162Thứ Tư, 13/03/2024, 13:32
64 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 64

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 13/03/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 64

Nếu cả ngày và đêm chúng ta niệm Phật không gián đoạn thì sẽ không có nghĩ tưởng xằng bậy. Một khi có thể tin sâu, nguyện thiết, hành trì miên mật thì nghiệp chướng sâu nặng đến đâu cũng được tiêu trừ. Nếu không làm được như thế thì công phu không có lực, không đủ sâu thì cũng không thể nếm được pháp vị, pháp hỷ. Thiện căn duy nhất của Bồ Tát Đại Thừa là tinh tấn. Tinh tấn thì mới có thành tựu.

Hòa Thượng nói: “Ban ngày chúng ta niệm Phật không gián đoạn, ban đêm cũng niệm Phật không gián đoạn thì buổi tối làm gì có nghĩ tưởng xằng bậy. Trong tâm nếu như chân thật có Phật thì ban ngày suy nghĩ cái gì thì đêm sẽ mộng cái đó.”

 Nếu buổi tối gặp ác mộng, luôn cảm thấy bất an là bởi vì hằng ngày niệm Phật thì ít mà niệm tập khí phiền não thì nhiều. Nếu như hình ảnh của Phật khắc sâu trong A lại da thức của chúng ta thì khi nhắm mắt lại mình vẫn nhớ được hình ảnh của Phật rõ ràng. Nếu nghĩ đến Phật 50% sau đó tăng dần 60%, 80% còn vọng tưởng ban đầu là 50% rồi giảm dần 40%, 20% thì hình ảnh Phật sẽ dần hiện rõ trong tâm trí chúng ta. Đúng là “Ban ngày suy nghĩ cái gì thì đêm sẽ mộng cái đó.” Niệm Phật phải ngày nhớ đêm mong thì mới gặp Phật.

Hòa Thượng nói: “Niệm Phật không gián đoạn thì vãng sanh mới chân thật nắm được Phật. Cũng chính là nói niệm Phật cầu sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc là sự việc lớn nhất trong tâm mình, không có việc nào lớn hơn việc chúng ta niệm Phật thì việc vãng sanh mới nắm được Phật. Hay nói cách khác, tuy là có tín nguyện (tin sâu nguyện thiết) thế nhưng không chuyên nhất thì công phu cũng không có lực.

Công phu không có lực tức là tuy niệm Phật lâu năm nhưng vẫn không thể khắc chế được vọng tưởng phiền não, vẫn không đối trị được tập khí của chính mình, vẫn bị “tài sắc danh thực thùy” lôi kéo. Tập khí phiền não không quá khó để khắc phục, chỉ cần chúng ta thay đổi dần dần những thứ quá quen thuộc ấy trở thành lạ, không còn quen nữa là được.

Kể từ khi mở zoom lớp học đến nay đã gần 2000 buổi, chưa bao giờ chúng tôi thể hiện một trạng thái ủ dột mà luôn trong tinh thần tốt nhất dù có những lúc thân thể bị bệnh nghiêm trọng. Đó là kết quả trong một thời gian dài nỗ lực thay đổi dần dần các thói quen của mình. Có thể xem đây là một chút công phu. Đối trị được tập khí mới là công phu, dù niệm Phật có nhiều mà vẫn không đối trị được tập khí, vẫn để tập khí sai sử mình thì công phu niệm Phật chưa có lực.

Có lần chúng tôi giảng ở Luân Đôn, Anh, lúc đầu họ không có thiện cảm. Trong lúc nói chuyện, họ cố tình chất vấn nhưng chúng tôi chỉ với một tâm chân thành biết thì nói là biết, không biết thì nói không biết. Tuy nhiên, khi lên pháp tòa, chúng tôi đã trả lời hết tất cả các câu hỏi nên họ đã thay đổi cách nhìn, đặc biệt là khi chúng tôi cúng dường chút tịnh tài để chung tay với họ ở những khu vực đang sửa chữa thì ánh mắt của họ đều sáng bừng.

