58Thứ Bảy, 10/08/2024, 17:44

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 10/08/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 213

Hòa Thượng nói: “Chúng ta tu hành, không luận là chúng ta là người xuất gia hay tại gia, nếu chúng ta y theo nguyên lý, nguyên tắc mà Phật, Tổ Sư Đại Đức đã dạy chúng ta đều có thể có thành tựu giống như nhau”. Chúng ta tu hành pháp môn Tịnh Độ, chúng ta phải y theo các tổ sư Tịnh Độ mà tu tập, chúng ta không nghe theo lời của tổ sư các pháp môn khác. Chúng ta có sự nhất quán thì sự tu tập của chúng ta mới có thành tựu. Nhiều người tu tập không chú ý điều này nên họ bị xen tạp. Chúng ta vừa tu hành theo pháp môn Tịnh Độ vừa phát huy văn hóa truyền thống không phải là chúng ta xen tạp. Hòa Thượng chuyên tu, chuyên hoằng pháp môn Tịnh Độ nhưng ở thế gian, Ngài thúc đẩy giáo dục học đường, thúc đẩy giáo dục chuẩn mực Thánh Hiền.

Người tu hành pháp môn Tịnh Độ phải nương tựa vào bộ Kinh là “Kinh Vô Lượng Thọ”; lấy một câu “A Di Đà Phật” làm chánh niệm, nếu chúng ta khởi tâm động niệm thì chúng ta chỉ khởi “A Di Đà Phật”; chúng ta lấy thập thiện nghiệp đạo để đối trị ba nghiệp. Thích Ca Mâu Ni Phật, Hoà Thượng cũng đã giảng cho chúng ta về Mười Thiện. Thân thì không sát, đạo, dâm. Miệng thì không nói dối, nói lưỡi đôi chiều, nói lời hung ác, nói lời thêu dệt. Ý thì không tham, sân, si.

Hằng ngày, chúng ta đang đối nhân xử thế tiếp vật theo chuẩn mực gì? Chúng ta hành động thô tháo, lời nói thiếu tế nhị, không tuân theo chuẩn mực của Thánh Hiền thì chúng ta không thể làm được Thánh Hiền. Chúng ta muốn vãng sanh làm Bồ Tát Bất Thối vậy thì chúng ta phải có chuẩn mực của một Thánh Hiền. Đây là việc hết sức quan trọng!

Có những người cũng ăn chay, niệm Phật nhưng hành động của họ rất thô tháo. Ngày trước, một lần tôi vào một quán cà-phê sang trọng ở Đà Lạt, tôi nhìn thấy một người phụ nữ mặc áo lam, tay áo xắn cao, người đó đang cầm điện thoại nói chuyện rất to. Những người xung quanh đều cảm thấy khó chịu, phản cảm. Đây là do họ không được học chuẩn mực làm người, người không có chuẩn mực làm người thì làm sao làm được chuẩn mực của Thánh Hiền, làm chuẩn mực của Phật Bồ Tát.

Chúng ta xuất gia hay không xuất gia chúng ta đều có thể có thành tựu, có thành tựu chính là chúng ta khắc phục được tập khí, phiền não của chính mình. Chúng ta khắc phục được tập khí, phiền não, không bị tập khí, phiền não sai sử thì chúng ta đã thành công. Hằng ngày, chúng ta vẫn bị tập khí, phiền não sai sử, chúng ta gặp tham thì chúng ta vẫn tham, chúng ta gặp sân thì chúng ta vẫn sân, chúng ta vẫn chìm đắm trong “danh vọng lợi dưỡng.

Tâm chúng ta không tịnh thì chúng ta tụng Kinh, niệm Phật chỉ là chúng ta gieo duyên với Phật, chúng ta chỉ có một chút phước báu, không thể có công đức. Tâm chúng ta thanh tịnh thì khi chúng ta đề khởi những Phật sự như tụng Kinh, niệm Phật, tác pháp, chúng ta mới có công đức. Tâm chúng ta chưa thanh tịnh thì khi chúng ta đề khởi Phật sự, chúng ta chỉ có phước đức. Trong phước đức không có công đức nhưng trong công đức có phước đức. Bao giờ tâm chúng ta thanh tịnh thì chúng ta mới có công đức. Tâm chúng ta chưa thanh tịnh thì chúng ta chỉ có phước đức thậm chí là chúng ta chỉ có phước đức nhỏ.

Trong pháp môn Tịnh Độ nói, chúng ta có thành tựu hay không là do công phu niệm Phật của chúng ta sâu hay cạn. Công phu niệm Phật của chúng ta sâu thì chúng ta có thành tựu cao, công phu niệm Phật của chúng ta thấp thì chúng ta có thành tựu thấp. Chúng ta phải giữ được hằng tâm, nếu chúng ta không giữ được hằng tâm thì chúng ta sẽ chìm đắm trong “danh vọng lợi dưỡng”. Điều này tôi có cảm nhận rất sâu sắc. Khi chúng ta chưa quen biết ai thì chúng ta chưa có danh vọng, khi chúng ta làm được nhiều việc, quen biết nhiều người thì “danh vọng lợi dưỡng” chiếm hết dòng suy nghĩ của chúng ta, khi đó, chúng ta không khởi được câu Phật hiệu mà chúng ta chỉ niệm danh lợi. Chúng ta chỉ cần một chút “danh vọng lợi dưỡng” thì chúng ta đã mất đi hằng tâm, mất đi tâm kiên định. Danh lợi giống như bã mía, bã trầu nhưng mọi người đều bị chúng làm cho đoạ lạc.

Chúng ta học Phật nhiều năm nhưng chúng ta không có thành tựu, không phải do pháp Phật không linh. Thích Ca Mâu Ni Phật đã chứng thực được nên Ngài đã truyền dạy cho chúng ta. Chư Phật Bồ Tát vô cùng đại từ, đại bi, các Ngài muốn đem những điều tốt đẹp nhất truyền dạy cho chúng ta. Chúng ta không có thành tựu vì chúng ta không làm được đúng tiêu chuẩn. Chúng ta phải thường quán chiếu, phản tỉnh. Trong dòng sinh tử chúng ta chỉ đi một mình, một mình chúng ta đối đầu với quỷ vô thường, không một ai có thể giúp chúng ta.