34Thứ Hai, 19/08/2024, 22:19

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 18/08/2024.

-----------------------------------------------------------------

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 220

Trong phần Phụ Lục Tịnh Không Pháp Ngữ, Ban Biên Tập đã trích lục ra một số câu vấn đáp rất thiết thực với mọi người. Bài học hôm trước, có người hỏi Hòa Thượng hàm nghĩa của sự gia trì, sự gia trì có hữu dụng, có thiết thực không? Câu hỏi này cho thấy nhiều người đang ở trạng thái mơ mơ hồ hồ, vẫn trong tư tưởng rằng ai đó đang tích cực hỗ trợ cho chúng ta. Người có niềm tin như vậy không phải là không tốt nhưng nếu họ tin mà không hiểu thì đó là Mê tín chứ không phải Chánh tín.

Hòa Thượng nói: “Gia trì là có nhưng quan trọng là ở mỗi chúng ta có chân thật tin không? Một khi tin rồi thì phải phát nguyện và y giáo phụng hành. Nghe lời dạy, làm theo một cách triệt để thì nhất định sẽ có sự gia trì”. Miệng thì nói rằng mình rất tin “nhân quả”, tin lời Phật dạy về bố thí tài được tài, bố thí pháp được thông minh trí tuệ, bố thí vô úy được khoẻ mạnh sống lâu nhưng chỉ là tin mà không thật làm thì chắc chắn không được sự gia trì.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Khi bệnh nguy cấp thì tụng Kinh Địa Tạng hay là niệm Phật A Di Đà?”. Chính chúng ta cũng cần hỏi câu hỏi này. Hòa Thượng trả lời: “Một là tất cả, tất cả là một”. Tụng Kinh Địa Tạng hay là niệm Phật đều tốt, quan trọng là mình là người niệm Phật thì một lòng một dạ niệm Phật cầu vãng sanh còn người ta chưa muốn vãng sanh mà muốn tai qua nạn khỏi thì tụng Kinh Địa Tạng.

Hòa Thượng nói: “Chư Phật là đại biểu cho tánh đức, Bồ Tát đại biểu cho tu đức và tất cả Kinh điển đều là viên mãn, hỗ tương, hàm nhiếp thì đây chính là Phật pháp. Bạn niệm Quan Âm, người khác niệm Địa tạng, tất cả chư Phật đều hộ niệm. Phật pháp quý ở chỗ chuyên nhất. Phải chuyên nhất mới đạt thanh tịnh. Pháp môn thì bình đẳng, không có cao thấp”.

Nhờ chuyên nhất mà năng lực tu hành mới được mạnh mẽ. Nếu hôm nay tụng Kinh Địa Tạng, ngày mai tụng Kinh A Di Đà hay là hôm nay niệm “A Di Đà Phật”, ngày mai nghe người khác nói lại đổi thành niệm Bồ Tát Quan Âm để tiêu tai là sai rồi. Nếu chúng ta nếu niệm Bồ Tát Địa Tạng thì Bồ Tát Địa Tạng là chủ; niệm Bồ Tát Quan Âm thì Bồ Tát Quan Âm là chủ; nếu niệm “A Di Đà Phật” thì “A Di Đà Phật” là chủ. Chúng ta có thể đạt đến công phu tu hành viên mãn nếu hành trì chuyên nhất, miên mật.

Một là tất cả, tất cả là một”, vậy thì, chúng ta chuyên nhất, một lòng một dạ niệm “A Di Đà Phật” thì tự chính mình sản sinh ra năng lực. Nếu là công phu sâu thì năng lực đó rất mạnh mẽ, còn công phu cạn thì năng lực đó yếu ớt. Chúng ta là người tu Tịnh Độ, cầu sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc thì chúng ta chỉ niệm “A Di Đà Phật”.

Chúng ta không cần quan tâm đến tai qua, nạn khỏi, mạnh giỏi, bình an. Chúng ta không cần nghe người khác nói siêu độ thì tụng Kinh Địa Tạng; cầu mạnh giỏi bình an thì tụng Phẩm Phổ Môn và niệm Quan Âm Bồ Tát; tiêu tai thì tụng Kinh Dược Sư. Chúng ta chỉ cần nhớ “một là tất cả, tất cả là một” nên chỉ chuyên một môn, một Kinh, một danh hiệu thì sẽ tạo ra năng lực.

Nhiều người lăn tăn không biết tu thế nào cho đúng là chuyên nhất. Tổ sư Đại đức dạy chúng ta rằng: “Một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”. Hành trì sâu một môn trong một thời gian trường kỳ sẽ có năng lực rất lớn. Nếu lúc bình thường chúng ta không kiên định thì khi bệnh khổ đến chúng ta rất dễ bị xao động.

Trong thời gian tôi bị bệnh cách đây nhiều năm, tôi niệm Phật, lạy Phật đều không thay đổi, thậm chí bệnh càng lúc càng nghiêm trọng nên mọi người xung quanh bảo tôi trì chú Đại Bi. Tôi nghe họ khuyên, tôi cũng gật đầu nhưng tôi chỉ niệm “A Di Đà Phật”. Đó chính là thiết nguyện, lập định cho mình một sự kiên trì. Lúc khỏe không lập sự kiên trì cho mình thì khi bệnh khổ, khi chướng ngại đến chúng ta rất dễ dao động.

Có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Lúc con nghe Ngài giảng Ấn Quang Đại Sư Pháp Ngữ thì Ngài nhấn mạnh về nhân quả. Vì sao lại như vậy?”. Hòa Thượng trả lời rằng: “Nhân quả là chân lý, bất cứ người nào cũng không vượt qua được chân lý này. Đó là trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, không một người nào có thể thay đổi được chân lý này.” Nếu người nào có thể làm được “trồng dưa được đậu” thì đó là yêu thuật. Mọi người nên nhớ rằng Ma thuật có thể làm ra điều ngược đời này một vài lần để ma mị người khác nhưng sau đó thì chúng không thể làm được nữa.