124Thứ Tư, 10/04/2024, 20:51

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 09/04/2024.

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 91

Hòa Thượng lại dạy: “Chư Phật Bồ Tát mắt nhìn thấy chúng sanh tạo nghiệp thọ khổ cũng không hề nói một câu nào. Vì sao các Ngài không nói câu nào vậy? Vì cơ duyên chưa chín muồi. Cho dù có nói ra, họ cũng không phản tỉnh để hồi đầu, trái lại họ còn tạo nghiệp nặng hơn.

Chúng ta phải biết rằng chúng sanh tạo nghiệp rồi thọ báo, thọ báo rồi tạo nghiệp nên không ai có thể can thiệp vào dòng “Nhân Quả” này của chúng sanh. Mười mấy năm trước có hai người làm nghề đồ tể, một người giết heo, một người giết bò đến thăm chúng tôi. Người giết heo trong giấc ngủ thì thấy trong đám heo đã bị giết có hai người thì hoảng kinh hồn vía giật mình thức dậy, liền phát tâm ăn chay. Gia đình này sau đó đi nước ngoài.

Còn người giết bò có hai đứa con, đứa con lớn bị bệnh não nặng và đứa con nhỏ thì nghễnh ngãng. Đây là quả báo giết bò vì để giết được bò người ta dùng phương pháp đập vào đầu bò. Người này hằng ngày giết bò để lấy bộ đồ lòng, sau đó bán được mấy triệu rồi lấy tiền đó mua thuốc cho con. Nhưng đứa con càng lúc bệnh càng nặng khiến anh không chỉ giết một ngày một con mà tăng lên một ngày hai con. Đây chính là tạo nghiệp rồi thọ báo, làm nghề sát sinh để mua thuốc cho con. Trong lúc chúng tôi khuyên anh bỏ nghề sát sinh thì đứa con bên cạnh ộc máu mũi chảy ra hệt như một con bò cũng bị ộc máu sau khi bị đập đầu. Chúng tôi khuyên anh ngưng nghề sát sanh không làm nữa thì bệnh tình của con mới giảm đi. Sau đó chúng tôi không gặp lại anh nên không biết tình hình anh thế nào.

Những ví dụ trên cho thấy, nghiệp đã tạo thì nhất định phải nhận lấy quả báo. Ngài Mục Kiền Liên thần thông bậc nhất mà còn bị ngoại đạo lăn đá đè chết. Tại sao Ngài không dùng thần thông? Đó là cách Ngài thị hiện cho chúng ta thấy rằng thần thông không liên quan gì đến nghiệp lực, thần thông đệ nhất cũng không thể thắng được nghiệp lực. Cho dù thành Phật nhưng hoặc nghiệp vi tế vẫn còn thì vẫn phải gánh lấy. Các Ngài muốn thị hiện cho chúng ta bài học rằng đừng bao giờ tạo nghiệp, đã tạo rồi sẽ vương mang.

Phật từ bi mà Phật chẳng nói là vì khi cơ duyên chưa chín muồi, có khuyên cũng không ai nghe. Bản thân chúng ta được khuyên nhiều rồi vậy có làm không? Tại sao Bồ Tát Địa Tạng đến địa ngục để độ chúng sanh nơi đó. Là vì lúc họ thọ báo đến mức khổ cùng cực rồi mà nếu họ có thể khởi được tâm giác ngộ thì Bồ Tát liền đến giúp. Cho nên chưa đủ duyên thì cho dù có nói ra họ cũng không tiếp nhận.

Tuy nhiên, chúng ta nghĩ chúng ta từ bi hơn Phật, thấy chúng sanh tạo nghiệp là mau mau đi nói. Thấy người ta đang ăn nhậu không chịu niệm Phật thì nói: “Niệm Phật đi nếu không đọa địa ngục đấy!” Nói như vậy đúng là chọc ổ kiến lửa. Người niệm Phật khi khuyên người khác thì phải xét lại bản thân mình đang dụng tâm gì để niệm Phật. Nếu dụng tâm sai thì tuy miệng niệm Phật nhưng chính mình bị đọa còn người được khuyên tuy không niệm Phật nhưng chưa chắc họ đã bị đọa. Quan trọng là trong quá trình tu hành, mình đã dụng tâm nào? Ngày ngày niệm Phật mà tâm vẫn phiền não, vẫn là “tự tư tự lợi, sợ khó sợ khổ” thì niệm không có kết quả. Niệm Phật phải dụng tâm rộng lớn mà niệm.

Có người nói Phật Bồ Tát là vô lượng vô biên mà không thấy Phật Bồ Tát tới giúp khi chúng sanh đau khổ ở khắp nơi phải chịu động đất, sóng thần, dịch bệnh! Chớ nên nghe câu nói này mà dao động tâm, khiến sinh nghi ngờ, đánh mất niềm tin. Phải nhớ rằng khi cơ duyên chưa chín muồi thì có dù khuyên người ta, người ta cũng không nghe. Tuy vậy, Hòa Thượng nói: “Chư Phật Bồ Tát đại từ đại bi đợi chờ chúng sanh hồi đầu”.

Chúng sanh thì luôn trách móc Phật có thần thông sao không thị hiện thần thông cứu giúp các chúng sanh đang đau khổ. Chúng sanh không hiểu rằng nếu làm như vậy thì sự nhiếp phục trở thành phan duyên, cưỡng cầu.

Hòa Thượng từng nói một câu khiến chúng tôi có niềm an ủi: “Trong cõi Ta Bà này, chúng sanh chìm đắm trong sinh tử luân hồi nhưng bạn đừng quên rằng bạn không cô độc đâu. Phật Bồ Tát đang dõi mắt theo bạn, chờ bạn lúc nào giác ngộ, quay đầu thì các Ngài liền sẽ đến để ứng cứu.” Cho nên bao nhiêu sự khổ đau, chướng ngại trong cuộc đời này là nghiệp mà chúng ta đã tạo, đã tạo thì không tránh được. Nhưng Phật Bồ Tát luôn ở bên chúng ta, chỉ cần chúng ta nỗ lực hơn, tinh tấn hơn thì sẽ vượt qua.