Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 12/04/2024
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 94
Khi chúng ta làm bất cứ việc gì chúng ta cũng phải cẩn trọng. Chúng ta quán sát xem chúng ta có đang làm việc vì danh lợi hay không? Chúng ta đang làm Phật sự mà chúng ta khởi niệm ảo danh, ảo vọng thì Phật sự cũng trở thành Ma sự. Đại sư Thiện Đạo dạy chúng ta: “Nhất thiết chân thật tâm trung tác”. Chúng ta làm mọi việc bằng tâm chân thành thì chúng ta sẽ được Phật Bồ Tát gia hộ, Long Thiên Thiện Thần gia trì, chúng ta sẽ không có chướng ngại.
Hơn mười năm qua, chúng ta làm mọi việc đều thuận lợi, không có chướng ngại, có những sự kiện chúng ta chưa có sự chấp thuận của các bên liên quan nhưng ngay trước thời gian diễn ra sự kiện thì chúng ta có được sự đồng thuận. Người xưa nói: “Chí thành cảm thông”. Các bậc Tổ Sư Đại Đức không đàm huyền thuyết diệu. Khi Tổ Sư Liên Trì cầu học với Hòa Thượng Biến Dung, Ngài đi ba bước lạy một lạy rất chân thành, mọi người nghĩ Hòa Thượng Biến Dung sẽ nói đại pháp cho Ngài Liên Trì nghe nhưng Hòa Thượng Biến Dung chỉ nói một câu: “Này thanh niên kia, đời này, kiếp này đừng để danh lợi hại chết!”. Đồ chúng cho rằng đó là những lời bình thường, không có cảm nhận sâu sắc nhưng Ngài Liên Trì đã coi đó là kim chỉ nam, để cả đời Ngài hành trì. Người chân thật tu hành sẽ không đàm huyền thuyết diệu mà họ chỉ chân thật làm. Chúng ta ăn năn, hối hận mà chúng ta không thật làm thì chúng ta cũng không có kết quả.
Trong câu chuyện “Du Tịnh Ý gặp Táo Quân”, Táo Quân nói với Ngài Du Tịnh Ý: “Ông bảo người không tùy tiện dùng giấy có chữ nhưng ông lại dùng, khi thấy người khác làm việc thiện thì ông cũng hưởng ứng một chút nhưng chính ông không nỗ lực, thật làm!”. Chúng ta muốn vượt qua chướng ngại từ chính bản thân thì chúng ta phải nỗ lực. Chúng ta nói chúng ta sợ sinh tử, sợ cõi Ta Bà nhưng chúng ta sợ mệt, sợ khổ thì chúng ta không thể có thành tựu. Chúng ta phải nỗ lực thì chúng ta mới thay đổi được tập khí, phiền não. Khi chúng ta còn trẻ, còn sức khỏe mà chúng ta không làm thì khi chúng ta già, chúng ta sẽ không còn cơ hội.
Sáng nay, khi tôi lạy Phật, tập khí trong tôi nói, chân tôi đang rất đau vì vậy tôi chỉ nên lạy ít thôi. Tôi đã lạy Phật nhiều năm nhưng tôi vẫn bị tập khí thương lượng. Tôi tự nói với chính mình, tôi sẽ lạy đủ số lạy còn việc gì xảy ra thì sẽ tính sau. Sau khi tôi lạy đủ số lạy thì chân tôi cũng không còn đau. Cảm giác đau này chính là nghiệp chướng, chúng ta muốn khắc chế, vượt qua nghiệp chướng thì chúng ta phải nỗ lực.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta phát tâm độ chúng sanh, chúng ta yêu thương chúng sanh thì chúng ta nhất định không để chúng sanh có cơ hội tạo nghiệp”. Phật độ chúng sanh bằng cách nói ra cách giúp chúng sanh không tạo nghiệp. Phật giúp chúng sanh cắt nhân của ác đạo, để chúng sanh không đọa vào ba đường ác. Đây là tâm đại từ đại bi của Phật, chỉ có Phật pháp chân chánh mới nói ra điều này. Tà ma ngoại đạo giúp mọi người thỏa mãn “danh vọng lợi dưỡng”, thoả mãn tập khí nên nhiều người ưa thích, chạy theo. Hòa Thượng nói: “Chúng sanh ngày nay thích nghe gạt không thích nghe khuyên”. Chánh pháp khuyên chúng ta bỏ hết tập khí, phiền não, tư dục. Tà pháp “gạt” chúng ta bằng cách nói chúng ta không cần bỏ thậm chí họ giúp chúng ta thỏa mãn tập khí, tư dục.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta nói chúng ta thương yêu chúng sanh nhưng chúng ta vẫn để chúng sanh có cơ hội tạo nghiệp thì đó là lỗi lầm của chúng ta!”. Chúng ta không để chúng sanh vì mình mà tạo nghiệp, còn việc hằng ngày, chúng sanh tùy tiện tạo nghiệp thì Phật Bồ Tát cũng chỉ có thể đứng nhìn.
Hòa Thượng nói: “Có ba cách để một người đạt được thần thông, thứ nhất là tâm họ đạt đến sự thanh tịnh nhất định, thứ hai là họ dùng thuốc, thứ ba là họ bị yêu ma quỷ quái dựa thân, khi yêu ma quỷ quái đi thì thần thông cũng mất”. Hòa Thượng đi đến nhiều nơi, Ngài thấy nhiều người làm những hiện tượng kỳ bí để dụ hoặc chúng sanh. Các bậc A-La-Hán là những người đã chứng một trong bốn quả vị của nhà Phật, các Ngài có thần thông nhưng thần thông không liên quan đến nghiệp lực, chúng ta có thần thông thì chúng ta vẫn phải trả nghiệp lực.