54Chủ Nhật, 11/08/2024, 22:04

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 11/08/2024.

-----------------------------------------------------------------

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 214

Hòa Thượng dạy chúng ta rằng tất cả tông phái tu học Phật pháp không ngoài hai loại một là “Tánh tông” và hai là “Tướng tông”. “Tánh tông” bắt đầu từ căn “tánh” của sáu căn còn “Tướng tông” bắt đầu từ căn “tướng” của sáu căn. Cách tu học của “Tánh tông” rất cao như Bồ Tát Quan Thế Âm không nghe bằng lỗ tai mà nghe bằng tánh nghe để thấy sự ai cầu của chúng sanh.

Chúng ta cũng có khả năng đạt được ngộ cảnh này, đó là chúng ta cảm nhận được phản ứng của mọi người xung quanh từ việc mình làm là thuận hay nghịch, sự hoan hỉ hay không hoan hỉ của người. Nếu chúng ta không có một chút cảm giác thì chứng tỏ tâm ý của chúng ta rất bao chao. Phật Bồ Tát thấy bằng tánh thấy, nghe bằng tánh nghe chứ không như chúng ta nghe bằng tai và thấy bằng mắt thịt nên khi mắt và tai hỏng thì không thấy, không nghe được nữa.

Hòa Thượng đưa ra “Tánh và Tướng” để chúng ta hiểu rằng: “Bố Tát Đại Thế Chí dạy chúng ta không bắt đầu từ tánh và tướng. Nếu bắt đầu từ hai căn này thì rất là khó để tu. Người thông minh sẽ không tìm phiền phức cho chính mình (không tìm pháp khó thực hành), càng đơn giản thì càng tốt. Bồ Tát Đại Thế Chí chọn lựa pháp môn gom nhiếp sáu căn. Làm thế nào để gom nhiếp sáu căn? Đó là dùng tịnh niệm nối nhau liên tục.

Mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm đều không khởi vọng tưởng, phân biệt mà chúng ta chỉ cần giữ trong tâm một câu “A Di Đà Phật” thì đây chính là gom nhiếp sáu căn. Cách tu này dễ dàng, không bắt đầu từ “Tướng” và không bắt đầu từ “Tánh”. Tuy nhiên, với căn tánh của chúng sanh hiện tại thì việc này cũng không dễ vì tịnh niệm của chúng ta không thể tiếp nối nên công phu bị gián đoạn. Nguyên nhân là bởi vì việc hàng phục phiền não, không để chúng dấy khởi cũng là một kỳ công, khiến cho thời gian công phu bị gián đoạn và tịnh niệm thì rời rạc.

Cách tu này không dễ đối với chúng sanh chúng ta nhưng không phải là chúng ta không làm được. Chúng ta vẫn làm được nhưng chúng ta bị hạn chế vì thời gian huân tập của mình quá ít. Tổ sư Đại đức ngày xưa niệm một ngày 10, 20 đến 30 vạn câu “A DI Đà Phật” nên chiếm hết thời gian, không có thời gian để vọng tưởng, để khởi tâm động niệm. Chúng ta vọng tưởng nhiều quá nên nghĩ Đông, nghĩ Tây, nghĩ những thứ không cần thiết. Đây là tập khí của chúng ta! Nếu chúng ta đổi lại bằng cách nâng cao tần suất niệm Phật nhiều hơn thì tần suất của vọng tưởng sẽ ít đi.

Vọng tưởng là thứ không thật, một ngày từ sáng đến chiều, nếu có thể cô đọng được vọng tưởng thì chúng cũng không có nổi hình tướng của một hạt mè. Vì không có hình tướng nên dễ dàng thay đổi. Chẳng qua do chúng ta mê chấp, yêu thương nó nên không bỏ được nó! Chỉ cần có sự thay thế về tần suất thì nó liền mất. Thí dụ chúng ta có đến 1000 ý niệm vọng tưởng nhưng bây giờ chúng ta niệm Phật là 10.000 câu thì vọng tưởng tự biến mất, tự tan nhạt lúc nào mà mình cũng không hay.

Tuy nhiên, chúng ta không nhận ra thật tướng của nó nên chúng ta bị đau khổ. Đau khổ hay vui sướng đều không thật nhưng chúng ta suốt ngày cứ mải chạy theo thứ không thật, vọng niệm, giả cảnh khiến xa rời tự tánh của mình vốn dĩ thuần thiện thuần tịnh, bất sanh bất diệt. Thân của chúng ta cũng không thật, chỉ cần trái gió trở trời thì thân đã không bắt kịp thời tiết, ngày càng suy yếu. Một khi thân không thật thì những thứ buồn ghét, giận hờn, hỷ nộ ái ố, thành bại, được mất, hơn thua, tốt xấu, lời lỗ theo thân này đều không thật, cũng chỉ là vọng tưởng chấp trước, khiến mình khổ đau.

Bồ Tát Đại Thế Chí dạy chúng ta gom nhiếp sáu căn nhưng việc này không dễ bởi chúng ta vẫn để sáu căn chạy theo sáu trần, khởi lên ý niệm sáu thức là 18 thứ khiến chúng ta ngày ngày chìm trong phân biệt, vọng tưởng, chấp trước, không thể tịnh niệm, không thể niệm Phật. Chỉ cần gom nhiếp sáu căn là được, không để chúng vọng động nhưng chúng ta vẫn vọng tưởng, vọng động hằng ngày. Trong một khảy móng tay, chúng ta đã khởi 3.500.000 ý niệm, nhanh đến mức chúng ta không nhận ra.

Hòa Thượng hôm nay nêu ra cách tu của “Tánh tông” là tu từ căn tánh, nghe bằng tánh nghe, thấy bằng tánh thấy tức là ngồi một nơi mà nghe, mà thấy được nỗi khổ của chúng sanh ở khắp mọi nơi. Vì thấu điều này mà Chư Phật Bồ Tát, Tổ sư đại đức thường nói: “Chúng ta chậm một ngày thành Phật thì chúng sanh thêm một ngày đau khổ.” Nếu chúng ta cũng thấy, cũng nghe được thì chúng ta sẽ không chểnh mảng.