CHƯƠNG 1 BÀI 2 MỤC 3
LUẬN TỒN TÂM LẬP PHẨM
(Tiếp theo buổi 11)
Tất cả mọi việc của thế gian tùy duyên, chính mình làm tốt mọi việc trong bổn phận, thì chính xác rồi. Ngay như Khổng Lão Phu Tử khi dạy học, cũng là tông chỉ này; làm người có thể dốc hết bổn phận. Bổn phận mà chúng ta tu học, là y theo “Thanh tịnh - Bình đẳng - Chánh giác - Từ bi” ở trên “kinh Vô Lượng Thọ”; thực tiễn ở ngay trong cuộc sống chính là “Nhìn thấu - Buông xả - Tự tại - Tùy duyên”. Đại sư Thiện Đạo nói: “Tất cả từ nơi tâm chân thành mà làm”, vậy thì đúng rồi.
Đại sư Chương Gia dạy tôi: “Người học Phật, cả một đời bất cứ việc gì cũng đều giao cho Phật Bồ tát, thần Hộ pháp an bài”, chính mình không lo nghĩ bất cứ việc gì, cứ như vậy mà làm, tâm liền thanh tịnh, bình đẳng. Thuận cảnh là Phật Bồ tát an bài, nghịch cảnh cũng là Phật Bồ tát an bài, cho nên ở trong thuận cảnh không có tâm hoan hỷ, ở trong nghịch cảnh không sanh phiền não. Tất cả đều là sự an bài tốt nhất của Phật Bồ tát, trải sự luyện tâm để thành tựu đạo nghiệp, làm sao có thể oán trời trách người chứ!
(Buổi 12)
Giữa người và người xung đột ở chỗ nào? Chính là lợi và hại. Chúng ta không có lợi hại với người, vậy thì dễ dàng hòa thuận, chân thực làm được không tranh với người, không cầu ở đời. Trên “kinh Kim Cang” có hai câu nói: “Bất thủ ư tướng, như như bất động” (Ngoài không dính tướng, trong không động tâm), đây mới giống một người tu hành.
Mọi người ở chung với nhau, nhất định phải có chung một mục tiêu, một phương hướng nỗ lực, đây là khái niệm căn bản; Còn phải đồng tâm hiệp lực, vì Phật Pháp, vì chúng sanh mà nỗ lực. Nhất định phải đem lợi ích cá nhân xả bỏ, bất luận tại gia hay xuất gia đều phải nên buông xả, nếu như không buông xả được, đây chính là chướng ngại rất lớn. Đương nhiên chướng ngại nghiêm trọng nhất, chính là chướng ngại chính mình, chẳng những mình không thể thành tựu, ngay đến vãng sanh, khai ngộ, thậm chí được niệm Phật tam muội đều không thể nắm chắc, cho nên nhất định phải buông xả.
Tu hành thực tế là một chuyện không dễ dàng, người chân thật muốn tu hành, ở trong đoàn thể, phải học khiêm tốn, học lễ độ, học nhường nhịn. Khổng Lão Phu Tử dạy chúng ta phải giữ lễ, lễ là hạ mình tôn người. Đôi bên phải giảm thiểu va chạm, giảm thiểu xung đột, nơi nơi nhường nhịn, đây mới có thể thành việc lớn, lập đại nghiệp.
Chúng ta phải luôn luôn giữ tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác từ bi, thường hay lấy đây để kiểm điểm, phản tỉnh chính mình: Tâm chúng ta có phải như vậy không? Tâm này chính là tâm Phật, mới có tư cách học Phật, có tư cách vãng sanh.
Trong đối nhân xử thế, đối người tiếp vật, người tu hành cần giữ lấy một số nguyên tắc: Nhìn thấu, buông xuống, tự tại, tùy duyên, niệm Phật. Có thể giữ được những nguyên tắc căn bản này, thì sẽ không sai. Chân thật có thể giữ được, chúng ta thảy đều giao cho Phật Bồ tát, Thần Hộ Pháp an bài. Đây là điều Đại sư Chương Gia trước đây đã dạy tôi: “Một người chân thật học Phật, chân thật vì hoằng pháp lợi sanh, không cần lo nghĩ tiền đồ, đời sống của chính mình, Chư Phật sẽ hộ niệm, Thần Hộ Pháp sẽ chăm sóc". Không cần nghĩ đến bất cứ thứ gì, một lòng một dạ y theo giáo huấn kinh điển mà làm. Phật pháp là trọng thực hành, có thể làm được thì tương ưng, làm không được thì không tương ưng.
Điều nhân sanh ở đời khó đạt được nhất là có một mục tiêu và phương hướng sống chính xác. Tức là có được giáo dục đời sống tốt đẹp, cổ Thánh tiên Hiền Trung Quốc chỉ dạy chúng ta làm người tốt, giữ tâm tốt, chính là giáo dục của một đời. Người tu hành tốt, đời sau có thể sinh thiên (sinh lên trời), sáu tầng Trời cõi dục đều là chỗ ở của người tốt.
(Buổi 13)
Người xưa thường nói: “Xử lý việc đã khó, đối đãi với người càng khó hơn”. Con người đều là phàm phu, tâm của phàm phu thay đổi khó lường, ý niệm của phàm phu tùy theo cảnh giới thay đổi, đương nhiên ở chung càng khó khăn, nguyên tắc duy nhất chính là nhường nhịn. Phải mở rộng tâm lượng của chính mình, học có thể dung nhẫn, nhường nhịn, tránh đi tất cả xung đột, va chạm, gìn giữ tinh thần giới luật “sáu phép hòa kính” của đạo tràng. Gìn giữ “sáu phép hòa kính” chính là nhường nhịn; không thể nhường, không thể nhịn, hòa kính liền bị phá hoại, đây chính là “Phá hòa hợp tăng” trong giới luật đã nói. Trong năm tội lớn cũng có tội “Phá hòa hợp tăng”, đây là nghiệp nhân đọa A Tỳ Địa Ngục. Trong năm tội lớn, bốn tội khác không dễ phạm phải, riêng tội này rất dễ phạm, hơn nữa phạm lúc nào cũng không hề hay biết; Chỉ có người một lòng hướng đạo, người có thể nhường nhịn, mới có thể tránh được.