80Thứ Bảy, 10/08/2024, 17:44

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 09/08/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 212

Chư Phật Bồ Tát và các bậc Tổ Sư Đại Đức đều nhắc nhở chúng ta, vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều từng sát-na chuyển đổi, chỉ có chân tâm bổn tánh của chúng ta là thường hằng. Chúng ta được nhắc nhở nhiều lần nhưng chúng ta vẫn cảm thấy những thứ xung quanh chúng ta đều là thật, chúng ta cảm thấy những cảm xúc buồn vui, thương ghét, giận hờn, thành bại, tốt xấu cũng đều là thật. Trong cuộc sống, chúng ta có một chút thành tựu thì chúng ta vui, có một chút thất bại thì chúng ta buồn. Trong tất cả các phương diện, nơi nơi chúng ta đều dính mắc nên chúng ta bị chướng ngại.

Thầy Thái từng kể một câu chuyện, một người đàn ông đang đi đường thì có người gọi tên ông chửi, mọi người nhắc ông là có người đang chửi ông thì ông nói, ngoài đường có nhiều người tên giống như ông, đó chỉ là do trùng tên. Chúng ta không vướng mắc thì chúng ta không có chướng ngại. Hằng ngày, chúng ta rất dễ bị chi phối bởi hoàn cảnh, người khác muốn chúng ta vui rất dễ dàng, người khác muốn chúng ta buồn thì càng dễ hơn. Chúng ta không làm chủ được chính mình mà chúng ta bị động bởi hoàn cảnh, bị hoàn cảnh xoay chuyển. Chúng ta tu hành có lực thì chúng ta làm chủ được hoàn cảnh. Nếu chúng ta luôn bị hoàn cảnh làm chủ thì công phu của chúng ta chưa có lực.

Chúng ta tu hành đúng pháp thì tâm chúng ta ngày càng thanh tịnh. Tâm chúng ta thanh tịnh thì chúng ta không bị hoàn cảnh dao động. Hòa Thượng nói: “Người nhận biết được vạn sự vạn vật trong vũ trụ đang biến đổi là người có công phu rất cao”. Công phu của chúng ta chưa có lực thì chúng ta phải nỗ lực dụng công hơn, tìm đến những hoàn cảnh tốt, xa lìa những hoàn cảnh dễ khiến chúng ta ô nhiễm.

Tổ Sư Đại Đức có đạo lực cao thâm nhưng các Ngài vẫn tìm đến những chốn tịch tĩnh để giữ mình. Chúng ta làm xong mọi việc thì chúng ta buông xuống trở về chốn tịch tĩnh, cố gắng xả bỏ mọi “danh vọng lợi dưỡng”. Chúng ta làm mọi việc ở thế gian là chúng ta từ bi xuất phương tiện, làm xong thì chúng ta tri ân Phật Bồ Tát, Tổ Sư Đại Đức đã dạy chúng ta cách để giúp ích chúng sanh. Chúng ta làm được việc thì đó cũng không phải là công của chúng ta mà do ân đức của Phật Bồ Tát, Tổ Sư Đại Đức. Chúng ta có được tâm thái này thì chúng ta mới có thể buông xả. Chúng ta cho rằng, chúng ta có năng lực, tài năng thì chúng ta đã hại chính mình một cách thê thảm. Chúng ta càng làm mà chúng ta càng dính mắc thì chúng ta càng làm càng thê thảm.

Người xưa nói: “Nhiều việc không bằng ít việc, ít việc không bằng không việc gì”. Nếu chúng ta không việc gì mà tâm chúng ta thanh tịnh thì tốt, chúng ta làm nhiều việc mà chúng ta dính mắc, phiền não thì Phật Bồ Tát, Tổ Sư Đại Đức không khuyến khích chúng ta làm. Chư Phật Bồ Tát đều mong chúng ta phải có thể buông xả, ngay trong đời này có thể vượt thoát sinh tử. Những người muốn chúng ta làm nhiều việc, không quan tâm đến việc chúng ta bị đọa lạc thì đó không phải là người Thầy tốt. Chúng ta phải nhìn rõ Thầy tốt, bạn lành để nương tựa.

Chúng ta đa phần là cảm tình dụng sự, vì trước đây là bạn bè nên ngày nay phải nể mặt. Chúng ta không rõ ràng, dứt khoát thì sẽ làm cho chúng sanh mê lầm. Trước đây, có một người dịch “Kinh Vô Lượng Thọ”, sau đó họ in ra để mang tặng cho tôi. Tôi nhận quyển sách để xem họ tu hành như thế nào. Họ ở ngay cạnh nhà tôi, tôi nhận thấy, họ không chuyên tâm với Pháp môn Tịnh Độ, không “một câu “A Di Đà Phật” niệm đến cùng, một hướng Tây Phương để đi”, nên tôi đã không xem cuốn sach đó mà mau mau đem đốt. Tôi sợ rằng, nếu tôi để cuốn sách ở trong tủ, người sau tưởng tôi chấp nhận cuốn sách nên tôi mới để ở đó.

Chúng ta chỉ cần quán sát thì chúng ta biết họ có chuyên tâm, nhất ý với Pháp môn không, nếu không thì sản phẩm của họ nhất định có vấn đề. Người xưa kể câu chuyện, có một vị quan mời công chúa đến nhà ăn chay. Công chúa nói: “Ông cũng ăn chay ư?”. Vị quan đó nói: “Thần nấu để mọi người ăn, còn thần thì ăn mặn!”. Họ dạy chúng ta tu Pháp môn Tịnh Độ, dạy chúng ta hy sinh phụng hiến để làm việc lợi ích chúng sanh nhưng họ có làm không? Nếu họ không làm thì họ đang lợi dụng chúng ta, họ muốn chúng ta xây đắp cho bá đồ, “danh vọng lợi dưỡng” của họ. Hòa Thượng nói: “Họ khuyên người bố thí nhưng họ thì muốn vào càng nhiều càng tốt, làm gì có đạo lý đó!”. Chúng ta gặp những người như vậy thì chúng ta phải mau tránh xa.