Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 13/02/2024
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 35
Bài học hôm trước Hòa Thượng dạy chúng ta, người cùng chung một đạo tràng thì phải cùng chung một phương pháp, một cách thức. Một người tụng “Kinh Vô Lượng Thọ” và một người tụng “Kinh Quán Vô Lượng Thọ” hay một người niệm Phật bốn chữ và một người niệm Phật sáu chữ cũng không thể ở chung vì nếu ở chung họ sẽ bị động tâm. Hòa Thượng nói: “Thà làm động nước ngàn sông còn hơn làm động tâm người tu hành”. Người trong một đoàn thể phải như nhất trên dưới một lòng. Hòa Thượng dạy chúng ta không được khô cứng trong một hình thái, hình thái có thể thay đổi nhưng tâm không được thay đổi, tâm chúng ta phải chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Người thế gian cũng nói: “Chiếc áo không làm nên con người”.
Khi chúng ta xem phim “Tây Du Ký”, một lần nhân vật Tôn Ngộ Không lấy áo của nhà vua mặc nhưng động tác của Tôn Ngộ Không vẫn giống như một chú khỉ. Chúng ta thường bó chặt trong hình thức mà chúng ta cho rằng đúng. Có những người học Phật để đầu tóc bù xù, áo quần xộc xệch, họ khiến mọi người cho rằng những người tu hành đều rất khổ.
Bài học hôm qua Hoà Thượng nói, Phật pháp có thể tiếp cận chúng sanh trên rất nhiều phương diện. Ngày xưa, Thích Ca Mâu Ni Phật ở dưới gốc cây ngủ một đêm nhưng ngày nay, cơ địa của chúng ta thì không thể làm được điều này, ngày nay, nếu chúng ta di chuyển đến nhiều nơi khác nhau thì chúng ta sẽ gây ảnh hưởng đến an ninh của các địa phương. Chúng ta phải dùng phương thức phù hợp với sở trường của mình để cống hiến.
Phật từ bi nói ra rất nhiều pháp môn để phù hợp với căn tánh khác nhau của chúng sanh. Trong một rừng hoa có muôn loài hoa khoe sắc, có người thích hoa hồng, có người thích hoa hướng dương hay hoa cẩm chướng. Phật pháp giống như biển pháp, nước biển ở nơi nào cũng có vị mặn, người nào chân thật tu học đều có thể đạt đến giải thoát. Hòa Thượng nói, mục tiêu sau cùng của người học Phật pháp là đồng thành Phật đạo.
Trong “Kinh Vô Lượng Thọ” dạy chúng ta, trong ba nghiệp, nghiệp dễ phạm nhất là khẩu nghiệp. Trên Kinh dạy chúng ta trước tiên phải: “Khéo giữ khẩu nghiệp không nói lỗi người”. Trước đây, có một người rất nổi tiếng, người đó nói rằng Hòa Thượng Tịnh Không chỉ có pháp giải không có pháp hành. Khi tôi nghe những lời này tôi rất bất ngờ, tôi nói với họ rằng họ phải nhanh dập đầu mà sám hối. Trước đây, vị đó đã mua đất để dự định xây dựng nhiều công trình nhưng vừa rồi vị đó đã bị trục xuất, mất đi danh tiếng, địa vị. Đây là do vị đó đã phạm phải khẩu nghiệp quá nặng, lời nói của họ khiến nhiều người cũng bài bác Hòa Thượng.
Tôi học 1200 chuyên đề là vì tôi muốn nhắc lại lời của Hòa Thượng, tôi mong muốn lời của Ngài sẽ lưu truyền ở thế gian. Tôi học “Tịnh Không Pháp Ngữ” vì tôi muốn nếu có người nào may mắn, có duyên thì họ sẽ gặp được tên của Hòa Thượng trên không gian mạng. Tôi may mắn gặp được pháp của Hòa Thượng khi tôi dạy chữ Hán ở Vũng Tàu, tôi nhìn thấy Sư bà có một thùng đĩa của Hòa Thượng, ban đầu tôi nghe đĩa của Hòa Thượng để luyện nghe chữ Hán âm Bắc Kinh, tôi càng nghe thì càng thấy những lời của Ngài vô cùng sâu sắc. Lỗi chúng ta hay gặp nhất là khẩu nghiệp, chúng ta chê bai những người tu hành nghiêm túc thì chúng ta đã mắc tội rất nặng. Người mà đã chê bai Hòa Thượng, trước đây họ có hàng triệu người kính ngưỡng nên họ sinh tâm cống cao ngã mạn, hình ảnh của họ có ở khắp nơi, bây giờ họ đi đâu cũng bị mọi người soi mói, mắng nhiếc.
Khi tôi mới về đây, có hai người học trò nói là họ sẽ trả tiền để tôi mua đất nhưng sau đó, tôi bảo một người học trò là gửi lại tiền cho hai người đó vì họ đã không niệm Phật, không nghe pháp của Hòa Thượng. Khi học trò của tôi mang tiền đến trả hai người đó vui như Tết, tôi nói, nếu chúng ta không trả lại tiền thì chúng ta sẽ mắc nợ họ. Đối với Phật pháp, đối với người chân chính tu hành như Hòa Thượng, nếu chúng ta không cẩn trọng, chúng ta có ý niệm phỉ báng thì chúng ta sẽ bị tổn âm đức.
Tuy chúng ta tu hành không đồng pháp môn, chúng ta có mục tiêu, phương hướng khác nhau nhưng chúng ta phải tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau để cùng làm lợi ích chúng sanh. Ngày trước, khi Hòa Thượng nhìn thấy các Ma-sơ đi đến Châu Phi cứu giúp người, Ngài đã tặng họ tiền để mua xe cứu thương, thuốc men. Có người nói Hòa Thượng đã đem tiền của nhà Phật đi giúp ngoại đạo, đây là do họ có tâm phân biệt, ích kỷ. Hòa Thượng nói, chúng ta không đến được châu Phi cứu giúp những người khốn khó thì chúng ta trợ lực cho những người có thể đi đến đó. Chúng ta phải mở rộng tâm, đối tượng của chúng ta là chúng sanh tận hư không khắp pháp giới, chúng ta nên hỗ trợ những tôn giáo chính thống, được quốc gia công nhận.