152Thứ Ba, 13/02/2024, 08:29
34 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 34

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 12/02/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 34

Chúng ta đã học xong hơn 40 trang cuốn “Tịnh Không Pháp Ngữ”, hằng ngày, khi chúng ta cùng học tập, những lời khai thị của Hòa Thượng đã giúp chúng ta nhìn thấy lỗi lầm của chính mình. Bài hôm qua, Hòa Thượng dạy chúng ta phải toàn tâm toàn lực gánh vác sứ mạng truyền thừa Phật pháp, văn hóa truyền thống. Những năm qua, khi chúng ta tích cực làm theo lời Hòa Thượng, chúng ta cũng đã dần cảm nhận được việc hài hòa các mối quan hệ trong đời sống là vô cùng quan trọng. Hòa Thượng từng nói, nếu chúng ta không mau thúc đẩy giáo dục Thánh Hiền, một vài năm nữa chúng ta nói thì người khác cũng không nghe. Hòa Thượng đã nói lời này cách đây gần 50 năm, nếu bây giờ chúng ta mới bắt đầu làm thì chúng ta sẽ gặp vô cùng nhiều khó khăn.

Hòa Thượng nói: “Thời kỳ Mạt pháp, Tà sư nói pháp nhiều như cát sông Hằng”. Chánh pháp dạy mọi người toàn tâm toàn lực vì chúng sanh phục vụ. Cả cuộc đời Hòa Thượng là tam bất quản, Ngài không quản tiền, không quản việc, không quản người nhưng Ngài vẫn có thể làm được rất nhiều việc lợi ích chúng sanh. Trong nhà lưu niệm của Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam ở Đài Trung còn lưu giữ những chiếc áo, tất được vá đi vá lại nhiều lần của Ngài. Lão cư sĩ có khoảng 300.000 học trò, tất cả đồ mà Ngài được học trò tặng Ngài đều tặng lại cho mọi người, Lão cư sĩ học theo Thầy của mình là Tổ Sư Ấn Quang, cả cuộc đời của Ngài cũng là tam bất quản. Thủa xưa, Thích Ca Mâu Ni Phật cùng 1200 học trò của mình, hằng ngày, dưới gốc cây ngủ một đêm, nửa ngày ăn một bữa, trên người chỉ ba y một bát, Phật và các đời Tổ Sư Đại Đức đã làm ra biểu pháp cho chúng ta. Nhiều người cho rằng nếu không kêu gọi mọi người ủng hộ thì mọi người sẽ không thể biết, sẽ không có tiền để làm mọi việc. Hòa Thượng từng nói, chúng ta chỉ cần dùng tâm chân thành thì Phật Bồ Tát sẽ gia trì, Long Thiên Thiện Thần sẽ đến hỗ trợ chúng ta. Dịp gần Tết, ở Đà Lạt, ngày nào tôi cũng tự làm quà tặng mọi người. Chúng ta không ngồi chờ người khác tặng quà cho mình mà chúng ta nên là người chủ động tặng quà. Hòa Thượng nói: “Chúng ta toàn tâm toàn lực vì chúng sanh lo nghĩ thì Phật Bồ Tát, Long Thiên Thiện Thần sẽ vì chúng ta mà lo nghĩ”.

Hòa Thượng nói: “Người cùng ở chung trong một đạo tràng, cùng chung một hệ thống thì tuyệt đối chỉ nên chuyên trì một bộ Kinh điển, tu học một pháp môn. Những đồng tu chí đồng đạo hợp, nương chúng, dựa vào chúng, hỗ trợ, nhắc nhở lẫn nhau thì mới có thể thành tựu”. Trong một đạo tràng tu trì Tịnh Độ, nếu người thì tụng “Kinh Vô Lượng Thọ”, người thì tụng “Kinh Quán Vô Lượng Thọ”, đây đều là những bộ Kinh trong Tịnh Độ ngũ Kinh thì những người này cũng không được ở chung vì họ sẽ làm người khác phân tâm.

Hòa Thượng nói: “Những người niệm Phật có thanh âm khác nhau, những người không chí đồng đạo hợp thì không thể ở chung với nhau. Đây là cách làm tuyệt đối chính xác. Người xưa nói: “Thà làm động nước trăm sông hơn làm động tâm người tu hành”. Đây là cách chúng ta hộ trì Phật pháp”. Thí dụ, người niệm “A Di Đà Phật” một cách chậm rãi và người thích niệm thành ca, thành kệ cũng không được ở chung. Những người có cách thức tu hành bất đồng thì phải ở những đạo tràng riêng.

Trước đây, có nhiều vị tu hành nổi danh trên thế giới đến Đài Trung thăm Ngài Lý Bỉnh Nam, Ngài Lý Bỉnh Nam ra sân bay đón và cúng dường các vị này nhưng không mời họ khai thị. Học trò của Ngài Lý Bỉnh Nam hỏi Ngài, vì sao Ngài không mời những vị đạo cao, đức trọng đó khai thị. Ngài Lý Bỉnh Nam nói: “Tôi làm như vậy là để hộ pháp cho các vị, giúp tâm của các vị bình lặng. Nếu vị đó tu Mật Tông, vị đó nói tu Mật Tông tốt, các vị niệm Phật và trì chú thì chánh tu là niệm Phật, trợ tu là trì chú. Nếu các vị tin theo lời của họ thì các vị sẽ mất đi sự chuyên nhất”.

Ngày trước, ở chùa Tiên Châu, tỉnh Vĩnh Long tôi giảng đề tài là “Chánh tu và trợ tu”, trong khi giảng tôi có trích dẫn lời Hòa Thượng nói: “Chánh tu là một câu “A Di Đà Phật”, trợ tu cũng là một câu “A Di Đà Phật”. Chúng ta phải chuyển một câu “A Di Đà Phật” thành một chủng tử trong tâm chúng ta, nếu tâm chúng ta sanh khởi vọng niệm thì sẽ sanh khởi câu “A Di Đà Phật”. Điều này không dễ làm, bản thân tôi cũng chưa làm được.