CHƯƠNG 2 BÀI 6
BÀN VỀ CÁC PHƯƠNG PHÁP TU HÀNH
Buổi 61 ngày 11/08/2023
Từ xưa đến nay, đại đa số người học Phật đều dựa theo “Kinh Kim Cang” mà tu học, tông môn gọi đây là là đốn giáo, không phải là không có đạo lý. Chúng ta niệm Phật cầu sinh Tịnh Độ, nếu y theo nguyên lý nguyên tắc của “Kinh Kim Cang” mà tu học, nhất định vãng sanh thượng thượng phẩm, sanh cõi Thật Báo Trang Nghiêm.
Chúng ta phát tâm xuất gia, xuất gia chính là “học vi nhân sư, hành vi thế phạm”. Những đạo lý phương pháp mà “Kinh Kim Cang” đã nói, chúng ta phải nỗ lực học tập. Bởi vì chúng ta không lão thật, “Kinh Kim Cang” có thể giúp đỡ chúng ta đạt đến lão thật niệm Phật, lão thật làm người, lão thật làm việc. Tham thấu được “Kinh Kim Cang” rồi thì người liền lão thật rồi, lão thật chính là Phật Bồ Tát. Lão thật thì không còn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Nếu vẫn còn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì chưa lão thật.
Giáo trình cơ bản của pháp tướng tông là “bách pháp minh môn luận”, trình độ của bộ luận điển này rất cao, là nhập môn của pháp Đại Thừa, nói rõ chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Bộ luận điển này thuộc về tông kinh luận, chính là giải thích tôn chỉ mà Đức Thế Tôn đã nói, trên thực tế chính là giải thích một câu mà Phật đã nói. Phật nói: “Tất cả pháp vô ngã, bách pháp minh môn luận”, lấy câu nói này làm tông chỉ, đem tất cả pháp quy nạp thành bách pháp, bách pháp chính là “nhất thiết pháp”. “Vô ngã” là nói “nhân vô ngã”, “pháp vô ngã”, có thể ở ngay trong đó khai ngộ thì ngã chấp, pháp chấp liền buông xả rồi, liền có thể siêu phàm nhập thánh. Phàm phu chấp trước “có ngã”, “có pháp”. Phật Bồ Tát giác ngộ “không ngã”, “không pháp”, cho nên Phật Bồ Tát ở trong mười pháp giới y chánh trang nghiêm, có thể lý sự vô ngại, sự sự vô ngại, viên dung tự tại.
Ở trong giai đoạn sơ học nhất định phải đọc thuộc Đại Thừa, đặc biệt là người phát tâm theo đuổi sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh không những phải đọc tụng mà còn phải khế nhập cảnh giới. Khế nhập chính là “tùy văn nhập quán”. Tùy theo lời giáo huấn của kinh điển mà chuyển đổi quan niệm của chính mình, gọi là “tùy văn nhập quán”. “Nhập” là khế nhập, ý nghĩa của “nhập” đã bao gồm toàn bộ “tín giải hành chứng” rồi. Nhập chính là chứng, có hành mới có chứng. Hành chính là thay đổi quan niệm; Thay đổi quan niệm bởi vì hiểu rõ đạo lý, hiểu đạo lý chính là tin tưởng vào lời dạy của Phật.
Phật đã nói ra “giáo lý hành quả”, chúng ta có thể làm đến được “tín giải hành chứng”, cảnh giới liền được chuyển. Đây chính là tùy văn nhập quán, đây là chân thật tu hành, có thể chân thật được thọ dụng. Pháp môn tu hành vô lượng vô biên, “tùy văn nhập quán” là phương pháp tu hành giáo hạ, chính là mở quyển kinh ra, có thể nhập cảnh giới Phật.
Mà vào cảnh giới điều quan trọng nhất là ngay trong cuộc sống thường ngày, ngay trong xử sự đối người tiếp vật, lúc nào cũng có thể giữ gìn không mất đi, chính là không thoái chuyển. Có được bản lĩnh này, chúng ta liền không khiếp sợ yêu ma quỷ quái, chúng ta có năng lực giúp đỡ họ cùng thành Phật đạo. Đây là giải quyết một cách viên mãn. Đây chính là những gì Phật dạy chúng ta, đây mới là chân thật cứu cánh mỹ mãn.
Buổi 62 ngày 11/08/2023
Đọc kinh, nghe giảng có thể giúp chúng ta nhìn thấu, buông xả, giúp chúng ta hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sinh, nói một cách khác, hiểu rõ chân tướng đời này của chính mình đến với thế gian này. Nếu có thể triệt để hiểu rõ đời sống một đời này của chúng ta cũng như hoàn cảnh xung quanh mà chúng ta gặp phải, tự nhiên liền sẽ buông xả. Đức Thế Tôn đã hết lòng hết dạ giảng 49 năm, lúc nào cũng nhắc nhở nhưng chúng ta hiện nay đã mê quá sâu rồi. Không ngừng nhắc nhở, chính là hi vọng có một ngày chúng ta có thể bỗng nhiên hiểu ra, biết được chính mình đến thế gian là để nhận quả báo.
Trong cuộc sống thường ngày, hết sức tránh nói lời thừa xen tạp, lúc đàm luận với người thì đàm đạo, lúc không có người cùng nói chuyện thì đọc kinh. Đây chính là tích công bồi đức. Chúng ta không chỉ dùng lễ để đối đãi với các tông giáo khác mà đối với đồng tu học Phật cũng phải lễ mạo. Các pháp môn tu học của mọi người không giống nhau (mọi người tu học các pháp môn không giống nhau), nhất định phải tôn trọng lẫn nhau, không đư phá hoại lẫn nhau. Nếu phá hoại lẫn nhau, dù công phu tu học tốt đến đâu vẫn là đọa ba đường chịu quả báo. Có câu nói “thà động nước ngàn sông, không động tâm người tu niệm”, phá hoại tâm đạo của người khác, trong bất tri bất giác phạm vào tội “phá hòa hợp tăng”, quả báo ở nơi địa ngục A Tì.