58Thứ Tư, 07/08/2024, 18:25

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 07/08/2024.

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 210

Hòa Thượng dạy chúng ta rằng hành giả niệm Phật phải chuẩn bị đầy đủ cho mình: “Tam phước, Tam học, Lục Hòa, Lục độ và 10 nguyện” trên nền tảng của “Năm đức”: “Ôn Lương Cung Kiệm Nhượng”. Người chân thật tu hành mới tu “Năm đức” này còn tà ma ngoại đạo thì không vì tà ma ngoại đạo luôn mưu cầu “danh vọng lợi dưỡng”. Người ảo danh ảo vọng, chìm trong “danh vọng lợi dưỡng” sẽ không nhận ra điều này.

Sau khi kết thúc lễ tri ân hôm trước là tôi về Đà Lạt ngay mà không ở lại ăn tối bởi sẽ cùng mọi người có đôi lời chia sẻ và cùng vui trong sự thành công. Nếu vậy thì chỉ động tâm chứ chẳng làm được gì hơn, mặt khác, việc ở lại cũng ảnh hưởng đến giờ học buổi sáng và buổi tu hôm sau. Cho nên người chân thật hướng đến sự tu hành, cải đổi tập khí của mình thì phải có “Năm đức”: “Ôn Lương Cung Kiệm Nhượng”.

Trong “Năm đức” này, “Kiệm” rất quan trọng. Chúng ta phải biết tiếc tài, tiếc vật! Để làm gì? Để phục vụ chúng sanh! Trong đời sống, nếu có thể tiết giảm được tài vật của chúng ta ở mức thấp nhất thì chúng ta đã có thể giúp được rất nhiều người. Người hiểu được sâu sắc chữ “Kiệm” thì không bao giờ lãng phí, để thừa thãi tài vật.

Đây là đối với mình, còn đối với người thì mình không nên tiết kiệm, hãy cho họ đầy đủ, dư dả. Nếu chúng ta tiết kiệm với người thì chúng ta đã bỏn xẻn, ích kỷ. Con tôi xin tiền để mua đồ tôi nói rằng “để khi khác” nhưng với cô giáo đang dạy trong Hệ Thống mà gặp khó khăn thì tôi cho ngay. Tặng cho người thì không nên hạn chế nhưng đối với cá nhân mình thì phải tiết kiệm.

Trên nền tảng của tâm “Ôn Lương Cung Kiệm Nhượng”, chúng ta thực hành “Tam phước, Tam học, Lục Hòa, Lục độ và 10 nguyện”. Hòa Thượng nhấn mạnh thêm: “Phải lấy Phật làm tiêu chuẩn tu hành. Tâm, nguyện, giải (hiểu), hành (làm) phải tương ưng với Phật. Như vậy mới là người chân thật niệm Phật”.

Học Phật mà không lấy Phật làm tiêu chuẩn, không làm theo Phật mà làm theo Ma thì sai rồi. Cho dù hiện tại chúng ta làm chưa được giống như Phật thì vẫn phải cố gắng để mỗi ngày nhích lên một chút. Giống như chú sư tử con lần đầu tiên cất tiếng thì không khác gì con Mèo kêu. Tuy nhiên, tiếng kêu của nó không phải là tiếng của Mèo mà là tiếng của sư tử, dần dần tiếng gầm của nó sẽ làm muông thú kinh hoàng. Cho nên học Phật thì phải có khí khái, tác phong của Phật. Người chân thật là đệ tử Phật thì Ma còn phải sợ, long thiên thiện thần cũng phải cung kính.

Tuy nhiên, chúng ta nghe lời dạy của Hòa Thượng nhưng chúng ta không làm được là do nghiệp chướng và tập khí sâu dày. Ngay đời này, chúng ta không mau chóng nỗ lực vượt qua tập khí thì không thể chuyển đổi được nghiệp lực, thế nên, Ngài Lục Tổ Huệ Năng mới nói người chân thật tu hành thì không nhìn vào lỗi người bởi nhìn lỗi mình còn chưa đủ thời gian. Thích Ca Mâu Ni Phật từng khẳng định: “Ta là Phật đã thành và chúng sanh là Phật sẽ thành”. Thánh Hiền thế gian cũng nói: “Người là trượng phu, ta không là trượng phu sao?” Cho nên việc gì người khác làm được thì chúng ta cũng làm được.

Chỉ những người thấp hèn cam phận, thuận theo tập khí phiền não nên vẫn phải mang theo một khối nghiệp nặng nề, do đó mà chẳng ai có thể giúp đỡ. Chúng ta cũng không nên trông chờ vào sự giúp đỡ, ngay đến Phật Bồ Tát cũng không thể giúp nói chi đến quỷ thần. Kể cả việc vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc cũng vậy, không thể trông chờ mà phải thực hành đủ tiêu chuẩn, khi ấy “A Di Đà Phật” và thánh chúng sẽ đến tiếp dẫn. Hằng ngày, chúng ta bi ai tha thiết nguyện vãng sanh nhưng vẫn giữ nguyên tham cầu “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần” “tham sân si ngạo mạn” thì đây chính là tự lừa mình rồi lại lừa người.

Hòa Thượng nói: “Với Phật thì phải tương đồng” tức là phải giống y trang như Phật thì mới thành Phật được. Ví dụ có chú heo bị lạc trong bầy sư tử, nó cũng bắt chước tiếng gầm và tướng đi bệ vệ của sư tử nhưng không ra, vẫn chỉ là tiếng eng éc và tướng đi của chú heo. Cho nên học Phật, học Bồ Tát thì phải giống như Phật, Bồ Tát thì mới có thể làm Phật, làm Bồ Tát.