Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 12/03/2024
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 63
Hòa Thượng nói: “Tất cả những sự rắc rối ở thế gian này đều chướng ngại chúng ta thoát khỏi tam giới, chướng ngại việc chúng ta vãng sanh.
“Chúng ta không thể buông xuống được thì cũng phải buông xuống. Thế nhưng phải biết rằng việc buông xuống không chỉ ở trên sự tướng mà phải buông xuống ở trên tâm. Trên tâm không hề có vướng mắc.
“Tất cả thiện ác, phải quấy, Phật pháp và chẳng phải Phật pháp của thế gian này đều từ nơi trong tâm mà chân thật buông xuống được. Chuyên tâm hướng về một bộ Kinh, chuyên tâm một câu A Di Đà Phật. Đời này nhất định sẽ thành tựu viên mãn.”
Hòa Thượng đã đưa ra tiêu chuẩn để người niệm Phật đạt được thành tựu. Hoàn toàn đều từ nơi chúng ta. Chúng ta phải tập để xả bỏ từ những việc nhỏ nhất. Hãy tập quên! Vậy làm thế nào để quên? Không thể ngồi đó để quên, càng ngồi thì càng nhớ. Khi ngồi niệm Phật thì nhớ hết mọi việc cần nhớ, thậm chí còn tua đi tua lại và chiếu phim 3D với âm thanh hình ảnh sắc nét. Đây là tâm cảnh cá nhân tôi.
Vì hiểu tâm cảnh của mình nên tôi dùng thời gian hiện có tận lực làm tất cả các việc lợi ích chúng sanh thì lập tức quên hết vọng tưởng chấp trước của mình. Bận rộn cả ngày như Ngài Lý Mộc Nguyên đến ăn ngủ còn không đủ thời gian nên vọng tưởng không có chỗ xen vào, buổi tối ngủ cũng không đủ nên không mộng mị, ngủ nhiều quá nên mới mộng.
Chúng ta là người hiểu tâm cảnh của mình nhất nên hãy chọn cách phù hợp nhất với mình để đối trị khởi tâm động niệm, vọng tưởng, chấp trước của mình. Chúng ta xem nhẹ từng việc thì tự nhiên mọi việc cũng nhẹ dần.
Nhờ nghe lời và thực hành theo lời Hòa Thượng dạy: “không buông xả được cũng phải buông xả” nên chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày Đại Lễ Tri Ân Cha Mẹ nhưng tôi không hề lo lắng, thậm chí còn tự tại chuẩn bị gói bánh để đãi mọi người và tiếp các đoàn. Tôi chẳng hề hỏi đến hội trường thế nào, diễn kịch ra sao và cũng không để ý đến sự hoành tráng của đại lễ. Chúng tôi tin tưởng mọi người làm rất tốt, thứ nữa là bận tâm chính là dính mắc. Ngay hiện tại, quá nhiều vọng tưởng kéo theo chấp trước, quá nhiều chấp trước kéo theo phiền não cứ thế dấy khởi, mà nghịch cảnh thì nhiều, thuận cảnh thì ít luôn làm chúng ta không an vui, không tự tại. Buông xả được là một công phu cao cấp chứ không phải công phu bình thường.
Hôm trước chúng tôi được mời đến một lều tranh là xưởng của những người thợ vừa niệm Phật, vừa làm tượng Phật A Di Đà. Các chú chuẩn bị bút lông, nghiên mực cho tôi viết chữ Hán. Tôi nói tôi chỉ cầm phấn viết chứ chưa cầm bút lông viết bao giờ nhưng quả thật “Nhất niệm bất sanh tất vị thành” – Không có một ý niệm thì tự nhiên mọi việc sẽ thành công. Khi tôi cầm bút lông tôi không nghĩ là bút lông mà cứ như cầm viên phấn. Thế là tôi cứ thế mà viết hơn cả trăm chữ không chỉ trên giấy mà còn trên đá, trên gỗ như: “Nhất thiết pháp đắc thành ư nhẫn”, “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”, “Nam Mô A Di Đà Phật” v..v..
Nếu mình nghĩ là mình làm không được thì sẽ làm không được. Nếu mình chỉ làm theo sự tha thiết mong cầu của người ta, trong tâm không vì “danh vọng lợi dưỡng, tự tư tự lợi, được mất, thành bại, hơn thua, tốt xấu…” mà chỉ làm với tâm chân thành thanh tịnh từ bi thì tất cả mọi sự mọi việc đều thành công tốt đẹp. Giống như đi làm cỏ, cỏ nhiều đến mấy mình cũng không ngại, không khởi ý, mà cứ lầm lũi làm. Đến lúc thành công sẽ ngạc nhiên rằng mình đã làm xong. Lần viết này khiến tôi cảm thấy ngộ ngộ, có sự thể hội đặc biệt.
Chúng tôi không khoe khoang mà muốn nói đến sự thể hội của mình ở câu “Nhất niệm bất sanh tất vị thành” có nghĩa là nếu dùng tâm chân thành, thanh tịnh, từ bi để làm mọi sự mọi việc thì đó là Phật sự, thì nhất định thành công, không chướng ngại. Ngược lại, khởi một ý niệm phân biệt, chấp trước như lời lỗ, tốt xấu, được mất, hơn thua là sai rồi. Đó không phải là Phật sự mà là Ma sự. Ma sự thì nhất định có chướng ngại. Nói tới đây, tôi nhớ đến những ngày đầu lên khu đào tạo Sơn Tây, dây leo mọc từ dưới đất chùm lên cây vải, cỏ hoang mọc đầy nhưng chúng tôi cứ cặm cụi phát quang cho đội thợ xây vào làm. Những người từng làm nơi đó đều cảm nhận không gì là chướng ngại, khó khăn mà còn thấy năng lực của con người là vô hạn. Cho nên đúng là: “Nhất niệm bất sanh tất vị thành”.