88Thứ Năm, 08/08/2024, 22:04

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 08/08/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 211

Thánh Hiền thế gian hay xuất thế gian đều nhắc là chúng ta phải có tấm gương để học tập. Người xưa nhắc chúng ta học tập Khổng Lão Phu Tử, hiện tại, nhiều người đề xướng học tập những tấm gương đức hạnh. Chúng ta tu học thì chúng ta phải lấy Phật làm tiêu chuẩn tu trì. Phật dạy chúng ta rất nhiều điều, chúng ta không có đủ thời gian, trí tuệ để tóm lược những điều Phật đã giảng nhưng chúng ta may mắn được Hòa Thượng dạy những điều căn bản, thiết thực.

Hằng ngày, trước khi bắt đầu giờ học, tôi đều niệm: “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô Hòa Thượng Thượng Tịnh Hạ Không chứng minh”. Điều này có hàm ý sâu sắc, Thích Ca là giáo chủ cõi Ta Bà, người nhắc nhở, khuyến khích chúng ta tu tập pháp môn Tịnh Độ. “Bổn” là gốc, ban đầu. “Bổn Sư” là vị Thầy ban đầu. Phật A Di Đà là giáo chủ thế giới Tây Phương Cực Lạc, là nơi chúng ta quay về. Chúng ta niệm đến Hòa Thượng để chúng ta nhắc nhở chính mình, khi chúng ta khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật, chúng ta phải nương vào lời dạy của Thầy.

Ngày nay, nhiều người cảm thấy không hiểu vì sao Cha Mẹ không dạy được con, học trò thì không làm được Thầy. Người học trò không biết cách làm học trò thì họ sẽ không biết làm Thầy. Người làm Cha Mẹ không biết cách làm con thì họ không thể dạy được con. Ngày nay, nhiều người cho rằng họ học rộng nghe nhiều, họ biết nhiều hơn Cha Mẹ, Thầy Cô, chúng ta có ý niệm này thì chúng ta lập tức rơi vào Ma đạo.

Hòa Thượng nói: “Sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý thuộc về vật chất, sáu căn tiếp xúc với sáu trần là sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, sáu trần là hoàn cảnh sống bên ngoài. Tận hư không khắp pháp giới đều là hoàn cảnh sống của chúng ta. Sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần từ đó sinh ra sáu thức. Đây chính là chỉ cho chúng ta và hoàn cảnh đời sống của chúng ta”. Dùng lời hiện tại mà nói thì những điều này chính là chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Sáu thức là chỉ cho tinh thần. Mắt tiếp xúc với sắc thì sinh ra nhãn thức, chúng ta nhìn thấy thì chúng ta khởi phân biệt. Thí dụ, khi chúng ta nhìn thấy một bông hoa thì chúng ta cảm thấy bông hoa đó đẹp; khi chúng ta nhìn thấy một người thì chúng ta có cảm xúc ghét hay yêu. Khi tai chúng ta tiếp xúc với âm thanh thì chúng ta phân biệt âm thanh chúng ta yêu thích hay không thích.

Khi chúng ta tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, chúng ta phải luôn có sự kiểm soát. Điều này giống như trong quân sự, chúng ta phải có sự cảnh báo sớm, khi vật thể bay chưa tiến vào khu vực an toàn thì chúng ta đã phát hiện, khi chúng vừa bước vào vùng nhận dạng thì chúng ta đã phá hủy mục tiêu. Đối với tập khí, phiền não, chúng ta phải nhận dạng, phá mục tiêu trước khi chúng khởi tác dụng. Hòa Thượng nói: “Điều quan trọng nhất là chúng ta luôn ở trạng thái tỉnh giác”. Chúng ta luôn ở trong trạng thái mơ mơ hồ hồ mà chúng ta không nhận ra. Khi chúng ta nhìn thấy người khác làm được, chúng ta cũng muốn làm nhưng chúng ta làm không được. Chúng ta không làm được vì chúng ta không dám buông xả, không dám hy sinh phụng hiến. Chúng ta luôn ở trạng thái nhát gan, chúng ta sợ mệt, sợ khổ, sợ được mất, hơn thua, tốt xấu.

Chúng ta học Phật, chúng ta phải luôn ở trạng thái tỉnh giác trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta mơ mơ hồ hồ thì chúng ta nhất định sẽ đi về thế giới mơ mơ, hồ hồ. Hằng ngày, chúng ta đều đang ở trạng thái, vọng tưởng của chúng ta nhanh hơn hành động, chúng ta chưa làm xong việc này thì chúng ta đã vọng tưởngđến việc làm khác nên việc làm đó bị hư hại. Tôi cũng thường bị trạng thái này. Thí dụ, tôi cần uống hai loại thuốc, khi đang uống thuốc thì tôi vọng tưởng đến việc khác nên tôi quên uống loại thuốc chính. Hai giờ sau, khi tôi cảm thấy cơ thể khác thường, tôi ngồi quán sát lại thì tôi mới nhận ra mình đã quên uống thuốc.

Vọng tưởng của chúng ta rất nhanh, rất nhiều nên chúng ta luôn làm mọi việc một cách hấp ta, hấp tấp, các việc làm chồng lên nhau. Chúng ta làm như vậy thì tâm chúng ta không thể định. Ngày ngày, sáu căn của chúng ta luôn luôn động. Mắt luôn luôn nhìn thấy sắc, tai nghe thấy, lưỡi thì nếm vị, thân thì xúc chạm. Sáu căn tiếp xúc với sáu trần liền khởi phân biệt. Chúng ta phải luôn ở trạng thái tỉnh giác, chúng ta ở trong trạng thái mê thì chúng ta đã sai. Những việc chúng ta làm là để chúng ta làm ra biểu pháp cho mọi người nên chúng ta phải làm trong trạng thái rất tỉnh giác.