69Thứ Tư, 14/08/2024, 08:30

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 14/08/2024.

-----------------------------------------------------------------

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 216

Hòa Thượng nhắc đến ba chữ “Tam Ma Địa”, đây là tiếng Phạn, dịch nghĩa trung văn là “Đẳng trì” tức là bình đẳng, giữ gìn. Hòa Thượng nói: “Bình đẳng chính là nhất tâm, là định. Tâm của phàm phu chúng ta vẫn là cao thấp, loạn động, không lúc nào là bình lặng. Trên đề Kinh Vô Lượng Thọ nhắc nhở Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Giác, chúng ta phải đem nguyên tắc mục tiêu này mà tu hành.” Ở nơi nhà Phật tu bất cứ pháp môn gì cũng là để đạt “Định”.

Đây là chỗ khác biệt giữa Ma và Phật. Nhà Phật có bát giáo, năm tông cũng là đi đến thiền định. Tọa thiền, trì chú hay niệm Phật đều để đi đến thiền định. Nếu không đạt được “Định” thì tâm lúc nào cũng bao chao xao động. Chúng ta hãy xét xem hành động tạo tác, khởi tâm động niệm của mình đang ở trạng thái “Định” hay là bao chao? Thành công thì chúng ta rạng rỡ và thất bại thì ủ dột, đây là trạng thái bất “Định”.

Trạng thái bao chao xao động hiện phổ biến ở người tu, thậm chí có người nhận xét rằng: “Người niệm Phật ngày nay chỉ là trá hình của danh lợi”. Tôi nghe vậy thì nói ngay rằng: “Những người xung quanh Thầy mà chỉ có chút hám danh lợi là Thầy đã điều chỉnh ngay, không để việc đó phát triển”. Cho nên những danh từ, những điều Hòa Thượng dạy chúng ta đều có lý do để Ngài nói ra. Ngài hôm nay nhắc đến việc “Tam ma địa” nghĩa là người tu hành trong mọi hoàn cảnh vui buồn, khổ đau, thương ghét, buồn giận đều phải có sức “Định”. Nếu chưa làm được thì chứng tỏ công phu chưa có lực, chưa khắc chế được phiền não.

Ngài cũng nhắc đến tổng cương lĩnh tu trì trên đề Kinh Vô Lượng Thọ mà chúng ta phải đạt được là Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Giác. Chúng ta hiểu mục tiêu, nguyên tắc tu hành này để triệt để tuân thủ thì mới đạt được mục tiêu mong muốn vãng sanh Tịnh Độ, đạt quả vị Bồ Tát Bất Thối Chuyển. Ở thế gian này mọi thứ càng lúc càng phải nhẹ, phải “buông xả thân tâm thế giới”. Nếu mọi thứ còn y nguyên thì chúng ta biết rằng chúng ta khó thoát khỏi sự ràng buộc.

Hòa Thượng lại nhắc đến lời nói của Ngài Ngẫu Ích Đại Sư rằng: “Pháp môn niệm Phật không có gì là hiếm lạ, chỉ cần tin sâu, thật làm.” “Tin sâu” là từ khi phát tâm niệm Phật, chúng ta tin rằng mọi sự mọi việc đều có “A Di Đà Phật” an bài. Bản thân cuộc đời tôi, tôi cảm nhận được điều đó. Chúng ta không cần bận tâm lo nghĩ cơm, áo, gạo, tiền vì lo nghĩ như thế chính là chúng ta đã động tâm. Mọi việc chúng ta làm ở mức tốt nhất nhưng không đặt ở tâm mong cầu.

Tôi từng nghe Hòa Thượng Tịnh Không nói nhiều lần rằng: “Bạn niệm Phật A Di Đà rồi thì phải tin rằng mọi sự mọi việc trong đời sống này đều có Phật A Di Đà an bài.” Bệnh khổ, thiếu thốn đều do Ngài an bài. Với tập khí của tôi, nếu không có bệnh thì tôi chỉ đi tạo nghiệp. Nhờ có bệnh nên tôi luôn luôn phản tỉnh. Bệnh khổ và mọi sự khó khăn của thế gian cũng là sự nhắc nhở chúng ta rằng không nên đắm chấp vào “Tài Sắc Danh Thực Thùy”, “danh vọng lợi dưỡng” hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham sân si mạn” ở thế gian này. Mọi sự đều thuận lợi, đều đạt được ý nguyện của mình thì tâm xả ly sẽ vô cùng khó đề khởi.

Nhiều người niệm Phật còn cầu xin được mua may bán đắt, có cơm có gạo để ăn mà tu hành. Hòa Thượng nói rằng : “Đệ tử của Phật A Di Đà đi đến 10 phương đều được chư Phật 10 phương tán thán thì đâu cần phải cầu xin cơm no áo ấm”. Đây là điểm cực kỳ quan trọng. Chúng ta thực sự không tin lắm. Chỉ cần nghe ai đó nói chúng ta năm nay có đại nạn là chúng ta liền đi cúng giải hạn cho chắc. Vậy như thế không phải là thật tin!

Gần 20 năm nay, mọi sự mọi việc trong cuộc sống của tôi đều như thể có sự an bài. Rõ ràng cơm ăn, áo mặc, nhà ở đều có sự an bài. Trước đây có người hỏi tôi những thứ đó ở đâu ra vậy? Ngay cả nhà ở, tôi cũng không mua, không xin, không được tặng, không được cho, tiền cũng không phải của tôi, nhưng lại là của mình. Thời điểm 17, 18 năm trước, đến tiền đi xe tôi còn không có thì làm sao mua nhà! Đó chẳng phải là sự an bài hay sao? Đây chính là sự nhiệm mầu!

Cho nên thật khó để chúng ta “Tin sâu” và chúng ta rất dễ dàng bị thoái chuyển. Bản thân tôi lúc xưa cũng nghi ngờ khi bệnh khổ ập đến: “Tại sao mình đã tận tâm tận lực dịch Kinh mà sao lại bị bệnh khổ đến nghiêm trọng!” Tuy nhiên, tôi quán chiếu lại thì thấy mình vẫn dụng tâm “cưỡng cầu”. Tôi thường nghĩ rằng nhất quyết là hôm nay phải dịch xong đĩa giảng này, đĩa giảng kia nên đã gò ép mình. Tôi đã cố gắng đến nỗi đầu ngón tay đau quá thì lấy băng cá nhân quấn 10 đầu ngón tay lại để tiếp tục gõ trên bàn phím. Đến khi bệnh đau không thể gõ được nữa thì tôi mới dừng lại và bắt đầu hành trình bôn ba bên ngoài.