Qua câu chuyện này, chúng ta thấy rõ ràng con người cứ chìm đắm trong thói quen của mình như “danh vọng lợi dưỡng, tự tư tự lợi”, “tài sắc danh thực thùy”, “tham sân si” hay tham cầu đủ thứ. Nếu chúng ta vẫn để tập khí dẫn đạo mình, vẫn tùy thuận tập khí như từ xưa đến giờ, thì không thể nói mình tu hành bởi chúng ta sẽ chẳng có chút thay đổi gì. Hãy xa lìa, hãy thay đổi, hãy quyết liệt đối trị vói những thứ này thì dần dần tập khí sẽ không dấy khởi. Thầy Thái Lễ Húc từng nói đối với người thì khoan dung ba phần còn đối với tập khí của mình thì phải đuổi cùng diệt tận. Nếu khoan dung với tập khí thì mình đã bị nó xỏ mũi rồi.

Hòa Thượng nói: “Tín nguyện, chuyên nhất (tức là tin sâu nguyện thiết và hành trì miên mật) rồi thì cho dù nghiệp chướng từ vô thủy kiếp có sâu nặng đến đâu đi chăng nữa cũng có thể tiêu trừ.” Nghe lời dạy của Hòa Thượng, chúng ta tự quán chiếu xem mình thật sự đã tin chưa? Kể từ ngày phiên dịch các bài pháp của Hòa Thượng, được Ngài chỉ bảo, chúng tôi hoàn toàn tin và làm theo với một lòng chân thành. Nhờ đó, cho dù bôn ba khắp mọi nơi, việc lớn việc nhỏ cứ nghĩ đến thì đều thành công bởi tất cả những việc đó đều làm lợi ích cho chúng sanh.

Có một lần chúng tôi ghi hình buổi chia sẻ nhưng do lỗi kỹ thuật nên không ghi tiếng, tuy nhiên, tại đạo tràng chúng tôi chia sẻ, người trưởng đạo tràng với tâm dò xét, nghi hoặc nên đặt máy ghi âm buổi giảng hôm đó. Kết quả là toàn bộ âm thanh chúng tôi xin lại từ người trưởng đạo tràng đó. Quả thật đây là một chuyện hy hữu.

Khi làm việc chúng sanh thì đặt tâm mình vào chúng sanh còn đối với tiện nghi bản thân thì chúng tôi giảm ở mức thấp nhất. Các chuyến bôn ba của mình, không bao giờ chúng tôi để lãng phí thời gian cũng như không tìm một nơi nghỉ ngơi thuận tiện. Chúng tôi luôn dành thời gian để chia sẻ, đưa ra lời sách tấn, tặng quà và thăm hỏi mọi người. Khi đi nước ngoài chúng tôi có bốn điều kiện: Không tổ chức tiệc tùng, không tổ chức đi chơi, không nghỉ ở khách sạn và không nhận bất cứ thù lao.

Hòa Thượng nói: “Phàm thấy bất cứ việc gì đều phải có cách làm cần mẫn, phấn chấn, đầy nỗ lực thì mới thành tựu”. Hằng ngày chúng ta làm việc nếu thất bại hay tinh thần mệt mỏi là do chúng ta không cần mẫn, phấn chấn, nỗ lực. Thân thể có thể mệt mỏi rã rời chỉ cần giấc ngủ là hết còn tinh thần mệt mỏi thì không cách gì nghỉ ngơi mà khỏe lại. Không chỉ cần mẫn, phấn chấn, nỗ lực, Hòa Thượng cũng nhắc nhở chúng ta khi làm bất cứ việc gì cũng phải dũng mãnh tinh tấn một cách đặc biệt thì mới có thể thay đổi được tập khí phiền não.

