25607/04/2023, 06:33 08/06/2023, 22:12

CHƯƠNG 2 BÀI 4

NÓI RÕ CÁCH ĐỐI TRỊ PHIỀN NÃO

Buổi 46 ngày 17/03/2023

Buổi 47 ngày 24/03/2023

Buổi 48 ngày 31/03/2023

Buổi 49 ngày 07/04/2023

Buổi 50 ngày 14/04/2023

Buổi 51 ngày 21/04/2023

Buổi 52 ngày 28/04/2023

 

Buổi 46 ngày 17/03/2023

Khắc phục phiền não tập khí của chính mình chính là tiêu nghiệp chướng.

Phương pháp khắc phục phiền não rất nhiều, nhà Phật thường nói tám vạn bốn ngàn pháp môn, “pháp” là phương pháp, “môn” là cách thức, cách thức khắc phục phiền não, cách thức tiêu trừ nghiệp chướng là vô lượng vô biên. Ở trong vô lượng pháp môn, Đức Thế Tôn nói với chúng ta, niệm Phật là pháp môn thuận tiện nhất, đơn giản nhất, dễ dàng nhất và hiệu quả nhất.

Mà lý luận của niệm Phật nhất định phải hiểu rõ, đối với việc niệm Phật tuyệt đối không thể hoài nghi thì Phật hiệu mới có thể tạo ra hiệu quả, có sức mạnh. Có sức mạnh chính là có thể tiêu nghiệp chướng, có thể đoạn phiền não. Niệm Phật có thể tiêu trừ nghiệp chướng, đoạn phiền não hay không, then chốt chính là ở chỗ có như pháp hay không, có biết niệm hay không. Người biết niệm Phật như lý như pháp thì hiệu quả vô cùng thù thắng.

Học Phật phải gánh vác sứ mệnh tiếp nối huệ mạng của Phật, hoằng pháp lợi sanh, nếu muốn gánh vác sứ mệnh này thì nhất định phải ngộ nhập. Phương pháp ngộ nhập không có cách nào khác ngoài việc buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà thôi. Trong đời sống hàng ngày, lúc xử sự, đối người, tiếp vật phải buông bỏ ngã chấp.

Trên “Kinh Kim Cang” nói “ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng”, chỉ cần có thể buông xuống một thứ thì liền buông xuống được tất cả. Bốn tướng này có quan hệ mật thiết với nhau, có một cái thì có cả bốn cái, buông xuống một cái liền buông xuống được tất cả.

Sau đó đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện chính là công đức chân thật, đây là điều mà chư Phật Bồ Tát tán thán. Chúng ta cần phải biết, bốn tướng đầy đủ chính là chướng ngại nghiêm trọng trong tu học Phật pháp. Chúng ta ở nơi sự tướng gặp phải khó khăn, nguyên nhân chính ở phân biệt, chấp trước.

Nhất là ngã chấp nghiêm trọng, mỗi niệm vì “lợi ích của ta”, người người đều chấp trước “lợi ích của ta”. Đây là căn nguyên của bệnh, tạo thành đôi bên không thể bao dung, tạo thành vô lượng vô biên tội nghiệp.

Nếu như “ngã” là sự thật thì còn có thể tha thứ, nào ngờ “ngã” chỉ là một khái niệm hư giả, trừu tượng mà thôi. Mà chúng sinh chấp trước có cái ta, có pháp thì vĩnh viễn không thể giải thoát, vĩnh viễn sinh tử luân hồi, khổ không nói nên lời. Chân tướng sự thật này, người mê hoặc không thể biết được, duy chỉ có người giác ngộ mới tường tận.

Cho dù học tập Phật pháp, nghiên cứu Phật pháp, vẫn chấp trước ngã, pháp, còn tự khen mình chê người. Đây đều là bởi vì có ngã chấp, không biết các pháp là bình đẳng, các pháp là không tịch, các pháp duyên sanh mới có loại hành vi này. Phàm hễ là pháp duyên sanh đều không có tự thể, không có tự tánh, “đương thể tức không, liễu bất khả đắc” (không thể có được) Tướng có thể không, sự có lý không, cho nên tướng là huyễn tướng, sự như mộng huyễn bào ảnh. Những điều này đều là chân tướng sự thật.

 

Buổi 47 ngày 24/03/2023

Vì sao công phu không đắc lực (không có lực)? Đây là phiền não tập khí đang làm chủ, chướng ngại sự tinh tấn và đạo nghiệp của chúng ta. “Kinh Kim Cang” dạy chúng ta nguyên tắc vô cùng quan trọng, phương pháp phá trừ chướng ngại chính là “nhìn thấu, buông xả”. Không chỉ thế pháp cần phải nhìn thấu, buông xả, mà Phật pháp cũng cần nhìn thấu, buông xả.

“Nhìn thấu” chính là hiểu rõ chân tướng sự thật. Nếu chúng ta căn cứ vào những nguyên lý, nguyên tắc mà ở trên kinh đã nói, tỉ mỉ quan sát tất cả những hiện tượng thế gian và xuất thế gian thì liền có thể tường tận (thấu suốt). Hiểu rõ chân tướng sự thật, đối với thế xuất thế gian pháp không còn khởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nữa chính là buông xả.

Sau khi buông xả rồi, không những trong (bước đường) tu hành không có chướng ngại, mà ngay trong đời sống hàng ngày, lúc xử sự, đối người, tiếp vật cũng được đại tự tại, giống với chư Phật Bồ Tát ứng hóa ở thế gian du hí thần thông (tự tại vô ngại), không hề khác biệt.