80Thứ Hai, 12/08/2024, 20:10

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 12/08/2024.

-----------------------------------------------------------------

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 215

Hòa Thượng dạy chúng ta rằng tu hành nên chọn theo pháp mà Bồ Tát Đại Thế Chí đã dạy chúng ta. Đó là thâu nhiếp sáu căn, tịnh niệm nối nhau. Ngài nói đây là pháp dễ tu đối với chúng sanh thời Mạt pháp, bởi bắt đầu từ tánh và tướng thì mới khó tu. Vậy làm sao để tịnh niệm nối nhau? Ngài nói cần phải gom nhiếp sáu căn và muốn gom nhiếp sáu căn thì tịnh niệm phải liên tục. Hai thứ này bổ trợ cho nhau.

Tuy nhiên vấn đề ở chỗ chúng ta không gom nhiếp được sáu căn, tịnh niệm không thể nối nhau. Chúng ta niệm Phật đã nhiều năm mà vẫn không thể làm được, điều này cho thấy nghiệp chướng tập khí của chúng ta quá sâu nặng. Tập khí chỉ cho cái xấu, chứ không chỉ cho cái tốt. Tập khí xấu của chúng ta mỗi lúc một nhiều. Duyên để phát khởi tập khí xấu đang ngày càng mạnh mẽ hơn nếu chúng ta không tự biết để phản tỉnh, để viễn ly thì chẳng ai có thể giúp chúng ta.

Lúc chúng ta chưa làm thì không ai hay biết, lúc làm được chút việc thì nhiều người để ý, “danh vọng lợi dưỡng” theo đó mà tìm đến. Đây là việc đương nhiên nhưng quan trọng là chúng ta có tự viễn ly, miễn nhiễm được với nó hay không. Chúng ta rất mong manh dễ vỡ trước “danh vọng lợi dưỡng” và “Tài Sắc Danh Thực Thùy”, gần thứ gì thì chúng ta dính vào thứ đó. Cho nên chúng ta phải lập cho mình một thời khóa biểu dựa trên sự kiên định của chính mình thì mới vượt qua được tập khí.

Mấy ngày qua tôi đi lại gần 2000 cây số, hôm qua về đến nhà cũng đã rất khuya nên sáng nay công việc lễ Phật gặp nhiều khó khăn, thân mỏi mòn mong được nghỉ ngơi. Do vậy, nếu chúng ta không lập định cho mình một thời khóa biểu thì suốt cuộc đời sẽ bị tập khí dẫn đi. Người xưa tu hành bắt đầu từ “tướng”, trước nhất người tu nhận rõ mọi sự tướng “là không”, rồi xa lìa nó. Người tu tập cao hơn thì bắt đầu tu từ “tánh”. Hòa Thượng dạy chúng ta không cần bắt đầu từ “tánh và tướng” mà chỉ cần gom nhiếp sáu căn, tịnh niệm nối nhau. Tuy nhiên chúng ta không tịnh niệm nối nhau mà là vọng niệm nối nhau, hết chạy sang Đông lại chạy sang Tây, Nam, Bắc.

Hòa Thượng nói: “Nhãn bất thủ sắc, ý bất duyên pháp. Chúng ta nhìn thấy mọi sự mọi việc nhưng chúng ta không vướng bận, chấp trước trong tâm mình. Không phải là bảo chúng ta mắt không thấy, tai không nghe, nên nhớ là chúng ta vẫn có thể thấy, vẫn có thể nghe nhưng quan trọng là không chấp thủ, dính mắc”.

Sắc là mọi sự mọi vật mà chúng ta quan sát thấy. Mắt thì không chấp trước, không thủ sắc; Ý thì không duyên pháp, duyên chính là duyên theo, là vọng tưởng theo. Chữ “Thủ” nghĩa là mê. Con người luôn dính mắc trong thành công hay thất bại, luôn bị thành công làm cho vui, thất bại làm cho buồn nên không chuyển được hoàn cảnh mà là bị hoàn cảnh xoay chuyển. Khi chúng ta thấy điều này tốt, chúng ta sinh ra phân biệt rồi chấp trước, rồi sinh ra yêu ghét. Cảnh thuận thì thích thú, cảnh nghịch thì ghét bỏ. Đó chính là chấp thủ.

Tu hành là phải chuyển được hoàn cảnh. Nhà Phật có câu “cảnh duyên không tốt xấu, tốt xấu bởi tâm mình”. Tâm chúng ta không chấp trước mà chỉ là một mảng chân thành thì chúng ta tự tại. Có người muốn bỏ con mắt của mình để khỏi phải nhìn thấy, tuy nhiên thấy đâu phải bằng mắt mà thấy bằng tâm mới là khổ. Người không thấy không nghe bằng nhục nhãn, bằng tai thì vọng tưởng còn nhiều hơn người khác. Chướng ngại không phải ở chỗ mình nhìn thấy, mình nghe được mà điểm mấu chốt là vì chúng ta dính mắc vào chỗ đã thấy, đã nghe nên có buồn vui, có khổ đau.

Hòa Thượng nói: “Phật dạy chúng ta mắt thấy sắc không phân biệt, không chấp trước. Nếu được như vậy thì cảnh giới bên ngoài chúng ta sẽ thấy được rõ ràng tường tận”. Năng lực con người là phi thường, con người còn có khả năng trở thành Phật thì mọi việc ở thế gian đều không phải là việc khó, tuy nhiên, người thế gian thấy một số người làm được việc này việc kia thì ngạc nhiên, thán phục cho đó là phi thường. Thực ra không có gì là phi thường bởi vì chỉ cần có tâm thanh tịnh thì mọi sự mọi việc càng sáng tỏ, càng hanh thông.

Khi chúng ta khởi phân biệt chấp trước, khởi vọng tưởng, khởi niệm yêu ghét thì đó là thành kiến. Chúng ta thử nghĩ xem một người có thành kiến thì người đó rất khó sống chung với người. Hòa Thượng nói: “Bởi vì trong tâm của họ có tiêu chuẩn thiện ác, phải quấy, tốt xấu theo cách của họ. Họ lấy tiêu chuẩn này để đi đo lường người khác. Thành kiến là cái thấy kiên cố như một chiếc thành vững chắc, không ai có thể đánh đổ được. Người có thành kiến thì không chấp nhận một tiêu chuẩn ở chỗ khác mà chỉ chấp nhận tiêu chuẩn ở nơi mình.