Có huynh đệ đã kể cho chúng tôi nghe về cách cậu ấy khắc chế cơn buồn ngủ thành công là cứ hễ buồn ngủ là lấy một nhánh cây đánh vào đùi. Có lần cậu ấy đi với chúng tôi mệt đến mức chân đã run đứng không vững nhưng nhất định không bỏ cuộc. Nỗ lực đến đỉnh điểm thì khi qua chặng đó rồi, mọi việc lại bình thường. Đây chính là dũng mãnh một cách đặc biệt. Còn mình cũng nói dũng mãnh đặc biệt mà vẫn bị tập khí lôi kéo, lăn lông lốc như con gấu bông bị buộc dây vào cổ kéo đi. Chúng ta tu hành nhiều đời, nhiều kiếp mới được như đời này, nhưng đời này không chốt hạ thành công thì phiền phức.

Hòa Thượng tiếp lời: “Chúng ta tu hành mà không nếm được pháp vị, không nếm được pháp hỷ, niềm vui trong nội tâm là bởi vì công phu chưa đủ sâu.” Mỗi ngày chúng ta lạy Phật vẫn thấy mệt mỏi, đủ số thì có đủ số nhưng mệt mỏi vẫn mệt mỏi. Có pháp hỷ, có pháp vị thì không mệt mỏi.

Lúc trước có vị Thầy cư sĩ tuy lớn tuổi nhưng rất khiêm tốn, Thầy lạy Phật một ngày tám tiếng mà cảm giác chỉ mới lạy 10 phút. Chúng tôi nghe Thầy nói mà cảm thấy hổ thẹn, đúng là Thầy đã nhập vào lạy Phật tam muội. Thầy vốn bị ung thư dạ dày với khối u to đến nỗi Bác sỹ từ chối không mổ vì mổ ra là chết. Thầy quyết chí một ngày lạy Phật 8 giờ thế mà từ đó đến nay, 20-30 năm rồi, Thầy vẫn sống. Thầy đã đạt được công phu, có pháp vị nên lạy 8 tiếng không mệt mỏi. Tu hành mà không nếm được pháp vị, pháp hỷ là do công phu chưa sâu cho nên phải làm nhiều hơn nữa.

Hòa Thượng nói: “Trên Kinh Phật nói, thiện căn duy nhất của Bồ Tát Đại Thừa chỉ có một, đó là tinh tấn. Tinh tấn thì mới có thành tựu, thái độ buông lung chểnh mảng thì không có việc gì có được thành tựu.

Chúng ta càng tinh tấn thì càng có nhiều trải nghiệm. Có trải nghiệm rồi thì tâm mình càng phấn chấn, càng nỗ lực hơn. Mỗi chúng ta đều đã tiến bộ hơn rất nhiều so với trước đây nhưng chưa đủ. Tinh tấn suốt cuộc đời này vẫn chưa đủ thì đời sau vẫn tiếp tục tinh tấn đến “bao giờ bằng Phật mới vừa lòng con”.

Thiện căn của Bồ Tát là tinh tấn tức là chuyên cần, phấn chấn nỗ lực. Còn chúng ta, tập khí sâu nặng nhất là buông lung, chểnh mảng. Làm việc với thái độ buông lung, chểnh mảng thì không thể tinh tường được mọi sự mọi việc dẫn đến sai sót, không việc gì thành tựu. Nhiều người gặp nhau, chào nhau là Bồ Tát, đúng là nghe để khích lệ nhau vậy, tuy nhiên, phải xét xem người ta gọi mình như thế có phải là hữu danh vô thực không? Phải kiểm điểm khởi tâm động niệm của mình có giống Bồ Tát không? Còn nhận mình là Bồ Tát hay cứ ngỡ mình giống Bồ Tát thì sai rồi.

