81Thứ Ba, 20/08/2024, 10:15
222 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 222

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 20/08/2024.

-----------------------------------------------------------------

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 222

Ban Biên Tập đã trích lục ra những câu hỏi thiết thực đối với chúng ta đưa vào phần vấn đáp, tuy nhiên, trong cuộc sống này, chúng ta còn có vô số những câu hỏi mà chúng ta cần phải hỏi vì chúng ta vẫn đang cảm thấy không chắc lắm, cảm thấy còn mơ hồ. Nếu cảm thấy không chắc chắn thì việc làm của chúng ta sẽ không mạnh mẽ, quyết liệt.

Có người hỏi Hòa Thượng là trong quá trình tu hành, chúng ta vẫn cần phải xây dựng các mối quan hệ ân nghĩa, thù tạc thì làm thế nào để làm được tốt đẹp mà không cản trở việc tu hành. Việc này không khó, chỉ cần chúng ta có tâm chân thành là được vì trong tâm chân thành sẽ lưu lộ ra mọi ứng đối phù hợp nhất, thỏa đáng nhất, vừa vặn nhất. Nếu không xuất phát từ tâm chân thành thì mối quan hệ của chúng ta sẽ có sự so đo, hơn kém, có phân biệt chấp trước.

Hòa Thượng nói: “Chỉ cần mỗi chúng ta có đầy đủ năm đức: Ôn hậu, Thiện lương, Cung Kính, Tiết Kiệm, Nhẫn nhượng thì trong đối nhân xử thế sẽ luôn vừa vặn.” Con người trở nên lố bịch, cao ngạo vì thiếu tâm cung kính, thiếu lễ nhường. Thầy Thái từng nói con cái ngày nay, học qua một thời gian, thấy mình giỏi hơn Cha Mẹ, thấy mình là người thông suốt còn hành động việc làm của Cha Mẹ thì ngu dốt. Trong bối cảnh đời sống như thế thì người có đầy đủ năm đức, lục hòa, lục độ đã là một con người hoàn thiện. Trong tu hành và đối nhân xử thế tiếp vật, người đó không bị chướng ngại. Chướng ngại là do tâm bất thiện, thiếu năm đức, lục hòa, lục độ.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta ở trong xã hội lấy năm đức “Ôn Lương Cung Kiệm Nhượng” làm nền tảng tu dưỡng để thực tiễn được tốt, được viên mãn tam phước, lục hòa, lục độ và 10 nguyện của Phổ Hiền”. Đây là nền tảng thiết thực mà Phật pháp đã dạy chúng ta.

Có người hỏi Không Lão Phu Tử rằng trong việc làm hằng ngày, chúng ta làm thế nào để làm cho tốt? Ngài dạy rằng: “Tư vô tà” – tư tưởng không có tà vạy. Nhà Phật thì dạy rằng trong tâm “thuần thiện thuần tịnh” thì khi đối nhân xử thế tiếp vật, hành động tạo tác, chúng ta luôn làm đúng như lý như pháp, mang an vui đến cho mọi người. Tư tưởng tà vạy là khởi phân biệt chấp trước, so đo phải quấy, tốt xấu sẽ khiến chúng ta gặp chướng ngại và chính mình gây chướng ngại cho người.

Có người hỏi: “Vậy thưa Sư Phụ, Phật pháp không thể nào tách rời khỏi quần chúng phải không ạ?” Hòa Thượng nói: “Mỗi người tu hành đều không thể rời khỏi quần chúng vì mỗi hành vi sai lầm đều từ nơi đối nhân xử thế tiếp vật phát sanh ra.” Chúng ta không tiếp xúc với mọi người thì làm sao chúng ta biết chúng ta đã xa rời được tập khí của mình hoặc chúng ta có còn thị phi, phải quấy, tốt xấu, ta và người, hay không?

Ngày ngày, chúng ta ở trong phòng máy lạnh, trong bốn bức tường để niệm Phật, lễ Phật tu hành nên cảm thấy mình vô cùng thanh tịnh nhưng khi ra bên ngoài đụng chuyện thì phiền não vẫn y nguyên. Cho nên cần phải trải sự luyện tâm, có tiếp xúc với “Tài Sắc Danh Thực Thùy” mới có thể xem những thứ đó còn bó buộc mình không.

Hòa Thượng nói: “Người chân thật tu hành không xem trọng hình thức”. Hình thức có thể hài hòa với mọi người là tốt chứ không cần tạo ra sự biệt lập hoặc nhố nhăng. Thế nhưng nhiều người tu hành ngày nay trọn hình thức tu biệt lập. Hình thức tu thì biệt lập nhưng tâm thì vẫn “Thị phi nhân ngã, danh vọng lợi dưỡng, tự tư tự lợi, tham sân si mạn”, vậy thì hình thức như vậy chỉ làm chướng ngại. Hình thức biệt lập, tách biệt khiến mọi người cảm thấy chướng và sẽ đặt câu hỏi người có hình thức tu, ăn mặc như vậy mà sao vẫn có thái độ quá tầm thường, từ đó họ sẽ không kính trọng hình tướng người tu hành.

Hơn 20 năm trước, tôi thấy mọi người mặc đồ nâu, tôi cũng mặc đồ nâu và có những hình thức tỏ ra mình là người tu hành tuy nhiên trong nội tâm thì trống rỗng, vẫn đầy đủ tập khí phiền não xấu ác. Không chỗ nào Phật dạy người tại gia ăn mặc khác biệt với thế gian. Từ ăn mặc của mình, mọi người sẽ phản cảm không gần gũi chúng ta. Khi tôi phiên dịch các bài giảng của Hòa Thượng, tôi thấy Ngài ăn mặc rất đẹp. Có người hỏi vì sao Ngài mặc đẹp như thế? Ngài nói: “Để độ chúng sanh”.