46413/01/2022, 23:14 05/05/2022, 20:06

CHƯƠNG 1 BÀI 2 MỤC 1

PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ

(Buổi 2)

Niệm Phật vãng sinh điều kiện tối thiểu là công phu thành phiến, thành phiến là như thế nào? Lục tổ Huệ năng nói rất hay, "không thấy lỗi thế gian", đây chính là công phu thành phiến. Vẫn còn thấy lỗi thế gian, có thể đoán định công phu của bạn chưa thành phiến, bởi vì trong tâm bạn vẫn còn phân biệt, chấp trước, vẫn có chướng ngại. 

Trong niệm Phật đường, thầy chủ thất thường giảng: “buông bỏ thân tâm thế giới”, bạn chưa buông bỏ, thì tâm không thanh tịnh. 

Có thể đem lý luận trong Kinh Kim Cang vận dụng vào pháp môn Tịnh độ đó chính là "Phát Bồ đề tâm - nhất hướng chuyên niệm” đã nói trong Kinh Vô Lượng Thọ. Một bộ Kinh Kim Cang chính là dạy chúng ta phát Bồ đề tâm, phát Bồ đề tâm là căn bản. Pháp môn đại thừa đều dựa trên nền tảng “Bồ đề tâm”. Chỉ cần Bồ đề tâm phát ra, bất luận là tu học pháp môn nào, đều sẽ có thành tựu, người niệm Phật cũng nhất định vãng sinh. Then chốt của niệm Phật mà không thể vãng sinh chính là ở chỗ chưa phát Bồ đề tâm, vì vậy mặc dù có nhất hướng chuyên niệm, vẫn không thể vãng sinh. 

Cổ nhân nói: “Một ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu, đau mồm rát họng vẫn uổng công”. Tại sao lại uổng công? Vì tâm tịnh thì cõi nước tịnh, tâm phải tịnh mới có thể vãng sinh. 

Ngẫu Ích Đại Sư giảng rất hay: “Vãng sinh phẩm vị cao hay thấp nằm ở công phu niệm Phật sâu hay cạn, không phải Phật hiệu nhiều hay ít”. Sâu cạn từ đâu mà nói? Từ trên tâm thanh tịnh mà nói. 

Công phu niệm Phật có ba tầng: “Lý nhất tâm bất loạn” là sâu nhất, kế đến là “Sự tâm bất loạn”, tiếp thêm một bậc là “Công phu thành phiến”. Không có những công phu này, niệm thêm nhiều bao nhiêu đi nữa cũng không thể vãng sinh. Những điều này đều là nói công phu của bản thân chúng ta, chưa đề cập đến sự gia trì của Phật A Di Đà. Nếu nói về sự gia trì của Phật A Di Đà, mọi người đều là bình đẳng. Đây là khác biệt của thế giới Tây phương cực lạc so với những thế giới khác. Thế giới cực lạc có Phật gia trì. Vì vậy nếu như tự mình có nỗ lực, công phu bản thân đắc lực, phẩm vị sẽ nâng cao, tới thế giới Tây Phương Cực Lạc thành Phật liền nhanh; người vãng sinh phẩm vị thấp hơn, mặc dù được Phật gia trì, nhưng sẽ chậm hơn một chút mới thành tựu viên mãn; cũng chính là trong thời gian Bồ đề viên mãn, có sự sớm, muộn, nhanh, chậm sai biệt không giống nhau. 

 

(Buổi 3)

Cái gì gọi là công phu thành phiến? Chính là tâm thanh tịnh. Trong lòng đã không còn xen tạp, không còn vọng niệm, chỉ chuyên chú ở một câu Phật hiệu, chuyên chú ở nơi y chánh trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực Lạc. 

Cái tiêu chuẩn mà Kinh Kim Cang đã nói, chính là tiêu chuẩn của lí nhất tâm bất loạn, thế nhưng lí nhất tâm bất loạn cũng có sâu cạn khác nhau. Trên Kinh Kim Cang nói: “Tất cả Hiền Thánh đều lấy pháp vô vi mà có khác biệt”. Tam Hiền, thập Thánh chính là 41 vị pháp thân đại sĩ ở trong Kinh Hoa Nghiêm, họ đều là lí nhất tâm, tuy là cùng đạt đến lí nhất tâm bất loạn, công phu vẫn là có chỗ cạn sâu khác biệt không đồng. Thế nhưng đạt đến cứu cánh viên mãn, chính là thành Phật. 

Kỳ thật, niệm Phật cũng là quán chiếu. Người biết dụng công thì cùng với tu học của nhà Thiền không có gì khác biệt. Chính là “Gom nhiếp sáu căn” mà ở trong Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương đã nói. Có thể “Gom nhiếp sáu căn” thì cũng giống như tham Thiền vậy. Nếu như chúng ta chỉ làm được “Tịnh niệm nối nhau” mà không hiểu được làm thế nào “Gom nhiếp sáu căn”, vậy thì không thể nào giống với tham Thiền.

Mọi lúc mọi nơi đều quay về một câu danh hiệu này, niệm đến công phu thành khối, trình độ như vậy thì cùng với Tông Môn, Giáo Hạ là hoàn toàn giống nhau. Có thể niệm Phật đến Sự nhất tâm bất loạn, chính là “chiếu trụ”; nếu có thể niệm đến lí nhất tâm bất loạn thì chính là “chiếu kiến”. Cho nên người xưa thường nói: “Pháp môn Niệm Phật, ám hợp đạo diệu”. “Đạo diệu” chính là minh tâm kiến tánh. Dùng cái pháp môn này, người được định, người được kiến tánh rất nhiều. Tuy rằng không thể đắc định, không thể kiến tánh cũng có thể vãng sanh. Tổ sư đại đức cũng nói: “Chỉ thấy được Di Đà, lo gì không khai ngộ”. Khai ngộ chính là minh tâm kiến tánh, chỉ cần có thể vãng sanh thì tuyệt đối có thể khai ngộ, kiến tánh. Sự thù thắng của pháp môn Tịnh Độ chính là ở ngay chỗ này.