Bài học hôm trước Hòa Thượng nói rất nhiều chuyện vụn vặt ở thế gian này chướng ngại chúng ta thoát khỏi tam giới, vãng sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc. Đó là những việc khó buông xả nhưng phải buông xả cho được. Nếu không buông xả được thì đời này cũng giống như nhiều đời nhiều kiếp trước đến nay chúng ta vẫn còn ở thế gian này mà chịu khổ nạn. Chúng ta đã để những chuyện vụn vặt, là chuyện hằng ngày đối nhân xử thế tiếp vật, thù tạc qua lại cản trở việc lớn lao. Việc lớn lao chính là làm sao giữ cho tâm mình được thanh tịnh.

Hằng ngày chúng ta học hay làm việc Phật sự, Hòa Thượng nói trong tâm phải có Phật, chúng ta học hay làm việc Thánh Hiền thì trong tâm phải có Thánh Hiền cũng như hiếu thảo với Cha Mẹ thì trong tâm phải có Cha Mẹ. Chúng ta làm việc gì phải đặt tâm mình vào đó huống hồ là niệm Phật mà tâm không có Phật lại toàn là những thứ bao chao dao động không cần thiết.

Cách đây gần 10 năm, trong buổi chia sẻ ở Nha Trang, chúng tôi có nhắc đến lời Hòa Thượng giảng về Phật tâm. Ngài nói Phật hiệu gián đoạn không hề gì nhưng Phật tâm không được gián đoạn. Chúng ta hằng ngày tưởng mình làm Phật sự nhưng trong tâm không có Phật nên đều là Ma sự. Cho nên Phật tâm không gián đoạn mới là quan trọng. Hằng ngày mình cố ép niệm Phật nhưng trong tâm vẫn là “danh vọng lợi dưỡng, tự tư tự lợi, năm dục sáu trần”.

Hòa Thượng nói chúng ta niệm “A Di Đà Phật” thì phải đem tâm mình biến thành “A Di Đà Phật” thì mới thành tựu. Chúng ta học Thánh Hiền thì chúng ta chuyển đổi tâm mình phải giống Thánh Hiền, làm việc và khởi tâm giống Thánh Hiền, phải là một người hiền nhân quân tử chứ không phải hành động tạo tác, khởi tâm động niệm là một kẻ tiểu nhân.

Cũng vậy, chúng ta làm việc lợi ích chúng sanh thì trong tâm có chúng sanh, thấy được chúng sanh đau khổ và nhu cầu của họ thì chúng sanh mới chân thật được lợi ích. Hằng ngày chúng ta tưởng mình đang phục vụ chúng sanh nhưng lại là đang làm việc cho chính mình vì tâm mình chỉ hướng đến ảo danh ảo vọng, “danh vọng lợi dưỡng” “tự tư tự lợi” cho mình. Đó là lý do vì sao nhiều người suốt ngày làm việc cho chúng sanh nhưng phiền não vây khốn từ sáng đến chiều. Đã từ lâu, mọi việc tôi đều tự mình làm, không làm phiền ai, nếu có nhắn tin, gọi điện thì thường là nhắc mọi người làm các công việc giúp chúng sanh chứ không phải làm cho cá nhân tôi.

Đại Lễ Tri Ân Cha Mẹ và Vợ Chồng sắp tới được chúng ta tổ chức rất hoành tráng là vì chúng ta nghĩ đến các Cha Mẹ, các cặp vợ chồng, nghĩ đến chúng sanh. Một sự kiện đặc biệt được tổ chức ở một hội trường quá long trọng sẽ góp phần thu hút các Cha Mẹ, các cặp vợ chồng muốn đến. Người xưa từng dạy làm bất cứ việc gì thì dụng tâm mà làm, tất cả đều “vì người mà lo nghĩ” thì nhất định không có việc gì không thành tựu. Kể cả việc nhỏ như trồng rau thì chỉ cần dụng tâm tỉ mỉ, nghiên cứu học tập thì sau một hai lần thất bại sẽ có thành công./.

  *****************************

Nam Mô A Di Đà Phật

Chúng con xin tùy hỷ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!

Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy có thể còn sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!