Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 10/04/2024.
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 92
Mỗi ngày lên lớp là mỗi ngày chúng ta được gột rửa tập khí của mình thông qua những lời dạy tinh hoa của Hòa Thượng. Nếu không được nhắc nhở, chúng ta sẽ mải trôi lăn trong tập khí xấu ác của mình, đụng tới “Tài Sắc Danh Thực Thùy” thì dính “Tài Sắc Danh Thực Thùy” – thứ đã bám víu chúng ta từ vô lượng kiếp.
Thế nhưng chúng sanh chúng ta nghe lời của Phật dạy lại chẳng khác gì “nước đổ đầu vịt”, nghe rồi lại quên hết. Cho nên ngày ngày chúng ta phải nghe, phải học tập để được tưới tẩm. Nếu không được nhắc nhở thì chúng ta gần như không có tu hành.
Phật dạy rằng chỉ khi chúng ta chứng tứ quả A La Hán thì mới tin vào chính mình. Người chứng sơ quả Tu Đà Hoàn là đã không còn thấy “ta” và cái “của ta” nghĩa là họ không bị nhiễm bởi “danh vọng lợi dưỡng” thế nhưng Phật vẫn khẳng định phải là chứng A La Hán mới đủ tự tin vào bản thân.
Cho nên chúng ta ngày ngày phải kiểm soát tập nghiệp của mình. Hòa Thượng nói một câu mà chúng ta phải nhớ rằng hằng ngày chúng ta làm việc sai trái, bất thiện tuy người ta không tìm đến mình báo thù nhưng nghiệp bất thiện mà mình đã tạo sẽ vẫn chướng ngại việc tu hành của mình, cản trở mình thay đổi làm mới chính mình.
Tại sao vào giờ lên lớp học này, có người ngồi tỉnh táo nhưng có người lại rất mệt mỏi, bị “Thùy” chi phối, tìm cách để đi ngủ? Đó là vì nghiệp chướng. Từ hôm chúng ta tổ chức Đại Lễ Tri Ân Cha Mẹ và Vợ Chồng đến nay, chỉ ba ngày sau khi tổ chức, mọi nề nếp của tôi lại trở về bình thường, luôn luôn thức trước giờ đồng hồ báo thức. Tĩnh dưỡng trước khi chuông reo và đúng giờ thì phải dậy chứ không lăn qua lăn lại. Đây mới là “tinh tấn”. Rất nhiều người phạm phải lỗi thất thường lúc thì dậy 2 giờ, 3 giờ, 3 giờ 30 mà vẫn tưởng mình là “tinh tấn” rồi hôm sau lại 5 giờ, 6 giờ nhưng thực ra là “tinh tướng”.
Đã chục năm nay, có mấy vị bác sỹ cảnh báo với tôi rằng: “Thầy có thể chết bất cứ lúc nào!”. Năm 2014, một bác sỹ nổi tiếng về tim mạch nói rất mạnh mẽ với tôi rằng: “Không uống thuốc là sẽ chết!” Đi khám thì thế nhưng về nhà tôi bỏ luôn không uống, toa thuốc tôi vẫn còn giữ y nguyên. Đến bây giờ tôi vẫn chưa chết, các vị biết vì sao không?
Tôi biết mình sẽ chết nên chẳng uống thuốc, bao nhiêu tiền đều đem đi phóng sanh, bố thí. Bốn năm sau, tôi uống thuốc vì nghĩ rằng cơ thể mình thực sự có bệnh, không phá chỗ này thì sẽ phá chỗ khác. Hơn nữa, tôi nghe Hòa Thượng giảng rằng chúng ta ăn cơm là vì người khác mà ăn (thực), ngủ cũng vì người khác mà ngủ (thùy), cho nên tôi uống thuốc cũng vì người khác mà uống chứ không phải vì mình. Bên cạnh đó là việc duy trì nếp sống đều đặn. Vào những dịp vui nhất, gia đình được đoàn tụ, con cháu về đủ cả, tôi vẫn ngủ đúng giờ để buổi sáng dậy đúng giờ lễ Phật.
Nói đến “danh”, đến “tài’, chúng ta là người đệ tử của Phật đương nhiên không thể chìm đắm trong “danh lợi”, tính toán để lấy tiền người khác. Người Quân tử thế gian còn “Nhân phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thủ” tức là con người không có đạo nghĩa thì không giao kết, vật chất tài sản không thuộc về mình thì không lấy. Sâu xa hơn là tài vật đáng là của mình cũng không muốn lấy chứ làm gì có chuyện đáng mặt đệ tử của Phật, học trò của Thánh Hiền mà còn rắp tâm mưu toan lấy của người.
Trong bài học hôm qua, chúng ta có nhắc đến: “Quân tử không còn qua lại với ai đó, thì nhất định không nhắc tới một lời”. Tôi đã viết đi viết lại câu nói này bằng chữ Hán, càng viết thì càng hiểu sâu hơn lời dạy của Thánh Hiền. Người quân tử còn như vậy huống chi chúng ta đang cần cầu tâm thanh tịnh thì nhất định không dính mắc, không vướng bận.
Đến với Phật là đến với sự thật, đến với nỗ lực hoàn thiện bản thân, cải đổi chính mình. Làm gì có chuyện miệng mình nói tôi đây là người học Phật mà bản thân vẫn còn chìm đắm trong “năm dục sáu trần, tham sân si mạn”. Đấy không phải là tư cách của người học Phật.
Hòa Thượng nói chúng sanh ngày ngày tạo nghiệp rồi thọ báo, chư Phật Bồ Tát biết tường tận nhưng không nói một lời vì cơ duyên chưa chín muồi nên có nói họ cũng không nghe, không hồi đầu lại còn phỉ báng, tạo thêm nghiệp. Thậm chí, họ còn lấy lời dạy của Phật Bồ Tát Thánh Hiền ra để buôn bán.