32523/02/2022, 18:08 05/05/2022, 20:06

CHƯƠNG 1 BÀI 2 MỤC 2

TƯỜNG TẬN ĐỐI TRỊ PHIỀN NÃO

(Tiếp theo buổi 6)

Trước đây, khi còn tại thế, Thầy Lý Bỉnh Nam thường nói "Người tu hành phải sửa đổi tâm". Tâm thay đổi tốt rồi thì hành vi tự nhiên sẽ tốt, nếu như chỉ thay đổi trên hành vi mà tâm chưa thay đổi, đó chính là làm bộ làm tịch trên hình thức, trong nội tâm vẫn là vọng tưởng, chấp trước, mà tỏ vẻ như người không dính mắc gì cả, quan trọng nhất là phải sửa đổi tâm.

Học Phật không thể thành tựu, nguyên nhân là chưa có định, huệ; nói một cách khác, chính là mê hoặc điên đảo. Đây chính là “Kẻ đáng thương hại " mà trên kinh đã nói.

Bởi vì “khởi tâm động niệm” có phân biệt, chấp trước, vọng tưởng; khi cùng ở với người khác vẫn còn tham, sân, si, mạn, vẫn còn đố kỵ, tạo ra nghiệp nhân của ba đường.

Hành vi như vậy, bất luận là tham thiền, học giáo hay niệm Phật, đều là không cách gì thoát được luân hồi.

 

(Buổi 7)

Chân thật tu hành, phải ghi nhớ lời của Đại sư Huệ Năng: “Người chân thật tu học, không thấy lỗi thế gian”. Phải thấy lỗi của chính mình, không thấy lỗi của thế gian, đây là hai câu nói chân thật mà Đại sư Huệ Năng dạy bảo cho người sau. Nếu không ở trên hai câu này mà chân thật hạ công phu, thì đời này cùng với đời quá khứ như nhau, nhất định sẽ luống qua. Vì sao lại luống qua? Bởi vì không nhẫn được. Không có nhẫn, thì làm gì có định chứ? Sáu phép Ba La Mật cũng như lên tòa lầu sáu tầng. Tầng thứ ba nếu như không lên được, thì không cách nào lên tới tầng thứ tư. Nhiều nhất cũng chỉ có Bố thí, Trì giới; Nhẫn thì không có rồi, tu học làm sao thành công chứ? Cho nên thứ lớp tu học của Lục độ là có Nhẫn nhục, có Tinh tấn thì mới được Thiền định, có được Định huệ mới hữu dụng. Người có Định huệ tâm lượng liền lớn, liền có thể tương ưng với Tự tánh.

Từ góc độ thế gian pháp mà quán sát, nếu như người người đều có thể nhìn thấy lỗi chính mình, không thấy lỗi thế gian, thế gian liền có thể hòa bình cùng tồn tại, thế giới làm gì còn có đấu tranh? Xã hội nhất định tường hòa, thế giới liền đại đồng.

Hôm nay thấy cái này không vừa mắt, ngày mai thấy cái kia không vừa mắt, đây là tạo nghiệp luân hồi.

Tổng cương lĩnh của tu hành, không gì khác là phá hai chấp, đoạn phiền não mà thôi. Người tu Tiểu thừa là vì phá ngã chấp mà phá ngã chấp, phương pháp này tương đối rườm rà. Lấy sức Định sâu để hàng phục phiền não, chấp trước, khiến nó không khởi hiện hành. Sau khi chứng được Sơ quả, vẫn phải bảy lần qua lại cõi nhân thiên; mới có thể ra khỏi Ba cõi. Phương pháp của Đại thừa vô cùng xảo diệu, Đại thừa dạy chúng ta phải phát tâm Bồ đề, chuyển phiền não thành Bồ đề, là dùng phương pháp chuyển biến.

Nếu như chính mình cảm thấy cùng ở với mọi người không hòa thuận, đó là chính mình đang sanh phiền não, tuyệt nhiên không phải đang học Phật. Học Phật chính là phải đem những điều khúc mắc trắc trở này hài hòa lại, thảy đều hóa giải. Những cảnh giới này là từ nội tâm của chính mình mà sanh ra, do đó phải từ nội tâm của chính mình mà hóa giải, Cho nên Phật pháp gọi là “Nội học”. Phật pháp không phải là cầu người, là cầu chính mình, mỗi người đều có thể hướng nội khai mở Tự tánh, đoàn thể đó mới gọi là “Tăng đoàn”.

Giới luật của Phật pháp là dùng để yêu cầu chính mình, mà không phải để yêu cầu người khác, đây là cách làm rất cao minh. Không giống như pháp luật thế gian, là dùng để hạn chế mọi người. Cho nên phải học Đại sư Lục Tổ Huệ Năng: “Thường hay thấy lỗi của chính mình, không thấy lỗi của thế gian”, thì tâm thực sự được chuyển rồi, đây là hướng nội mà quán chiếu.

 

(Buổi 8)

Căn bệnh nặng của chúng sanh là không thấy lỗi của chính mình, chuyên thấy lỗi người khác. Chuyên thấy lỗi người khác, thì sẽ tăng thêm phiền não, thì không cách nào hướng nội mà quán chiếu. Nếu như chúng ta chỉ quan tâm nội chiếu, không quan tâm những cám dỗ của ngoại cảnh, thì cái chữ “Chiếu” này là trí huệ, liền có thể đem phiền não tập khí hóa giải.

Người tài năng xuất chúng sẽ bị đố kỵ, bị đố kỵ này cũng là hiện tượng bình thường, bởi vì người ta là phàm phu; đố kỵ, sân giận là tập khí từ vô lượng kiếp, nếu như không có những tập khí này, thì họ chính là Phật Bồ tát tái lai.

Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng ta không phải chưa từng gặp được Phật pháp, cũng không phải không chăm chỉ tu học, tại vì sao vẫn phải rơi tới tình cảnh như hiện nay? Chính là bị cái “ta” và “cái của ta” hại rồi.