93Thứ Năm, 11/04/2024, 10:14
93 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 93

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 11/04/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 93

Hòa Thượng nói: “Người xưa lấy lễ nhạc làm giáo dục, nhà Phật lấy giới luật và phạm bối, giới luật để điều thân, phạm bối để điều tâm”. “Phạm bối” là âm nhạc của Phật pháp. Âm nhạc của Phật pháp dùng tâm chân thành, thanh tịnh, từ bi để xướng âm. Ngày xưa, có những bài khai Kinh được ngâm rất dài giúp người nghe lắng đọng tâm hồn. Khi chúng ta gặp việc không như ý thì chúng ta có thể ngâm lên một câu Kinh bằng tâm chân thành, để giải tỏa, để cảnh tỉnh chính mình rằng thế gian này là vô thường. Thí dụ: “Vô thường tấn tốc, triêu tồn tịch vong, sát na dị thế”. Vô thường mau chóng lắm, sớm còn, tối mất, trong một sát-na.

Hòa Thượng nói: “Khi chúng ta cao giọng hát lên một khúc phạm bối của nhà Phật có thể giúp chúng ta điều giải nỗi u uất trong tâm. Âm nhạc của thế gian kích động tình cảm của con người, âm nhạc của nhà Phật giúp tâm chúng ta bình tĩnh, an định hơn, cho nên âm nhạc của nhà Phật gọi là phạm âm. Trên Kinh điển nói, khi Đức Thế Tôn còn ở đời, Ngài lấy thanh âm làm Phật sự, do đây có thể biết tầm quan trọng của phạm âm”.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải dùng tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm cung kính, tâm từ bi khi xướng những câu kệ trong nhà Phật. Khi chúng ta xướng tụng lên những âm thanh này thì chúng ta sẽ được Chư Phật Bồ Tát gia hộ. Tổ sư Thiện Đạo nói: “Nhất thiết chân thật tâm trung tác”. Tất cả việc làm của chúng ta phải từ tâm chân thành”. Tổ Sư Thiện Đạo là vị Tổ thứ hai của Tịnh Độ Tông Trung Hoa, lời nói này của Ngài là kim chỉ nam để chúng ta khởi tâm động niệm, hành động tạo tác, đối nhân xử thế tiếp vật. Gần đây, mọi người suy tôn Hòa Thượng Trí Tịnh, chùa Vạn Đức là sơ tổ của Tịnh Độ Tông Việt Nam. Chúng ta đến đâu, chúng ta dùng tâm chân thành thì những người gian ác cũng sẽ bị cảm động. Khi chúng ta tặng rau đậu cho mọi người trong một thời gian dài thì mọi người đều cảm động. Chúng ta quán sát khi chúng ta niệm Phật, làm việc, đối người tiếp vật, chúng ta có dùng tâm chân thành không? Khi người trong đội cơ sở vật chất của chúng ta đến thành phố Hồ Chí Minh làm việc thì được mọi người cho mượn nhà để ở, không cần trả tiền, chúng ta làm việc bằng tâm chân thành thì chúng ta sẽ được hồi đáp bằng tâm chân thành. Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải xướng niệm bằng tâm chân thành”.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta nhất định phải hết sức cẩn trọng khi làm mọi việc, phải chân thật yêu thương mọi người. Nếu chúng ta chân thật yêu thương mọi người thì chúng ta không để họ có cơ hội tạo nghiệp”. Trong “Tứ Hoằng Thệ Nguyện” nói: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô lượng thệ nguyện đoạn”. Chúng ta chân thật yêu thương chúng sanh thì chúng ta chỉ tạo cho chúng sanh cơ hội để tạo phước.

Tại lớp “Kỹ Năng Sống”, các con được học tập những tấm gương đức hạnh, được làm việc, hiện tại, số lượng các con được tham gia vẫn rất ít, đây là chúng ta “tâm có thừa nhưng sức không đủ”. Có những đứa trẻ, Cha Mẹ không xem trọng việc học tập đạo đức nên ngày Chủ nhật, những đứa trẻ đó vẫn phải đi mò cua, bắt ốc, đi bán vé số. Chúng ta không dễ có cơ duyên độ chúng sanh, nếu chúng ta có cơ hội tiếp cận, cơ hội giúp chúng sanh được học chuẩn mực Thánh Hiền thì chúng ta nên nỗ lực.

Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta để chúng sanh có cơ hội tạo nghiệp thì đó chính là lỗi lầm của chúng ta. Chúng ta phải rất cẩn trọng khi làm việc, không để chúng sanh mất niềm tin đối với Phật”. Phật đến thế gian để tiếp độ, cứu giúp chúng sanh, chúng ta học Phật thì chúng ta phải gánh vác sứ mạng này. Chúng ta để chúng sanh mất niềm tin với Phật thì đến lúc nào họ mới gặp được Phật pháp? Mọi người biết chúng ta là người học Phật, học chuẩn mực Thánh Hiền, nếu chúng ta không cẩn thận chúng ta để mọi người hiểu sai, mọi người bài xích Phật pháp thì chúng ta đã để họ tạo nghiệp. Gần đây, báo chí đã đưa tin nhiều vụ việc mà người học Phật làm sai lời dạy của Phật, những việc này khiến mọi người mất niềm tin đối với Phật pháp.

Hòa Thượng nói: “Nhân đạo mà có luân lý thì mới xem là thiện đạo. Nếu nhân đạo mà đánh mất luân lý đạo lý thì nhân đạo cũng biến thành ác đạo”. Thí dụ, cõi người thì phải có luân thường, đạo lý, mọi người phải tuân theo mối quan hệ “Ngũ luân”, làm đúng vai trò, trách nhiệm của mình. Nếu cõi người không có luân thường đạo lý thì cõi người sẽ biến thành ác đạo, cõi người có luân thường đạo lý thì đó là thiện đạo. Ngày nay, con người dần đánh mất luân thường đạo lý, con không ra con, Cha không ra Cha, trò không ra trò. Ở nơi tôi sống ngày trước, có một gia đình rất giàu, gần đây người con trai đã dùng thủ đoạn để được đứng tên tài sản của Cha Mẹ, sau đó những người Cha Mẹ này đã không còn nơi để ở. Khi còn nhỏ, Cha Mẹ không dạy con thường luân lý đạo đức nên khi con lớn lên, con mới có hành động như vậy. Người đau khổ nhất là người Mẹ, người con mà mình sinh thành, nuôi dưỡng lại đuổi Cha Mẹ ra đường.