103Thứ Năm, 15/02/2024, 06:53
36 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 36

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 14/02/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 36

Từng lời của Hòa Thượng đều chỉ thẳng vào tập khí, phiền não của chúng ta. Hòa Thượng nói: “Chúng ta gánh vác trọng trách giáo hóa một phương mà chúng ta không tận tâm, tận lực thì đó là lỗi lầm của chúng ta”.Giáo hóa một phương” là chúng ta thực hiện vai trò của chúng ta trong một gia đình, trong một đoàn thể. Tổ Ấn Quang đã nhắc chúng ta: “Đốn luân tận phận”. Chúng ta dốc hết trách nhiệm trong vai trò trách nhiệm của mình chính là chúng ta “giáo hóa một phương”. Ở trong gia đình, chúng ta làm tốt vai trò của một người trong gia đình; trong lớp học, chúng ta làm tốt vai trò của một cô giáo đây là chúng ta “giáo hóa một phương”. Nếu chúng ta không làm tốt vai trò thì chúng ta đã có lỗi lầm. Nếu chúng ta lơ là dẫn đến có sai sót nghiêm trọng thì chúng ta đã tạo tội.

Việc chúng ta mở các trường mầm non chính là chúng ta đang thực hiện việc giáo hóa một phương, nếu chúng ta không tận bổn phận chúng ta để xảy ra sơ xuất thì đó là chúng ta đã có lỗi. Nhà Phật nói: “Y Kinh giảng nghĩa tam thế Phật oan, ly Kinh nhất tự cũng đồng Ma thuyết”. Nếu chúng ta chỉ căn cứ vào từng câu chữ thì chúng ta không thể hiểu được hàm ý mà Phật muốn dạy chúng ta. Chúng ta được giao một lớp học thì chúng ta phải dạy lớp học đó tốt, đây là chúng ta đã gánh vác tốt trách nhiệm. Chúng ta gánh vác được vai trò nhỏ thì chúng ta mới có thể gánh vác được những vai trò lớn hơn. Trong một gia đình, chúng ta là chồng, là vợ hay là con thì chúng ta phải làm tốt vai trò của mình. Đây là chúng ta làm trách nhiệm giáo hóa một phương. Chúng ta là người học Phật, học chuẩn mực Thánh Hiền chúng ta phải có sứ mạng làm ra biểu pháp, truyền thừa, hoằng dương Phật pháp, chuẩn mực Thánh Hiền.

Nếu những người học Phật đều có thể làm tốt vai trò của mình thì Phật Bồ Tát sẽ không cần phải đến thế gian. Nếu trong đời sống, chúng ta có thể làm ra được biểu pháp, chúng ta gần gũi, thân cận, có sự tín nhiệm với mọi người thì mọi người sẽ dễ dàng tiếp nhận lời khuyên của chúng ta. Nếu một người ở phương xa đến một địa phương, người đó không đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán mà muốn cảm hóa mọi người thì người đó phải thật sự có đức hạnh hoặc người đó phải dùng thần thông, ma thuật, chiêu trò.

Một lần, khi tôi ngồi nghe một vị giảng, vị đó chỉ nói về cảm ứng, thần thông, không chỉ ra tập khí, phiền não xấu ác của mọi người, không dạy người khác cách tích phước, tu phước để có được sự giàu sang. Chúng ta làm mọi việc một cách mơ hồ thì chúng ta đã bị nghiệp lực dẫn dắt. Chúng ta làm bằng nguyện vọng, nguyện lực thì đó không phải là chúng ta bị nghiệp dẫn. Có người cho rằng, người đi giảng, người làm giáo viên cũng là do nghiệp. Điều này không sai nhưng họ chưa hiểu được một cách sâu sắc. Người ngày ngày nấu bánh để mang bán thì đó là họ làm theo nghiệp; Chúng ta phát tâm gói bánh để tặng mọi người thì đó không phải là chúng ta làm theo nghiệp mà đó là chúng ta có nguyện lực.

Chúng ta học Phật, hoằng dương, phát dương quang đại Phật pháp thì đó là chúng ta có nguyện lực. Chúng ta học Phật mà chúng ta ỷ lại nương nhờ, chúng ta chờ được bảo hộ, bình an thì đó là chúng ta làm theo nghiệp lực. Chúng ta phải siêng năng, nỗ lực học tập, cải đổi tập khí, phiền não, giúp ích chúng sanh.

Khi tôi mới ngồi vào học, tôi bị sổ mũi rất nặng, nếu tôi chuyên tâm vào bài học thì tôi sẽ dần chuyển nghiệp, sau khi học xong, tôi sẽ không còn bị sổ mũi nữa, tôi sẽ ra ngoài vườn làm việc như bình thường. Khi chúng ta trồng rau, nhiều người cho rằng đó là do chúng ta có nghiệp phải trồng rau, người nào trồng rau để kiếm tiền thì đó là họ làm theo nghiệp, chúng ta phát tâm trồng rau sạch tặng mọi người, để mọi người có sức khỏe tốt hơn thì đó không phải là dẫn nghiệp mà là nguyện lực.

Hòa Thượng nói: “Khi chúng ta làm tốt việc được giao thì đó là chúng ta làm tròn bổn phận, vai trò của mình. Nếu chúng ta đã được giao gánh vác việc mà chúng ta không tận tâm, tận lực thì đó là chúng ta đã có lỗi. Người đứng ra gánh vác làm lợi ích cho chúng sanh một phương, một khu vực đa phần là Phật Bồ Tát”. Người khác tin tưởng, kỳ vọng ở chúng ta thì chúng ta phải có bổn phận làm tốt. Nếu chúng ta không tận tâm, tận lực thì chúng ta đã tạo tội.