mặt nhau trực tiếp thì mọi người có thể bị động tâm. Điều này giống như Đức Phật đã từng nói: “Bất động đạo tràng, châu biến mười phương”. Chúng ta cũng đang học trực tuyến, đến giờ thì chúng ta lên lớp khi hết giờ học thì chúng ta chỉ cần tắt đường truyền. Xã hội hiện đại, đường truyền Internet có thể khiến nhiều người phiền não nhưng nếu chúng ta biết cách sử dụng thì Internet là công cụ hữu hiệu để chúng ta học tập.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta sử dụng khoa học kỹ thuật để đem giáo huấn của Phật phổ biến khắp nơi. Trên Kinh đã nói: “Bất động đạo tràng, châu biến mười phương”. Cho dù chúng ta ở nơi nào trên thế giới thì chúng ta cũng liên hệ được với nhau, thế giới trở nên nhỏ bé hơn. Chúng ta lên lớp học để ngày ngày chúng ta có cơ hội sửa đổi. Nhiều người không thể vượt qua tập khí ham ngủ nên giờ này họ vẫn chưa thức giấc. Chúng ta đã gặp Phật pháp từ vô lượng kiếp nhưng chúng ta không có thành tựu vì chúng ta không thật làm.

Hòa Thượng nói: “Xã hội hiện đại có rất nhiều sự thuận tiện, ở nơi nào chúng ta cũng có thể học Phật pháp, có thể cộng tu”. Ngày trước, nơi nào có pháp sư giảng pháp thì nơi đó sẽ treo một cây phướn lên cao để mọi người biết. Nhưng dùng cách này vẫn rất ít người có thể biết để đến nghe pháp sư giảng. Ngày nay, chúng ta ở bất cứ nơi nào thì chúng ta cũng có thể vào học Phật pháp với nhau như một đạo tràng. Chúng ta sống trong sự thuận tiện nên chúng ta dễ có thái độ xem thường. Khi tôi học 1200 chuyên đề, trong 400 buổi đầu tiên tôi chưa mở Zoom, tôi vẫn ngồi học nghiêm túc vì nếu tôi ngồi đọc sách một mình thì tôi sẽ cảm thấy buồn ngủ. Lời Phật dạy rất thấu tình, hợp lý nhưng chúng ta muốn làm được thì chúng ta phải nỗ lực. Thời gian đang trôi qua rất nhanh nếu chúng ta chểnh mảng thì chúng ta sẽ không kịp. Hòa Thượng từng nhắc, khi chúng ta cảm nhận được vô thường đến chúng ta mới quay đầu thì đã không còn kịp!

Hòa Thượng nói: “Trong Phật pháp nói, không có pháp lớn nhỏ vì pháp nào cũng xứng tánh, pháp nào cũng tương xứng với tự tánh của chúng ta. Trên Kinh thường nói, đây đích thực là cảnh giới không thể nghĩ bàn”. Tâm của chúng ta vốn tròn đầy như tâm của Phật Bồ Tát. Hiện tại, chúng ta luôn thuận theo tập khí, phiền não não chứ chúng ta không thuận theo tự tánh. Tập khí là thói quen, hàng ngày chúng ta luôn để thói quen sai sự. Người xưa nói: “Tánh tương cận, tập tương viễn”. Tự tánh của chúng ta đã có sẵn, chúng ta chỉ cần quay về với tự tánh của mình. Tập tánh là tập nhiễm bên ngoài nên chúng ta rất dễ bỏ, cạo sạch như một lớp sơn. Có những bức tượng làm bằng đồng đen, mọi người sơn lên một lớp bên ngoài để kẻ xấu không có ý định lấy cắp. Lớp sơn bên ngoài chỉ phủ ở bề mặt, tập khí, phiền não của chúng ta cũng như vậy. Chúng ta chỉ cần cố gắng loại bỏ thì những tập khí này cũng sẽ mất đi.

Hòa Thượng nói: “Cảnh giới này ở ngay trước mặt chúng ta nhưng chúng ta ngu si nên chúng ta không nhận ra. Phật Bồ Tát nhận ra điều này nên các Ngài rất rõ ràng, tường tận”. Phật Bồ Tát thường hằng trong cảnh giới tịch tĩnh còn chúng ta luôn ở trong cảnh giới phiền não, không biết cách thoát ra. Khi còn nhỏ, những lúc buồn tôi thường đi mua mía về ăn, ăn xong thì tôi không còn phiền não. Chúng ta không tập trung vào phiền não thì phiền não sẽ tự mất.

Chúng ta đang phiền não mà chúng ta lên lạy Phật thì chúng ta sẽ càng phiền não vì đó là chúng ta đang cố ép mình. Hòa Thượng từng nói, nếu chúng ta nghe một đoạn nhạc hay làm việc gì đó mà phiền não có thể vơi đi thì chúng ta nên đi làm việc đó. Nhưng những việc đó không phải là những việc thoả mãn thị hiếu, dục vọng của chúng ta. Khi chúng ta phiền não thay vì chúng ta tự bó buộc mình vào khuôn khổ thì chúng ta có thể ra ngoài làm việc lợi ích chúng sanh. Chúng ta phiền não vì chúng ta có “cái ta”, “cái của ta”, chúng ta làm lợi ích cho người thì chúng ta sẽ không còn “cái ta”. Khi chúng ta không còn “cái ta” thì ai phiền não? Trước đây, chúng ta làm việc vì “cái ta”, việc không được thì chúng ta sẽ phiền não, nếu chúng ta làm việc vì người thì phiền não không còn. Chúng ta chìm trong phiền não vì chúng ta sợ được mất, hơn thua, tốt xấu.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook