CHƯƠNG 2 BÀI 5
LUẬN TỒN TÂM LẬP PHẨM
Buổi 53 ngày 05/05/2023
Người học Phật nếu như ở tít trên cao, chỗ ở thì giống như hoàng cung, ra ngoài ngồi xe đắt tiền, những người khổ nạn nhìn thấy họ sẽ có cảm tưởng gì? Nhất là tiền tài, hưởng thụ của người xuất gia là của mười phương cúng dường. Thích Ca Mâu Ni Phật thành Phật cũng không hưởng thụ như vậy.
Phật cả đời không cầu người, mỗi ngày mang bình bát đi khất thực cũng chỉ cho phép đến bảy nhà, đến bảy nhà mà không xin đủ thức ăn thì hôm đó nhịn đói một ngày, đến nhà đầu tiên mà có thể ăn đủ no rồi thì không khất thực nhà thứ hai. Loại thị hiện này là dạy chúng ta phải “biết đủ thường vui”, gốc bệnh của người thế gian chính là không biết đủ, cho nên mới dẫn đến họa hại vô lượng vô biên.
Học Phật chính là học tập theo gương của Phật, không luận là thân phận như thế nào, không luận là từ bất cứ nghành nghề nào cũng đều phải học tập tinh thần của Phật, đạo lý của Phật, tâm từ bi của Phật, hơn nữa còn phải áp dụng vào đời sống thực tế. Đời sống của chính mình cần phải chất phác, phải biết đủ, có dư ra thì phải chia sẻ với tất cả chúng sinh cùng hưởng. Đây là chỗ khác biệt giữa Phật Bồ Tát và quan niệm của người thế gian. Phật Bồ Tát có phước thì chia sẻ cho mọi người cùng hưởng, phàm phu có phước chính mình hưởng, không muốn chia sẻ cho mọi người cùng hưởng.
Phật không chỉ dùng ngôn ngữ để dạy bảo chúng sanh, Ngài chính mình nói được làm được. Ngài chân thật nhìn thấu, nhìn thấu chính là thông đạt tường tận đối với tất cả sự lý nhân quả của thế gian và xuất thế gian. Ngài chân thật buông xả, đối với pháp thế xuất thế gian một chút cũng không vướng mắc, danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần ngay một chút cũng không bị tiêm nhiễm.
Hiện tại có rất nhiều đồng tu cảm thấy chính mình nghiệp chướng sâu dày, tai nạn rất nhiều, hỏi làm thế nào để tiêu nghiệp chướng, hóa giải tai nạn. Thực tế mà nói, cả đời Thích Ca Mâu Ni Phật Ngài đã thị hiện ra. Nếu chúng ta học hiểu rồi, lợi ích vô lượng vô biên, không chỉ tai nạn trước mắt có thể tiêu trừ mà nghiệp chướng tập khí từ vô thỉ kiếp đến nay cũng có thể đoạn trừ.
Trước tiên cần phải học cách nhìn thấu, buông xả, phải nhìn thấu “vạn pháp giai không”. Trên “Kim Kinh Cang” nói rằng: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”. Hà tất ở trong những hư vọng mà đi phân biệt tính toán?
Bao gồm tất cả mọi hiện tượng, sáu căn tiếp xúc với cảnh giới lục trần, thuận tâm hoặc không thuận tâm đều là vọng tưởng. Bạn có thể nhìn thấu, hiểu một cách tường tận rồi, bất luận gặp thuận cảnh hay nghịch cảnh, trong tâm đều là bình lặng, đích thực dùng tâm “thanh tịnh, bình đẳng, giác” để đối đãi với mọi người, không hề tiêm nhiễm thì yêu ma quỷ quái không thể dựa thân. Có ngã chấp thì có thân, không có ngã chấp thì không có thân, đây là đạo lý mà quỷ thần không thể dựa thân. Nếu mỗi niệm vẫn rơi vào “ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả”, bạn bất thiện, quỷ thần liền có thể trêu ghẹo bạn, gây phiền phức cho bạn.
Buổi 54 ngày 19/05/2023
Học Phật cần học như thế nào? Tông môn nói “từ căn bản tu”, căn bản chính là một niệm không sanh, tâm thanh tịnh chẳng có một niệm. Nếu có ý niệm “tôi bây giờ một niệm cũng không sanh”, liền đã sinh ra một ý niệm “một niệm không sanh”, vậy là sai rồi. Khi mới học, tông môn dùng pháp môn ngồi xếp bằng xoay mặt vào tường, học không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước. Sau khi học thành công, phải ở trong cuộc sống hằng ngày mà tôi luyện, sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, vậy thì thành công rồi, lúc này tất cả các cảnh giới là nhất chân pháp giới. Nhất chân pháp giới không tách rời khỏi mười pháp giới, sáu cõi, ba đường, cho nên pháp giới mới gọi là nhất chân. Nếu thật có mười pháp giới, sáu cõi, ba đường thì pháp giới làm sao có thể gọi là nhất chân? Nên chuyển biến là ở nơi tâm, thay đổi là ở nơi nhận thức, nhận biết chân tướng của cảnh giới chính là nhận biết chân tướng của vũ trụ nhân sinh.
“Sáu căn thanh tịnh, không nhiễm một trần” là trong lúc cảnh giới hiện tiền sáu căn thanh tịnh, không phải lúc rời xa trần duyên sáu căn mới thanh tịnh, đây là phương pháp tu học của Tiểu Thừa. Khi tiếp xúc với cảnh giới, tâm vừa loạn động, vừa khởi vọng niệm, vậy thì không có công phu. Đối diện với cảnh giới, nuôi dưỡng thành thói quen thanh tịnh không nhiễm, việc này cần phải có trí tuệ cao độ.