53Thứ Hai, 19/08/2024, 22:19
221 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 221

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 19/08/2024.

-----------------------------------------------------------------

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 221

Có người hỏi Hòa Thượng là: “Nhiều năm con tu hành mà những tập khí phiền não tưởng chừng đã trừ bỏ được rồi, thế nhưng hình bóng dáng vẻ của nó vẫn còn xuất hiện, vậy thì, con có nên tiếp tục đối trị với nó, tiếp tục cải đổi hay không?” Nếu dáng vẻ và hình bóng vẫn còn có nghĩa là tập khí còn y nguyên, người đặt câu hỏi này mới khắc phục được một vài phần trăm tập khí, khi có môi trường thì tập khí của họ vẫn phát khởi.

Ví dụ chúng ta nói chúng ta không thích tiền nhưng một khi có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều tiền thì lúc đó mới xem xem tập khí của mình có còn không. “Tài Sắc Danh Thực Thùy” cũng đều như vậy, hằng ngày chúng ta cảm thấy mình tan nhạt với chúng, tuy nhiên, khi có cơ hội tiếp xúc và cảm nhận chúng thuộc về mình, lúc ấy mới xét xem mình có động tâm không.

Cũng như chúng ta đang ở trong một chúng tu hành, đang trên zoom lớp học nên chúng ta không ai nói và nghĩ đến “Tài Sắc Danh Thực Thùy” nhưng khi kết thúc lớp học, chúng ta tiếp xúc với bên ngoài, nơi người ta thường nói đến danh lợi thì chúng ta mới xem xem danh lợi của mình có trỗi dậy không.

Cho nên chúng ta đừng nhầm lẫn rằng tập khí phiền não của mình không còn và không cần phải đối trị. Suy nghĩ này có lẽ sẽ khiến chúng ta tùy tiện tiếp xúc với “Tài Sắc Danh Thực Thùy”. Phàm phu chúng ta chỉ cần tiếp xúc là sẽ bị nhiễm ngay bởi ngay đến người tu hành đạt được sơ quả tiểu thừa, không có “ta” và không còn “cái của ta”, mà vẫn còn chưa làm chủ được chính mình. Cho nên, Phật mới khẳng định rằng: “Bao giờ các ông là A La Hán các ông mới tin vào chính mình.” Bốn quả Thánh của hàng Thanh Văn thừa gồm Sơ quả Tu-đà-hoàn, Nhị quả Tư-đà-hàm, Tam quả A-na-hàm và Tứ quả A-la-hán. A-la-hán đã chứng quả lậu tận thông.

Cho nên, chúng ta đừng ngộ nhận rằng công phu đạo lực của mình đã nâng cao mà cần phản tỉnh rằng chỉ cần chúng ta rơi vào chướng duyên hay các cảnh ngộ ô nhiễm, cám dỗ, lúc ấy mới đo được công phu của mình. Vì vậy, tôi khuyên mọi người đừng cho mình có cơ hội tiếp xúc với “Tài Sắc Danh Thực Thùy” vì cứ gần thứ gì thì chúng ta dính thứ đó.

Đã từ rất lâu, khi đến giờ dậy, tôi không bao giờ nằm thêm một giây, hoàn toàn tuân thủ theo tiếng báo thức. Đây chính là mình đối trị với tập khí “Thùy” của mình. Nhờ đó, từ sáng đến chiều, đối với mọi việc, tôi luôn rõ ràng, tường tận. Người ngủ nướng thành thói quen thì mọi việc trong cuộc sống của họ cũng lờ mờ như người ngủ nướng.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Thưa Sư phụ, con nghe Sư phụ nói, đối với mọi sự mọi việc đều phải xem nhẹ, vậy thì đối với công việc thì phải thế nào?” Hòa Thượng trả lời: “Bất cứ sự việc gì cũng phải xem nhẹ một chút, không nên kỳ kèo tính toán. Đó là xem nhẹ đối với những lời nói thừa, lời nói không cần thiết; xem nhẹ những việc thị phi nhân ngã, phải quấy, tốt xấu; hoặc là khi bị cấp trên quở mắng cũng không nên để trong lòng cho dù chính mình rất có lý, mình không có lỗi; Khi mình bị oan cũng không nên để trong lòng. Thế nhưng, đối với công việc, chúng ta nhất định phải có thái độ tập trung, tận lực mà gánh vác trách nhiệm của mình, làm việc mỗi ngày một tốt, một mới hơn.” Chúng ta không nên có cách làm việc chểnh mảng, không tiến bộ năm này qua năm khác.

Hòa Thượng từng nói phải buông xả đi thì có người đang làm việc liền bỏ việc, đến lúc không có cơm ăn thì mới đến thưa thỉnh Hòa Thượng rằng họ đã bỏ việc đến không có cơm ăn. Hòa Thượng nói rằng chúng ta đã nghe thì phải nghe cho kỹ, buông xả ở đây có nghĩa là “buông trên tâm chứ không buông trên sự”. Trên tâm không vướng mắc điều gì còn trên sự thì “đốn luân tận phận”, dốc hết trách nhiệm trong vai trò trách nhiệm của mình.

Có người nghe Hòa Thượng nói mọi sự phải xem nhẹ, thế là họ cũng xem nhẹ công việc của mình. Ý Hòa Thượng nói chúng ta xem nhẹ “thị phi nhân ngã”, “danh vọng lợi dưỡng”, “Tài Sắc Danh Thực Thùy” còn công việc mà mình nhận lương là bổn phận của mình nên phải làm hết sức. Mọi việc chúng ta làm mà lợi ích chúng sanh, phục vụ chúng sanh thì lại càng phải tận tâm tận lực hơn nữa.