Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 17/08/2024.
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 219
Tổng cương lĩnh của hành giả niệm Phật là không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn. Hòa Thượng nói: “Chúng ta không chỉ niệm Phật không gián đoạn mà làm việc gì tâm chúng ta cũng phải chuyên”. Tâm chúng ta chuyên thì chúng ta làm mọi việc đạt đến mức tốt đẹp nhất. Hằng ngày, chúng ta làm tất cả những việc trong cuộc sống để làm ra chuẩn mực, biểu pháp cho người. Tất cả hành vi, lời nói của hành giả học Phật, học chuẩn mực Thánh Hiền đều là để làm mô phạm cho thế nhân. Trên Kinh dạy chúng ta: “Không hoài nghi, không gián đoạn”. Trong mọi sự, mọi việc trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta không hoài nghi, không gián đoạn.
Người học chuẩn mực Thánh Hiền, người học Phật làm ra chuẩn mực cho chúng sanh, chúng ta không được tuỳ tiện. Chuẩn mực của một bậc đạo hạnh cũng không có gì khác ngoài cách ăn, cách đi, cách đứng, cách ngồi, cách làm việc. Người khác nhìn vào chúng ta thì họ sẽ biết chúng ta có tư cách của một bậc Thánh Nhân không. Chúng ta không học thì chúng ta tu mù, luyện quáng, khi chúng ta phát hiện mình sai thì đã không còn kịp.
Chúng ta đã lãng phí rất nhiều thời gian của sinh mạng, làm nhiều việc vô ích, Hòa Thượng nhắc chúng ta phải trân trọng thời gian của sinh mạng để làm những việc bất hủ. Người thế gian cũng nói: “Hổ chết để da, người chết để tiếng”. “Bất hủ” là chúng ta làm những việc lợi ích chân thật cho cộng đồng, cống hiến nhiều nhất cho cộng đồng. Người học Phật, học chuẩn mực Thánh Hiền không làm để được lưu danh thiên cổ, chúng ta làm một cách tốt nhất thì tự nhiên những việc làm đó lưu danh.
Trước đây, chúng ta tưởng rằng chúng ta chỉ cần không xen tạp trong phép tu, Hoà Thượng nhắc, trong mọi sự, mọi việc trong đối nhân xử thế chúng ta cũng không được xen tạp. Chúng ta dùng một mảng tâm chân thành để sống và làm việc. Chúng ta có nhiều tâm thì chúng ta đã sai. Chúng ta không thể làm mọi việc một cách sơ sài, qua loa.
Trong “Đệ Tử Quy” dạy chúng ta: “Cầm vật rỗng như vật đầy. Vào phòng trống như có người”. Chúng ta phải cầm mọi vật một cách trân trọng. Người có chuẩn mực cầm một túi rác cũng cầm một cách trân trọng. Chúng ta bước vào phòng trống không người thì chúng ta cũng phải đầy lễ tiết như khi bước vào hội trường. Khi chúng ta bước vào hội trường chúng ta cố làm ra vẻ thì chúng ta đã “hư tình giả ý”. Người trần gian không thấy những việc chúng ta làm nhưng Quỷ Thần, Thiên Long Hộ Pháp, Phật Bồ Tát đều nhìn thấy, xung quanh chúng ta Quỷ Thần nhiều vô số, họ nhìn thấy mọi việc, chúng ta phải luôn có sự cảnh giác. Những khởi tâm động niệm nhỏ nhất trong nội tâm chúng ta thì Phật Bồ Tát cũng nhìn thấy rõ ràng, tường tận.
Trong “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, có kể câu chuyện, có hai vị sư ngồi đàm đạo, ban đầu họ nói thiện pháp thì có các thiện thần đi quanh rải hoa, một lúc sau, thiện thần đi hết, ác thần đến mắng chửi, nhổ nước miếng. Ban đầu, họ bàn luận Phật pháp, chuẩn mực Thánh Hiền thì thiện thần đến tán thán, khi họ nói đến danh lợi, nói đến những việc phải trái tốt xấu thì thiện thần bỏ đi, ác thần đến. Người có chuẩn mực thì sẽ không dùng những lời thô thiển.
Khi chúng ta đến chỗ đông người, giảng đường, chúng ta cố tỏ ra đĩnh đạc thì những biểu cảm này cũng không giống thật. Điều này giống như Tôn Ngộ Không khi mặc áo quan làm chức Bạch Mã Ôn trên thiên đình. Người đĩnh đạc thì cho dù ở phòng trống, tác phong của họ vẫn đĩnh đạc.
Hôm nay, chúng ta học đến mục vấn đáp, mọi người hỏi Hòa Thượng, bộ sách tinh hoa vấn đáp đã tập hợp các câu trả lời của Hòa Thượng, trong bộ sách này chỉ tổng hợp một số câu mọi người hỏi, Hòa Thượng trả lời. Có người hỏi Hòa Thượng, đối với những người có bệnh khổ thì ta nên làm như thế nào để cứu giúp họ. Tình huống này, mỗi chúng ta đều gặp phải. Nhà Phật nói: “Có thân mạng đừng cầu không bệnh khổ”. Con người không thể thoát khỏi bát khổ là Sinh - Lão - Bệnh - Tử, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ.
Có người nói, họ không tưởng tượng được khi Cha Mẹ, vợ chồng của họ mất đi thì họ sẽ phải làm sao. Thầy Thái từng kể câu chuyện, có người nói với Thầy là họ không nhìn thấy ưu điểm nào của chồng. Thầy Thái nói, người phụ nữ này thật dũng cảm vì người chồng không có ưu điểm nào mà cô vẫn chọn. Chúng ta chịu đựng một người suốt mấy mươi năm thì chúng ta dễ mắc bệnh ung thu, u nhọt. “Oán tắng hội khổ” là những người ghét nhau mà phải gặp mặt. Chúng ta đã mang kiếp con người thì chúng ta không thể tránh khỏi khổ đau. Chúng ta biết rõ để khi đối diện chúng ta sẽ bình thản. Con người nhất định không thể tránh được bệnh tật và cái chết.