Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 16/08/2024.
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 218
Hòa Thượng dạy chúng ta, người có thể trì niệm một câu “A Di Đà Phật” chính là thực hành được lục độ của Bồ Tát Đạo. Chúng ta niệm Phật mà có thể buông xả thân tâm, thế giới, không dính mắc vào ta và hoàn cảnh xung quanh thì đây chính là đại bố thí. Không phải người nào bỏ nhiều tiền ra thì sẽ trở thành người đại bố thí hay đại Bồ Tát. Chúng ta không dấy khởi tập khí tham, sân, si thì đó là đại trì giới. Tất cả tội nghiệp của chúng ta đều bắt đầu từ tâm tham, tham không được thì chúng ta sân, sân không được thì chúng ta si.
Hành giả niệm Phật công phu không hề thấp, Hòa Thượng nói: “Trong “Kinh Đại Tích” nói rằng: “Nhược chân niệm Di Đà Phật thị danh vô thượng thâm diệu thiền”. Người niệm Phật không chỉ là thiền mà còn là thâm diệu thiền, không chỉ là định mà còn là Lăng Nghiêm đại định, định của hàng Đại Bồ Tát”. Chúng ta niệm Phật đến không gián đoạn, không xen tạp thì là đại tinh tấn. Chúng ta niệm Phật đến không để vọng niệm sinh khởi thì đó là đại thiền định. Chúng ta niệm Phật đến tường tận mọi sự, mọi việc thì đó chính là đại trí tuệ.
Nhiều người tâm ý bao chao, xao động, làm việc này thì quên việc khác. Thí dụ, có người mang dao, kìm, búa đi làm, sau khi làm xong thì họ quên không mang về. Chúng ta không minh tường trong mọi sự, mọi việc do chúng ta có quá nhiều vọng tưởng. Tất cả pháp tu trong nhà Phật đều là thiền định; niệm Phật, trì chú, tụng Kinh cũng là thiền, không phải chúng ta ngồi thiền mới là chúng ta đang thiền. Chúng ta có định thì chúng ta sẽ có huệ. Chúng ta không có định thì chúng ta không tường tận, không thấu đáo trong mọi việc. Chúng ta luôn mơ mơ, hồ hồ vì chúng ta có nghiệp chướng, tập khí sâu nặng.
Hòa Thượng nói: “Trì giới là “phòng phi chỉ quá”, phòng ngừa những điều sai lầm, chúng ta phòng ngừa những sai trái của chính mình thì chúng ta mới có thể đoạn ác tu thiện. Tham, sân, si mạn là bệnh, là lỗi lầm, nếu chúng ta không còn tham, sân, si thì chúng ta trì giới mới đạt đến viên mãn, đây gọi là trì giới Ba La Mật. Trong ba loại phiền não là tham, sân, si, cái nặng nhất chính là si. Chúng ta si nên chúng ta mới tạo tác ra tội nghiệp”. “Si” là si mê, ngu si. Chúng ta si mê, ngu si nên chúng ta mới tùy tiện tạo tác tội nghiệp. Những kẻ tội phạm, khi họ làm ra hành vi phạm tội thì họ không sợ, làm một cách ngông cuồng nhưng khi tòa án phán quyết tử hình thì họ vô cùng sợ hãi. Đến ngày phải thụ án, khi được ăn bữa cơm cuối cùng họ cũng không nuốt được. Nếu họ biết rõ, họ làm những việc làm sai trái đó, chắc chắn họ sẽ phải nhận quả như vậy thì họ sẽ không dám làm.
Hòa Thương nói: “Ngu si thì tạo nghiệp rất nặng. Người ngu si làm ra việc nhỏ thì khiến cho người khác bị oan uổng, bị ức hiếp. Người ngu si làm ra việc lớn thì sẽ khiến xã hội đại loạn, làm ra tai ương cho quốc gia, dân tộc. Do vậy chúng ta nhất định phải đoạn ngu si. Chúng ta muốn đoạn ngu si thì chúng ta phải khai mở trí tuệ, chúng ta muốn khai mở trí tuệ thì tâm chúng ta phải định”. Chúng ta muốn tâm định thì chúng ta niệm câu “A Di Đà Phật”. Một số người nói, trước đây họ mơ mơ, hồ hồ, từ ngày họ niệm Phật, họ cảm thấy mọi thứ trở nên rõ ràng hơn. Chúng ta niệm Phật thì vọng tưởng, phiền não của chúng ta sẽ ít đi, tâm chúng ta sẽ sáng ra. Trong khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật chúng ta phải luôn ở trạng thái phản tỉnh.
Hòa Thượng nói: “Trong tâm có định thì tham, sân, si sẽ không còn. Trí tuệ vừa sanh thì ngu si cũng không còn. Cho nên chúng ta nhất định phải chăm chỉ tu học tam học Giới, Định, Huệ”. Chúng ta không cần phải học thế nào là Giới, thế nào là Định, thế nào là Huệ. Chúng ta chỉ cần một câu “A Di Đà Phật” niệm đến cùng thì chúng ta có đầy đủ Giới, Định, Huệ. Hằng ngày, thay vì chúng ta niệm thương ghét, giận hờn, hơn thua thì chúng ta niệm “A Di Đà Phật”.
Chúng ta không cần hỏi người khác xem mình đã giữ giới tốt chưa, đã có định chưa, đã khai được trí tuệ chưa. Chúng ta làm mọi sự, mọi việc một cách tường tận thì chúng ta biết mình có trí tuệ. Chúng ta làm mọi sự, mọi việc một cách luộm thuộm, làm việc này thì hư việc kia, hay chúng ta không nhận ra, vẫn tôn thờ, cung phụng những người làm việc sai trái thì chúng ta là người đại ngu si.