69Thứ Năm, 15/08/2024, 15:25

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 15/08/2024.

-----------------------------------------------------------------

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 217

Hòa Thượng nói: “Trong “Kinh Đại Tích” nói rằng: “Nhược chân niệm Di Đà Phật thị danh vô thượng thâm diệu thiền”. Nếu người nào chân thật niệm Phật thì là vô thượng thâm diệu thiền. Trên Kinh Phật cũng nói: “Pháp môn niệm Phật là đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, đẳng đẳng chú, tổng trì của tất cả các thần chú”. Có người cho rằng pháp môn niệm Phật là pháp môn thấp kém nên họ luyện những pháp môn khác. Nhiều người tự cho mình là người học rộng, hiểu nhiều nên họ không thích niệm Phật, họ thích ngồi thiền, nghiên cứu những giáo lý ngoài tầm hiểu biết. Trong “Tứ Y Pháp” Phật dạy: “Y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa”. “Liễu nghĩa” là pháp mà chúng ta hành trì, chúng ta có thể chứng đắc.

Hòa Thượng nói: “Người niệm Phật không chỉ là thiền mà còn là thâm diệu thiền, không chỉ là định mà còn là Lăng Nghiêm đại định, định của hàng Đại Bồ Tát”. Chúng ta niệm Phật thì chúng ta sẽ không niệm những thứ khác. Tâm chúng ta niệm câu “A Di Đà Phật” thì chúng ta sẽ không rảnh để niệm thị phi nhân ngã, phải trái tốt xấu, thành bại được mất. Chúng ta niệm Phật để chúng ta đi vào trạng thái định. “Định” là trạng thái mà bên trong không khởi vọng tưởng, bên ngoài thì không dính mắc vào hoàn cảnh.

Một ngày, từ sáng đến chiều, chúng ta có thể đề khởi câu Phật hiệu không gián đoạn thì chúng ta không còn khởi vọng niệm, nếu vọng niệm khởi lên thì sẽ bị chánh niệm đè xuống. Một câu “A Di Đà Phật” chính là chánh niệm. Khi chúng ta đã không còn vọng niệm, chúng ta không cần đề khởi câu “A Di Đà Phật” thì câu Phật hiệu cũng tự hiện hữu. Đây là trạng thái bất niệm tự niệm. Hiện tại, rất ít người đạt được trạng thái này. Chúng ta muốn không khởi vọng niệm thì chúng ta phải đề khởi được chánh niệm, chánh niệm miên mật thì không còn chỗ trống để khởi vọng niệm.

Chúng ta niệm Phật cũng chính là chúng ta đang tu thiền. Có người cho rằng còn niệm là còn vọng. Chúng ta dùng một niệm để buộc tất cả những niệm đó. Nhiều người ngồi niệm Phật, lạy Phật nhưng trong đầu vẫn như đang chiếu phim 3D. Hòa Thượng nói: “Người ngày nay, nếu không dùng câu “A Di Đà Phật” để buộc tâm, chúng ta ngồi một chỗ thì có chắc là chúng ta để được tâm không hay không!”.

Hòa Thượng nói: “Đại sư Liên Trì nói: “Một câu “A Di Đà Phật” là gồm thâu tám giáo, bao gồm cả năm tông, chỉ cần tin được một cách sâu sắc, niệm được ổn định, dài lâu, không thay đổi, nhất định vãng sanh, ngay khi vãng sanh thì không còn thối chuyển”. Nếu chúng ta vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc làm Bồ Tát Bất Thối thì chúng ta sẽ không còn thoái chuyển. Thế giới Tây Phương là thắng địa để chúng ta tu hành, ở đó không có ô nhiễm, xung quanh chúng ta là Phật A Di Đà, và các bậc Đại Bồ Tát Bất Thối Chuyển như Quan Âm Thế Chí, Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền. Ở trần gian, chúng ta rất khó gặp Thầy tốt bạn lành. Người thế gian nói: “Thạch Sanh thì ít Lý Thông thì nhiều”.

Trong “Tứ Y Pháp” dạy chúng ta: “Y trí bất y thức”. Chúng ta không cảm tình dụng sự. Chúng ta cảm tình dụng sự thì chúng ta sẽ bị gạt. Có những người bị gạt cả cuộc đời mà không nhận ra, đó là vì họ thích được nghe những lời khen, không thích nghe những lời chân thật.

Trong “Pháp Hoa Đại Cương”, Hòa Thượng Tuyên Hóa kể câu chuyện để cảnh tỉnh chúng ta, có một nhóm Thầy trò cùng tu hành, khi Thầy mất thì người đại đệ tử đứng lên dẫn mọi người tiếp tục tu hành. Khi người đại đệ tử mất, từ xa ông nhìn thấy Sư phụ của mình, ông rất vui mừng gọi Sư phụ. Sư phụ hỏi người đệ tử tại sao lại đến đây, đây là Địa ngục. Người học trò nói, tại sao Sư phụ dạy đệ tử để đi vào Địa ngục. Vị Sư phụ nói: “Ta cũng không biết!”. Chúng ta mơ mơ, hồ hồ dạy một đám người cũng mơ mơ, hồ hồ thì nhất định sẽ cùng nhau đi về thế giới mơ mơ hồ hồ.

Hằng ngày, chúng ta niệm Phật nhưng chúng ta không xa lìa “danh vọng lợi dưỡng”, đặc biệt là chúng ta thường chìm đắm trong “tự tư tự lợi”. Chúng ta sợ khó, sợ khổ, sợ được, sợ mất cũng là chúng ta “tự tư tự lợi”. Chúng ta luôn ở trạng thái phấn chấn thì chúng ta sẽ làm mọi việc một cách phấn chấn. Có người nói, họ niệm Phật phấn chấn nhưng họ không thể phấn chấn khi làm việc lợi ích chúng sanh. Đây là chúng ta đã có hai tâm. Trên “Kinh Lăng Nghiêm” nói: “Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất”. Một là tất cả, tất cả là một. Chúng ta thành tựu, chúng ta vãng sanh thì chúng ta viên mãn hết tất cả.