95Thứ Bảy, 08/04/2023, 15:50
10 · Chương II - Nói Rõ Phương Pháp Niệm Phật - 8

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 08/04/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

 “CHƯƠNG II : NÓI RÕ PHƯƠNG PHÁP NIỆM PHẬT” (PHẦN TÁM)

Hòa Thượng nói: “Người niệm Phật phải hiểu rõ tám chữ: “Phát Tâm Bồ Đề, nhất hướng chuyên niệm”. Nếu chúng ta không hiểu tám chữ này tường tận thì công phu niệm Phật của chúng ta không thể có lực vì chúng ta vẫn bị cảnh giới chuyển. Nếu chúng ta không chuyển được cảnh giới thì chúng ta vẫn phải luân hồi trong sáu cõi”. Chúng ta là phàm phu, ở thế gian chúng ta có rất nhiều phiền não. Hàng ngày, những chuyện vô cớ, vu vơ đến với chúng ta rất nhiều, thí dụ như vợ chồng sống với nhau không hạnh phúc, con cái không nghe lời, ngỗ nghịch. Có những người, hàng ngày họ sống tùy tiện, phóng túng, khi họ gặp khổ đau, sức cùng, lực kiệt thì họ đến hỏi chúng ta là họ phải làm như thế nào để cuộc sống của họ tốt hơn. Nếu chúng ta không biết chuyển đổi cảnh giới thì ngày ngày chúng ta sẽ sống trong phiền não, chấp trước.

Nếu chúng ta dạy người mà người chịu nghe lời, làm theo lời khuyên của chúng ta thì tâm chúng ta hoan hỷ vậy thì chúng ta đã bị tâm hoan hỷ chuyển. Nếu chúng ta dạy người khác mà họ không làm theo hoặc làm ngược lại thì chúng ta phiền não vậy thì chúng ta đã bị phiền não chuyển. Ngày ngày, chúng ta đều đang bị phiền não chuyển, chúng ta chưa chuyển được cảnh giới nên công phu niệm Phật của chúng ta không có lực. Nếu chúng ta không quán chiếu thì chúng ta luôn bị phiền não, cảnh giới xoay chuyển. Những cảm xúc hoan hỷ, vui mừng cũng là phân biệt, chấp trước, phiền não.

Ngày trước, có một người ở Mỹ gọi điện thoại cho tôi, họ nói họ muốn nhận tôi là Sư phụ, khi đó họ nhất quyết lạy tôi. Sau đó hai năm, họ gọi điện lại cho tôi nói, họ sẽ không làm đệ tử của tôi nữa. Người xưa nói: “Càng cao danh vọng, càng dài gian nan”. Tôi may mắn không chấp vào những thứ danh vọng đó. Tôi đã xóa hết những lời tán thán, ca tụng mà mọi người gửi vào Gmail của tôi. Hàng ngày, chúng ta đều tiếp xúc với những việc buồn, vui, thương, ghét giận hờn, nếu chúng ta không biết chuyển cảnh giới thì chúng ta sẽ luôn sống trong phiền não. Hòa Thượng nhắc: “Vì sao chúng ta niệm Phật công phu không có lực? Vì sao người niệm Phật không thể vãng sanh? Vì ngày ngày chúng ta bị cảnh giới chuyển!”. Chúng ta dùng tâm phiền não niệm Phật thì chúng ta “đau mồm rát họng chỉ uổng công”.

Chúng ta tu pháp môn Tịnh Độ thì chúng ta phải bắt đầu từ chữ “tịnh”. “Tịnh” là thanh tịnh, không ô nhiễm. Chúng ta bị chi phối bởi hoàn cảnh thì tâm chúng ta không thể thanh tịnh. Có những người cho rằng pháp môn niệm Phật là pháp môn dành cho người già, những người già, sống ở thôn quê ít bị ô nhiễm nên họ dễ buông bỏ. Những người có tri thức thường bị ô nhiễm nhiều nên họ muốn buông xả cũng không dễ dàng. Điều này, giống như một chiếc áo bị dính chàm thì sẽ rất khó giặt sạch.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta có 30 năm ô nhiễm thì ít nhất, chúng ta phải có từng ấy thời gian để thay đổi!”. Chúng ta có 30 năm ô nhiễm mà chúng ta muốn sự ô nhiễm hết sau 3 tháng, 3 năm hoặc 10 năm thì đó là chúng ta đã quá cưỡng cầu. Hòa Thượng nói: “Trong suốt 36 năm, không ngày nào tôi không niệm Phật, tụng Kinh thế mà phiền não trong tôi vẫn dấy khởi!”. Hòa Thượng là bậc đại tu hành, không một ngày nào Ngài rời pháp tòa, Ngài luôn tránh “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần” nhưng Ngài vẫn khó khắc chế phiền não. Chúng ta ngày ngày tùy thuận tập khí, phiền não thì chúng ta chắc chắn sẽ bị tập khí, phiền não chuyển.

Chúng ta có thể khắc chế được tập khí, phiền não, vấn đề là chúng ta có muốn làm, có chịu làm hay không! Dân tộc ta có khẩu hiệu: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi!”. Chúng ta phải trường kỳ đối đầu với tập khí. Nếu chúng ta không trường kỳ, chúng ta gián đoạn thì chúng ta sẽ làm lại từ đầu. Từ vô lượng kiếp đến nay chúng ta cũng đã làm lại từ đầu rất nhiều lần. Ngay trong cuộc sống hiện sinh này, chúng ta cũng đã phải làm lại từ đầu bao nhiêu lần? Ngày trước, tôi có rất nhiều quyển sổ, sau khi tôi viết xong trang đầu, tôi thường phải xé những trang đó đi để viết lại. Đã nhiều lần chúng ta phải xé đi trang đầu để làm lại. Từ vô lượng kiếp đến nay, xương thịt của chúng ta ở đại địa này đã nhiều vô số kể, chúng ta không cần phải thương tiếc xương cốt này, chúng ta không cần phải có một nấm mồ đẹp hay đựng xương cốt trong chiếc hũ bằng vàng. Chúng ta không cần quá trân trọng nắm xương tàn này mà phụ những đống xương tàn từ muôn kiếp trước của chúng ta. Trên Kinh nói: “Chúng ta là kẻ ngu si, khờ dại đến đáng thương!”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook